Mobifone dự định dùng điện thoại giá rẻ để "xâm chiếm" Myanmar

PV  | 17/08/2012 0:00 AM

Tờ Mizzima (Myanmar) vừa loan tin cho biết, công ty thông tin di động VMS (MobiFone) của Việt Nam tuyên bố sẽ cung cấp điện thoại giá rẻ cho người dùng Myanmar, cũng như đang chuẩn bị xâm nhập vào thị trường viễn thông tại đây.  

 

Hồi đầu năm, các quan chức Myanmar cho biết đã bắt đầu quá trình cải cách trong lĩnh vực viễn thông nhằm nâng cấp các dịch vụ Internet và điện thoại, đồng thời khuyến khích thúc đẩy đầu tư từ nước ngoài.  


Gần đây, phái đoàn do ông Lê Ngọc Minh, phó chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), kiêm chủ tịch của VMS MobiFone dẫn đầu đã đến thăm Myanmar nhằm mở rộng việc kinh doanh vào thị trường chưa được khai thác này.  


mobifone-du-dinh-dung-dien-thoai-gia-re-de-xam-chiem-myanmar
Trụ sở Mobifone.


VMS cho biết muốn biến thị trường di động từ một dịch vụ xa xỉ mà chỉ có số ít người Myanmar có thể sử dụng thành một dịch vụ quen thuộc hàng ngày với nhiều người dân.  


Ông Lê Ngọc Minh bày tỏ: “Chuyến thăm này sẽ giúp chúng tôi có được cái nhìn sâu sắc hơn về sự tương đồng văn hóa và cải cách giữa hai nước. Cải cách viễn thông của Myanmar chắc chắn sẽ là một cơ hội quan trọng và là một bước ngoặt lịch sử không chỉ cho viễn thông và còn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Myanmar”.  


VMS được thành lập từ năm 1993, là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khai thác dịch vụ thông tin di động GSM 900/1800 và 3G. VMS cung cấp các dịch vụ với thương hiệu MobiFone, và đã được bình chọn là mạng yêu thích nhất tại Việt Nam trong 6 năm liên tiếp kể từ năm 2006.  

  

Theo thống kê chính thức, tính đến tháng 11/2011, Việt Nam đã đầu tư 23,649 triệu USD vào Myanmar kể từ khi đất nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ cuối năm 1988.  


Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Myanmar, ông Thein Tun cho biết sẽ tổ chức một quy trình đấu thầu cho các công ty nước ngoài đang sẵn sàng đầu tư vào các dịch vụ điện thoại và Internet đang còn yếu kém của Myanmar.  


 Myanmar hiện có tỷ lệ sử dụng Internet rất thấp do những hạn chế của chính phủ về giá và cả những thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Đất nước này hiện chỉ có khoảng 400.000 người dùng Internet, chủ yếu ở 2 thành phố lớn nhất là Rangoon và Mandalay.  

 

Mặc dù, có khoảng 50 thành phố trên đất nước này được cho là đã tiếp cận Internet, nhưng ngoài Rangoon và Mandalay thì các thành phố còn lại có tỷ lệ người dùng Internet rất nhỏ. Một số nhà quan sát ước tính rằng có tới 96% trong số 60 triệu dân của Myanmar hiện chưa sử dụng các dịch vụ Internet và điện thoại.  


mobifone-du-dinh-dung-dien-thoai-gia-re-de-xam-chiem-myanmar
Điện thoại giá rẻ, "vũ khí" chiến lược của Mobifone tại thị trường Myanmar.

  

Cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc là một trở ngại lớn trong việc phát triển Myanmar, và rất ít người có đủ tiền để mua được một chiếc điện thoại di động hoặc máy tính.  


  Ông Thein Tun cho biết công ty Yatanarpon Teleport, thuộc sở hữu nhà nước của Myanma và nhà cung cấp dịch vụ Internet đang có kế hoạch liên doanh sau quá trình đấu thầu.

Theo Phạm Khánh/Infonet