Chưa đầy một quý sau sự ra đi của Zing Deal, đối thủ đến từ công ty internet lớn nhất nhì Việt Nam, thị trường mua chung trong nước tiếp tục trầm lắng và chưa đón nhận được những tín hiệu thực sự tích cực.
Mới đây, Everyday.vn, một đối thủ tầm trung trên thị trường vừa tuyên bố thay đổi mô hình hoạt động. Everyday.vn trực thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Hàng Ngày, công ty này vốn được nhận đầu tư từ quỹ Kusto. Kusto Tiger IT Investment Fund là một quỹ quốc tịch Singapore và đầu tư vào một số sản phẩm của Việt Nam như Trường Xưa (mạng xã hội) và Paylink (hệ thống thanh toán hiện đại).
Giao diện Everyday.vn.
Everyday không phải là một đối thủ thuộc hàng đỉnh cao, nhưng là một sản phẩm nhận đầu tư nước ngoài và có một số lợi thế do có quan hệ liên kết với Trường Xưa, Paylink, Mobi Ví (đều là sản phẩm nhận đầu tư của Kusto). Vì thế sự thay đổi tại Everyday cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông về mô hình mua chung tại Việt Nam.
Đầu năm, giới công nghệ trong nước bất ngờ đón nhận tin Zing Deal, sản phẩm của tập đoàn VNG, ngừng hoạt động. Khi đó, đã có một số bài báo cho rằng Zing Deal chỉ là một “chú chim báo bão” cho mô hình mua chung tại Việt Nam. Và quả thực, Everyday đã cho thấy nhận xét trên là có phần chuẩn xác.
Theo một số tin đồn, đi kèm với chuyển đổi mô hình hoạt động, Everyday còn có những thay đổi về nhân sự và tổ chức. Những động thái ở Everyday cho thấy mô hình mua chung ở Việt Nam đang rơi vào những ngày tháng cạnh tranh khốc liệt nhất. Kết quả của trận chiến này sẽ không phải chỉ một vài website phải chuyển đổi mô hình hoặc ngừng hoạt động, mà thị trường sẽ chỉ còn là cuộc chơi của vài ông lớn.
Có thể nói, thời cực thịnh của mô hình mua chung ở Việt Nam là vào khoảng nửa cuối năm 2011. Hàng loạt trang mua hàng theo nhóm ra đời, khiến những người chuyên theo dõi thị trường cũng không nhớ nổi các thương hiệu tham gia mô hình này.
Khi đó, theo thống kê của một chuyên gia về mô hình này, có khoảng hơn 100 website sử dụng hình thức mua chung.
Cả trăm trang web chen vai thích cánh.
Thế nhưng, giờ đây nếu có thời gian dạo vòng quanh các trang mua hàng theo nhóm, sẽ thấy không ít trang chẳng còn mặt hàng để bán, thậm chí là trang web trắng trơn.
Nhưng giờ một vài trang đã trắng trơn…
Một số trang khá khẩm hơn thì vẫn bày hàng trên website, nhưng nhìn kỹ thì số lượng phiếu bán ra chỉ dừng ở mức hơn mười phiếu/deal, nhiều lắm mới chỉ được khoảng 50 phiếu. Một số trang bỏ hẳn việc xác định thời gian, còn một số trang đặt thời gian chạy deal khoảng 10 ngày, 20 ngày, thậm chí là … 200 ngày.
Hoặc chạy deal với thời gian… 200 ngày.
Rõ ràng, mô hình chỉ hướng tới lỗ của công ty Groupon kết hợp với môi trường cạnh tranh khốc liệt ở nước ta, sẽ khiến cho cuộc chiến thảm khốc ở thị trường mua chung để lại nhiều “cái chết” nữa.
Trong khi vừa phải cạnh tranh giá với nhau để giành giật nhà cung cấp, thì các trang mua chung còn phải đối mặt với một khó khăn do các đối thủ cùng mô hình gây ra. Không khó để tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin tiêu cực về mô hình mua chung. Nào là khách hàng tố trang mua chung bán hàng kém chất lượng, tố nâng giá để giảm giá, tố giao phiếu chậm đến cả tháng trời…
Người mua hàng Việt Nam vốn yêu thích khuyến mại, giảm giá, nhưng khi đã bị lừa hoặc “cảm giác” bị lừa, họ sẽ cực kỳ thận trọng trong chi tiêu. Chính vì thế, các trang mua chung còn khó kiếm tìm khách hàng hơn nữa.
Cũng không thể phủ nhận tác động từ các ông lớn trên thị trường. Bốn ông lớn: Mua Chung, Nhóm Mua, Hotdeal, Cùng Mua đều có những lợi thế riêng dẫn tới việc bóp chặt đường sống của các trang còn lại.
Và gần đây các trang này đều muốn cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng nhiều hình thức cải tiến. Trong khi Nhóm Mua có hình thức bán hàng cao cấp K-Luxury với mức giá giảm cực mạnh, thì Mua Chung gần đây tung ra hình thức showroom, cho phép khách hàng tận tay xem sản phẩm, từ đó gia tăng niềm tin cho khách hàng.
Showroom của Mua Chung.
Hai trang còn lại tuy chưa có những cải tiến rõ rệt, nhưng những cải tiến về quy trình hoạt động nội bộ của họ, chính là câu đáp án cho việc các trang này vẫn còn đứng vững trên thị trường mua chung khốc liệt.
Như vậy có thể thấy, cửa gần như đã khép lại với những người muốn khởi nghiệp bằng mô hình mua chung. Và các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo hơn, trước khi quyết định rót tiền vào một mô hình chưa tìm ra được hướng hoạt động có lãi và có tính cạnh tranh cực cao như mô hình mua chung ở Việt Nam hiện nay.
Theo CafeBiz