Facebook nên dành tiền từ IPO vào những mục đích nào?

Ánh Vân  | 21/05/2012 0:00 AM

Để có thể phát triển hơn trong tương lai, tiền thu được sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng của Facebook nên được chi vào những mục đích nào? Hãy cùng GenK khám phá!

Để có thể phát triển hơn trong tương lai, tiền thu được sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng của Facebook nên được chi vào những mục đích nào? Hãy cùng GenK khám phá!
 
1. Di động
 

 
Thống kê cho thấy Facebook luôn vượt qua các ứng dụng mạng xã hội khác để đứng đầu trong danh sách các ứng dụng phổ biến nhất trên di động. Tuy nhiên, Facebook chưa tập trung thiết kế ứng dụng để mang lại cho người dùng smartphone và tablet những trải nghiệm tốt nhất. Cụ thể, ứng dụng Facebook cho iPad không hỗ trợ giao diện Timeline, ứng dụng cho Android lại không tương thích với nhiều kích thước màn hình khác nhau. Do vậy, Facebook nên tập trung thêm vào việc xây dựng một nền tảng di động nhiều tính năng để nâng cao trải nghiệm người dùng và bắt đầu kiếm tiền từ đó.
 
2. Quảng cáo trực tuyến
 

 
Quy mô của quảng cáo trực tuyến hiện rất lớn và không ngừng phát triển, Facebook là một trong những nhân tố đứng đầu ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, Facebook chưa có nhiều bước tiến mang tính đột phá so với đối thủ Google. Dù rất phổ biến, song hệ thống quảng cáo của Facebook không thực sự nổi bật và lại không hiện diện trên nền tảng di động. Điều này dễ làm liên tưởng đến hệ thống quảng cáo iAd không mấy thành công của Apple. Sau IPO, Facebook sẽ có cơ hội tốt hơn để củng cố cho hệ thống quảng cáo của mình.
 
3. Bộ máy tìm kiếm
 

 
Với động thái tích hợp mạng xã hội trên kết quả tìm kiếm vào đầu năm nay, Google đang dần bành trướng sang lãnh thổ hoạt động của Facebook. Để “trả đũa” lại, có lẽ Facebook nên tập trung xây dựng bộ máy tìm kiếm để giúp người dùng tìm được các thông tin cần thiết khi truy cập mạng xã hội. Tuy việc xây dựng bộ máy tìm kiếm sẽ tốn rất nhiều chi phí song với một công ty đại chúng thì vấn đề này vẫn có thể giải quyết được.
 
4. Mua lại các công ty khác
 

 
Khi thực hiện thương vụ mua lại Instagram, Mark Zuckerberg cho biết đây không phải là thương vụ lớn cuối cùng mà Facebook thực hiện. Điều này cho thấy Mark đã nhận thức được các công ty nhỏ và năng động đang dần có khả năng định nghĩa lại web và di động. Đầu tư là cách tốt nhất để phát triển trong tương lai, song khi người khác đã xây dựng xong thì Facebook chỉ cần mua lại để phát triển tiếp. Hiện tại, Facebook nên để mắt tới các mạng xã hội đầy tiềm năng như Pinterest, Viddy hay Path.
 
5. Điện thoại Facebook
 

 
Facebook từng chia sẻ các vấn đề gặp phải khi thiết kế ứng dụng dành cho di động, sẽ dễ giải quyết hơn nếu hãng phát triển mẫu điện thoại Facebook và có khả năng kiểm soát phần cứng. Ngoài ra, mẫu điện thoại Facebook còn có thể tích hợp thêm các tính năng nhận diện khuôn mặt, tự động gắn tag vào ảnh tương tự Samsung Galaxy S III.
 
6. Thương mại điện tử
 

 
Facebook đã có kinh nghiệm về việc tích hợp hệ thống thương mại điện tử vào mạng xã hội trong quá khứ và kết thúc bằng việc người dùng cho rằng thiếu bảo mật. Hiện tại, còn có nhiều dịch vụ của hãng thứ 3 (tiêu biểu là Payvment) vẫn hoạt động trên Facebook, thúc đẩy việc mua sắm dựa trên các mối liên hệ của người dùng với bạn bè và gia đình của họ. Việc tập trung vào mảng thương mại điện tử đối với mạng xã hội là một động thái không mấy thông minh, tuy nhiên, Facebook có thể mua lại một công ty khác ở lĩnh vực này.
 
7. Thống kê cho doanh nghiệp
 

 
Theo dõi xu hướng người dùng là nhu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp trên Facebook. Hiện tại, bộ thống kê của Facebook còn chưa chi tiết nên đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các ứng dụng của bên thứ ba như PageLever hay SocialFresh. Facebook đã theo dõi được các thông tin từ người dùng, song lại gặp trở ngại ở việc tập hợp dữ liệu và trình bày chúng dưới dạng biểu đồ chi tiết. Nếu Facebook tập trung hơn vào việc thống kê dành cho các doanh nghiệp theo đúng quy trình phân tích – hành động – thống kê thì có lẽ General Motors đã không rút lại 10 triệu đô quảng cáo trên Facebook gần đây.
 
8. Giáo dục trực tuyến
 

 
Facebook đang dần trở thành phương tiện để các sinh viên kết nối với nhau và tham gia các lớp học trực tuyến thông qua các ứng dụng của bên thứ ba. Nếu Facebook chính thức tham gia vào mảng giáo dục, họ có thể thu được thêm nhiều tiền từ việc cung cấp các tính năng cần thiết cho nhu cầu học tập trực tuyến.
 
9. Nghiên cứu và phát triển
 

 
Để có thể đứng vững trước sự cạnh tranh của các đối thủ, Facebook không thể cứ phân tích xu hướng đang lên rồi thực hiện thương vụ mua lại các công ty khác. Facebook cần có dự án nghiên cứu “dài hơi” trong 5, 10 hay 20 năm để định hướng nhu cầu người dùng và xác định công nghệ họ sẽ sử dụng. Hãng cần định hướng trước trong trường hợp cần chuyển dữ liệu sang một nền tảng công nghệ mới, vì hiện tại Facebook vẫn sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL đã cũ và có nhiều khả năng sẽ phải thay thế trong tương lai.
 
10. Chinh phục thị trường Trung Quốc
 




Với việc ngăn chặn truy cập Facebook, Trung Quốc được ví là bức tường thành vững chắc ngăn không cho Facebook tiếp cận với hơn một tỷ dân tại quốc gia này. Nếu tập trung thêm nhiều sự quan tâm và tiền bạc, Facebook có thể xóa bỏ bức tường này.

 
Tham khảo: Mashable