Sự trớ trêu của lịch sử
Mối liên minh Nokia – Microsoft được ví như sự trớ trêu của lịch sử vì họ đã từng là hai đối thủ cạnh tranh gay gắt trên thị trường di động. Một thập kỷ sau, năm 2011, Nokia và Microsoft lại phải bắt tay nhau, thành lập liên minh trong cuộc chiến “một mất một còn” để cạnh tranh trên thị trường smartphone bị thống lĩnh bởi hai “gã khổng lồ” Apple và Google.
Nokia đồng ý sử dụng Windows Phone làm hệ điều hành smarphone chính thay thế cho Symbian, sau đó trả phí sử dụng phần mềm cho Microsoft. Đổi lại, Microsoft sẽ hỗ trợ cho Nokia hàng tỷ USD để phát triển và tiếp thị sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, Microsoft phải đối mặt với nguy cơ là Nokia - đối tác đem lại 2/3 doanh số phần mềm di động của họ - có thể không còn đủ mạnh để duy trì sức tác động trên thị trường.
Sự cộng tác của 2 ông lớn sẽ mang lại thành công?.
Tương lai của Nokia đang hết sức mịt mù khi thứ Năm vừa qua, Nokia tuyên bố mức thua lỗ trong hai tháng gần đây cao hơn nhiều so với dự kiến. Công ty này cũng chưa thể dự đoán khi nào tình trạng này mới chấm dứt.
Trong nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí khi kinh doanh thua lỗ, Nokia cho biết sẽ cắt giảm thêm 10.000 nhân công thuộc bộ phận di động. Kế hoạch được dự tính hoàn tất vào cuối năm 2013, và có nguy cơ mọi việc sẽ không dừng lại ở đó.
Mới đây, giá cổ phiếu của Nokia đã giảm 16% xuống còn 2,35 USD trên sàn giao dịch New York - mức thấp nhất kể từ năm 1996 tới nay. Giá trị thị trường của Nokia đã giảm hơn 3/4 kể từ khi Tổng Giám đốc Stephen Elop lên điều hành hồi tháng 09/2010 và quyết định đánh cược số phận công ty vào hệ điều hành Windows Phone của Microsoft. Giá trị thị trường của Nokia hiện nay là 8,8 tỷ USD, giảm 92% so với năm 2007 (khi Apple ra mắt iPhone ), chỉ cao hơn một chút so với giá Microsoft bỏ ra để mua lại Skype hồi năm ngoái.
Giá trị của Nokia vẫn đang giảm từng ngày.
Trong một hội nghị, ông Elop nói rằng Nokia dự định giải quyết vấn đề thị phần bằng cách tăng doanh số và đẩy mạnh tiếp thị, cạnh tranh mạnh hơn ở mảng smartphone giá rẻ đang được Microsoft dành cho những “hỗ trợ cụ thể”. Nokia sẽ cắt giảm nhiều lĩnh vực để tập trung nguồn lực cho một số ít các thị trường lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, và một số thị trường nhất định tại châu Âu, châu Á. Ông cho biết: “ Hiện nay chúng tôi đang ở vào tình thế bắt buộc phải tạo được đột phá về doanh số”.
Cuối năm 2011, theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, lần đầu tiên Nokia chiếm chưa tới một nửa thị phần điện thoại di động tại quê hương Phần Lan. Theo kết quả kinh doanh quý I/2012, Nokia cũng để mất ngôi vị hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới về tay Samsung.
Ngoài ra, Nokia còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh điện thoại giá rẻ tại các thị trường mới nổi - nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty này. Ví dụ, tại Indonesia, thị phần của Nokia giảm từ 52% (đầu năm 2010) xuống còn 24% (đầu năm 2012), theo IDC. Nokia cũng chậm chân hơn các đối thủ trong việc phát hành điện thoại hai SIM - mặt hàng rất phổ biến tại các nước đang phát triển trong nhiều năm nay.
Microsoft có đi tìm lựa chọn khác?
Đối với Microsoft, việc lựa chọn Nokia làm đối tác sản xuất các thiết bị Windows Phone hàng đầu cũng là một cuộc đánh cược lớn. Năm 2011, khi iPhone và Android cất cánh còn Windows chìm nghỉm, Microsoft hi vọng mối hợp tác với Nokia có thể đem về cho họ vị trí thứ 3 chắc chắn trên thị trường smartphone béo bở. Lúc Nokia gặp khó khăn, Microsoft đã phản ứng bằng cách tăng cường viện trợ cho “đối tác vàng”.
Tuy nhiên, nếu tình hình của Nokia không được cải thiện, gã khổng lồ phần mềm có thể sẽ phải bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn khác.
Microsoft có thể sẽ bỏ rơi Nokia nếu hãng này tiếp tục suy giảm.
Tình trạng thua lỗ của Nokia gây tổn thương không nhỏ cho Microsoft. Trong quý I/2012, Apple chiếm 23% thị trường smartphone toàn cầu, Android chiếm 59% và các con số này còn tiếp tục tăng lên, theo số liệu của IDC. Trong khi đó, hệ điều hành Windows Phone của Microsoft đứng vị trí thứ sáu, chỉ chiếm 2,2% thị trường smartphone, giảm so với 2,6% hồi đầu năm 2011. Nokia và Microsoft đang đặt ra mục tiêu chiếm 10% thị phần thị trường smartphone, mặc dù họ chưa có mốc thời gian cụ thể cho mục tiêu đó.
Nokia cho biết, hãng xuất xưởng được hơn 2 triệu điện thoại Lumia toàn thế giới trong quý thứ I/2012, so với 35 triệu iPhone của Apple. Tại Tây Âu, thị trường lớn nhất của Lumia, IDC ước tính Nokia bán được 980.000 máy Lumia – so với 15,5 triệu điện thoại Android, 7 triệu iPhone và 2,5 triệu BlackBerry.
Lumia là sản phẩm đang mang lại thành công cho Nokia, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ nhoi so với các đối thủ khác trên thị trường.
Cuối năm nay, Nokia sẽ bị đặt vào cuộc thử thách quan trọng khi Samsung vừa mới ra mắt Samsung Galaxy S III – siêu phẩm smartphone Android hàng đầu, Apple cũng được mong đợi sẽ ra một phiên bản iPhone mới vào cuối năm nay. Trong khi đó, Nokia vẫn chưa tiết lộ chi tiết gì về một sản phẩm mới sắp ra mắt. Liệu Nokia có đủ sức chạy theo các đối thủ?
Cho tới khi tình hình có dấu hiệu khả quan hơn, Nokia có nguy cơ vẫn phải phát triển phụ thuộc vào Microsoft
Theo: ICTnews/WSJ