Mới đây, “gã khổng lồ” Google đã công bố bản "Báo cáo minh bạch" (Transparency Report), trong đó cho biết mỗi tháng hãng nhận được hơn 1,2 triệu khiếu nại từ các công ty phần mềm, âm nhạc và phim ảnh yêu cầu xóa liên kết dẫn tới các trang nội dung vi phạm bản quyền.
Theo số liệu trong bản báo cáo này, trong tháng qua, Microsoft là công ty đưa ra số liên kết yêu cầu gỡ bỏ nhiều nhất, lên tới hơn 500.000 URL. Hầu hết đây đều là liên kết dẫn tới các trang web cho phép người dùng download các phần mềm của Microsoft một cách bất hợp pháp. Đứng ở vị trí thứ hai là BPI (Hiệp hội công nghiệp ghi âm Anh) với hơn 162.000 URL. Kế đó là yêu cầu từ các hãng giải trí như NBC Universal, Elegant Angel và RIAA.
Các số liệu trên “Bản báo cáo minh bạch” cho thấy lượng yêu cầu loại bỏ các liên kết vi phạm bản quyền tăng mạnh theo thời gian. Vào tháng 7/2011, khi bắt đầu thống kê số liệu, Google nhận được hơn 129.000 yêu cầu loại bỏ liên kết mỗi tuần. Đến tháng 5 năm nay, thời điểm mà hãng kết thúc thống kê, con số này là hơn 284.000. Trong tháng qua, Google đã loại bỏ hơn 1,2 triệu liên kết đến 24.000 trang web vi phạm bản quyền theo yêu cầu của hơn 1200 chủ sở hữu bản quyền hợp pháp. Google mất khoảng 11 giờ kể từ khi nhận được một lời yêu cầu xóa liên kết cho tới khi liên kết đó thực sự bị xóa trên trang tìm kiếm của hãng nếu được đội ngũ luật sư bản quyền của hãng chấp thuận.
97% yêu cầu gỡ bỏ liên kết từ người dùng được Google chấp thuận. 3% yêu cầu còn lại là những cáo buộc quá phi lí, Google sẽ bỏ qua. Chẳng hạn như yêu cầu của một công ty giải trí lớn đòi xóa bỏ liên kết dẫn tới một trang web đánh giá tiêu cực về nội dung chương trình truyền hình của họ sẽ không được Google chấp thuận. Phân biệt giữa những yêu cầu chính đáng và yêu cầu phi lí do vậy luôn là một nhiệm vụ khó khăn với những người “cầm cân nảy mực” như đội ngũ luật sư bản quyền của Google.
Từ hai năm trở lại đây, Google đã bắt đầu công bố chính thức bản “Báo cáo minh bạch” này. Tuy nhiên, trước đó, hãng chỉ chú trọng vào các yêu cầu gỡ liên kết từ chính phủ. Cho tới năm nay, hãng mới mở rộng phạm vi kiểm soát của mình theo yêu cầu từ các chủ sở hữu bản quyền hợp pháp như Hãng ghi âm, hãng phim, công ty phần mềm…
Theo người đứng đầu Hiệp hội công nghiệp ghi âm Anh Geoff Taylor “Những con số này cho chúng ta thấy rằng, việc đặt gánh nặng chống xâm phạm bản quyền lên mình đôi vai của chủ sở hữu bản quyền quả là quá sức của họ. Google đã thật sai lầm khi biết rõ về hành vi xâm phạm bản quyền của những trang nội dung này, nhưng vẫn cố tình làm ngơ để cho điều đó xảy ra. Google chắc hẳn cũng biết rằng những trang web như The Pirate Bay hay Beemp3 chia sẻ nội dung âm nhạc bất hợp pháp, vậy tại sao chúng vẫn đứng ở trên cả liên kết đến Amazon hay iTune (những trang chia sẻ nội dung bản quyền có tính phí) khi tôi tìm kiếm với từ khóa “download music” (tải nhạc). Hành vi này có thể lừa dối người tiêu dùng thông thái, và nếu hãng không tự nguyện loại bỏ những liên kết bất hợp pháp này, Chính phủ nên nhảy vào cuộc”
Bản quyền mạng hiện giờ đang là vấn đề nóng hổi nhất thu hút sự “vào cuộc” của nhiều ông lớn trong làng công nghệ thế giới. Sau các dự thảo luật SOPA, PIPA, CISPA; sự kiện các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Anh chặn người dùng truy cập tới The Pirate Bay; cho tới giờ, Google đã chính thức bắt tay vào ngăn chặn hành vi này.
Tham khảo: BBC, Cnet