Path là một xã hội di động mới được ra mắt vào tháng 11/2011. Chỉ sau 2 tháng hoạt động đã có hơn 2 triệu người dùng. Liệu Path phải là một mối đe dọa khác của Facebook như Instagram đã từng làm trước đây?
Path là gì ?
Path là một mạng xã hội dành riêng cho nền tảng di động, được thành lập bởi Dava Morin - một cựu thành viên của Facebook 4 năm về trước. Mục tiêu của ông là tạo một mạng xã hội gắn kết giữa người dùng với nhau hơn, thay vì người dùng đại trà như Facebook hiện nay.
Path nhận được vòng đầu tư đầu tiên là 30 triệu USD từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn như Redpoint Venture và Index Venture. Được chính thức trình làng vào ngày 11/2010, Path hỗ trợ đến 11 ngôn ngữ và chạy trên nền tảng chính là iOS và Android. Chỉ sau 2 tháng hoạt động, Path đã thu được số lượng người dùng khổng lồ với hơn 2 triệu thành viên.
Đặc điểm của Path
Path xây dựng trên nền tảng nhóm nhỏ các thành viên trong xã hội. Nhà phát triển giới hạn mỗi tài khoản chỉ được phép có tối đa 50 bạn bè; từ đó khuyến khích người dùng chọn lọc kỹ những bạn bè thật sự thân thiết nhất đối với mình, thay vì mở cửa “đại trà” như Facebook. Chính vì thế, trải nghiệm chia sẻ trong Path có phần vượt trội và thân thiết hơn môi trường của Facebook.
Giao diện Timeline của Path rất mượt mà và đẹp mắt, tính năng chia sẻ cũng rất đơn giản và hiệu quả cao.
Như một quyển nhật ký cá nhân, Path có thể nói là sự kết hợp giữa giao diện của Instagram và khả năng kết nối của Facebook. Tính năng chia sẻ vô cùng dễ dàng với chỉ với một vài thao tác đơn giản, cộng với giao diện Timeline tương tự như của Facebook; tất cả những điều đó mang lại cho Path một nét riêng rất ấn tượng và hoàn toàn khác biệt đối với các mạng xã hội khác.
Những tính năng cao cấp như hiệu ứng ảnh của Instagram, Wall của Facebook cũng đều hoạt động rất tốt trên Path. Bên cạnh đó, định vị địa điểm là điểm sáng nổi bật nhất của mạng xã hội này. Tất cả những gì bạn chia sẻ dù trên trang home của mình hoặc comment ở bất kỳ nơi nào trong Path, cũng đều đi kèm với vị trí địa lý thực tế của chính người dùng. Những đặc điểm ấy giúp nâng cao khả năng tương tác và trải nghiệm giữa người dùng một cách tối đa trong mạng xã hội này.
Hiệu khá nhiều hiệu ứng như của Instagram đều được áp dụng trong Path.
Bên cạnh đó, Wake/Sleep là tính năng khá thú vị khi nó cho phép bạn bè nhận biết được trạng thái của bạn trên mạng xã hội. Bạn sẽ được update đầy đủ các thông tin khi đang ở chế độ Wake (thức giấc), nhưng khi bạn ở chế độ Sleep (Ngủ) thì sẽ không bị làm phiền bởi bất kỳ cập nhật mới nào.
Người dùng có thêm địa điểm và bạn bè vào bất kỳ cập nhật nào của mình.
Tuy nhiên đối với người khá quen với giao diện Facebook thì có thể gặp chút bỡ ngỡ với giao diện đơn giản này. Bên cạnh đó, Path còn thiếu khá nhiều tính năng quan trọng khác như không thể Tag được bạn bè và khả năng quản lý ảnh không được tốt như ở Facebook. Một ví dụ điển hình như nếu bạn muốn tìm một bức ảnh được tag với bạn bè của mình vào một thời điểm nhất định nào đó, sẽ là rất khó khăn đối với Path và thực sự quá dễ dàng với Facebook.
Liệu Path có phải là sát thủ trên di động của Facebook?
Phải công nhận một điều rằng, trải nghiệm trên nền smartphone của Facebook không phải là tệ, nhưng thực sự cũng chả có gì đặc biệt về nó cả. Với giao diện được trau chuốt tốt hơn, bắt mắt hơn và trực quan hơn; các mạng xã hội di động như Instagram và Path đang thực sự lấy lòng được người dùng internet.
Instagram đã từng đe dọa Facebook bởi tính năng chia sẽ hình ảnh vượt trội của mình, tính năng mà Facebook vẫn tự hào từ trước đến nay. Bên cạnh đó, khả năng chia sẻ hình ảnh kết hợp với tích hợp địa lý khiến cho sự kết nối giữa người dùng trong mạng gần như không có giới hạn. Bạn có thể khám phá cả những bức ảnh của người khác tại cùng vị trí mà mình vừa chụp; từ đó mở rộng được nhiều sự liên kết, những mối quan hệ mà sẽ không bao giờ thực hiện được ở cuộc sống thực và ở các mạng xã hội khác.
Với Path, bạn có thể khám phá cả những bức ảnh có cùng vị trí mà mình vừa chụp;
sự liên kết giữa người dùng là hết sức chặt chẽ và thú vị.
Path lại có cách hoạt động trái ngược với Instagram và Facebook. Thay vì khuyến khích người dùng ngày càng mở rộng các mối quan hệ xã hội bằng cách có hàng trăm, hàng nghìn bạn; thì Path lại như một mạng xã hội khép kín, thiên về cá nhân và số bạn bè cũng khá chắt lọc.
Mọi người sẽ luôn cần Facebook vì nó là một sự hiện diện của mỗi cá nhân trên internet. Facebook vô cùng cần thiết để phục vụ cho nhu cầu giao tiếp, gắn kết nói chung trong xã hội; VD: bạn cũ lâu năm, bạn bè gặp mặt trong xã hội, những đồng nghiệp v.v...
Path thì tập trung vào những người thân mật với mình như các thành viên trong gia đình, hoặc những người bạn thân thiết luôn quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của bạn. Chính vì bản chất người dùng khác nhau nên Path sẽ không thể thay thế được Facebook, mà chỉ có thể tồn tại song song với mạng xã hội này.
Người dùng sẽ luôn cần Facebook, nó như là một bộ mặt của mỗi người trên Internet.
Nói một cách khác, Path và Facebook là 2 món ăn khác nhau. Người dùng có quyền được lựa chọn sử dụng cả 2 dịch vụ này một lúc. Facebook thì cho xã hội nói chung, còn Path thì dành cho những người thân thiết đối với mình.
Với tính năng chia sẻ ảnh vượt trội của mình, sức hút của Path khiến cho dịch vụ này thực sự là sát thủ của Facebook. Nhưng có thể Facebook sẽ mua lại Path để có thể ngày càng "độc bá" hơn trong sân chơi này của mình. Giá trị của thương vụ này chắc chắn sẽ là không phải là nhỏ vì lượng người dùng Path hiện đăng tăng lên từng ngày một cách nhanh chóng.
Path và Facebook là 2 món ăn khác nhau, người dùng có thể dùng cả 2 cùng lúc.
Có lẽ trong thời điểm này, câu hỏi Path có phải là sát thủ Facebook không chưa thực sự là điều quan trọng, Mà làm thế nào để các mạng xã hội kiếm được tiền trên nền tảng di động mới là việc đang phải bàn cãi. Về cơ bản, hiện nay các mạng xã hội trên smartphone đều đang lâm vào tình cảnh “có tiếng mà không có miếng”. Ngay cả "ông lớn" Facebook hiện cũng chưa thể thu về một đồng nào từ nền tảng di động. Trong khi đó, số lượng người online bằng smartphone tăng vọt và ngày càng lấn lướt nền tảng Web truyền thống, nơi mang lại doanh thu chính cho các mạng xã hội hiện nay.