Di động là tương lai cho sự phát triển bền vững

Z3  | 21/06/2012 05:00 PM

Truyền thông xã hội và công nghệ được đánh giá là giữ vai trò chủ chốt trong việc hình thành các giải pháp bền vững cho tương lai của trái đất.

Hiện trên thế giới có khoảng 4,2 tỷ người dùng di động với 6,2 tỷ thuê bao. Con số này hiện vẫn đang tăng không ngừng và dự báo đến năm 2017 sẽ có khoảng 9 tỷ thuê bao di động trên thế giới. Điều này chứng tỏ vai trò của những chiếc điện thoại ngày càng lớn khi không chỉ là phương tiện truy cập Internet mà nó có thể thay thế tiền mặt hoặc thậm chí giúp cải thiện các tiêu chuẩn y tế nông thôn.
 
Trong tuần qua, Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc hội thảo tại Rio de Janeiro về sự phát triển bền vững trong tương lai, trong đó vai trò của điện thoại di động nổi lên như giải pháp trọng tâm.
 
1. Đối phó với bệnh tật

 
Năm ngoái khi mà bệnh dịch bùng phát tại 2 quốc gia châu Phi là Bostwana và Kenya, công ty HP đã cùng các đối tác giới thiệu một giải pháp di động cho vấn đề này. Các nhân viên của HP được đào tạo để nhanh chóng thông báo về các điểm có nguy cơ bùng phát dịch sốt rét cho cơ quan chức năng chỉ trong vòng 3 phút, thông qua các tin nhắn từ điện thoai di động. Trước đây việc này phải mất nhiều thời gian hơn, từ 3 đến 4 tuần.
 
Paul Ellingstad, giám đốc phụ trách sức khỏe toàn cầu của HP nhấn mạnh “ Ngay bây giờ chúng ta phải tạo một sợi dây kết nối trên toàn cầu với 5,7 tỷ người dùng di động để cung cấp và chia sẻ thông tin y tế, giáo dục cũng như phòng chống bệnh tật và tiến tới giảm nguy cơ tử vong cho hàng triệu người”.
 
2. Giáo dục thông qua các trò chơi


Khái niệm chơi game bổ ích khá quen thuộc với các nước phương Tây. Nhiều trò chơi trên mạng xã hội và điện thoại di động đã cung cấp nội dung về các vấn đề toàn cầu.


Chiến dịch “Half the Sky”, được khởi xướng bởi Nick Kristof và Sheryl Wudum đã cung cấp những trải nghiệm trên điện thoại di động thông qua các trò chơi. Qua đó cung cấp kiến thức về sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và vấn đề bình đẳng giới cho nhiều phụ nữ tại các quốc gia đang phát triển.


3. Nâng cao trách nhiệm của các chính phủ



Tại Ấn Độ, nhiều công dân không được chăm sóc sức khỏe do tình trạng thiếu thốn nguồn nhân lực của ngành y tế. Dự án quản lý xã hội Indo-Deutch đã đưa ra một giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ. Người dân sẽ được phát 1 chiếc điện thoại di động mà thông qua nó, họ có thể báo cáo cho các cơ quan chức năng mỗi khi quyền lợi xã hội của mình không được đáp ứng đầy đủ. Những phản hồi này sẽ buộc chính phủ phải nâng cao trách nhiệm của mình.


4. Giúp bảo tồn rừng rậm nhiệt đới     


                

Bộ lạc Surui, sống trong các khu rừng rậm Amazon tại Brazil đang bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá khu vực sinh sống của họ. Hoạt động khai thác carbon tại đây đang gây ra những hệ lụy xấu. Google đã cung cấp cho bộ lạc Surui giải pháp công nghệ, thông qua các thiết bị nền tảng Android, họ có thể theo dõi và quản lý nguồn tài nguyên quý giá này.


Tù trưởng Almir của bộ lạc này tin rằng smartphone sẽ giúp họ bảo tồn văn hóa truyền thống của vùng đất này. Ông hi vọng sẽ mở một trung tâm công nghệ và văn hóa ngay trên mảnh đất mà tổ tiên để lại.


5. Đối phó với các thiên tai thảm họa



Tuần trước, Hội chữ thập đỏ của Hoa Kỳ đã cho ra mắt một ứng dụng viện trợ nhằm cung cấp thông tin và nguồn lực cần thiết trong các tình huống khẩn cấp. Điều này đã hé lộ về tiềm năng sức mạnh to lớn của điện thoại di động trong nỗ lực cứu trợ thiên tai và ứng phó khẩn cấp với các thảm họa thiên nhiên. Người dân sẽ được hướng dẫn phải làm gì trong các tình huống nguy hiểm để bảo toàn tính mạng.


Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Mỹ tin rằng “ mô hình mới về giao tiếp và chia sẻ thông tin này sẽ đem đến những tác động to lớn trong nỗ lực đem đến cuộc sống an toàn hơn cho người dân.”

Nguồn: Mashable