CHUYÊN TRANG VỀ CALL OF DUTY TRÊN GAMEK.VN
TỰA GAME ĐÃ VÀ ĐANG GÂY SỐT TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
- Theo Helino | 22/02/2019 12:45 PM
Dám cá là phần lớn game thủ chưa nghe, hoặc thậm chí quan tâm đến cái tên CI Games trong đời chinh chiến game trường của mình. Đây có thể được coi là một điều khá khó hiểu, nhất là khi tuổi đời của nhà phát triển trụ sở Ba Lan này đang bắt đầu chạm đến con số 20. Nhưng nếu chúng ta xoáy sâu hơn vào lịch sử của hãng thì cái sự gần như vô danh này có lẽ không đến nỗi bất ngờ.
Một “đế chế” được xây dựa trên sự cóp nhặt
Khởi nguyên của hãng đến từ ba nhà phát triển khác nhau: Lemon Interactive, We Open Eyes và Tatanka, hợp nhất lại tạo nên City Interactive, tiền thân của CI Games. Ban đầu họ tập trung vào việc phát triển và phát hành liên tiếp những tựa game được miêu tả là “hợp túi tiền” nhắm đến đối tượng khách hàng không được dư dả túi tiền cho lắm. Như một lẽ tất nhiên, độ đa dạng của game đến từ City Interactive tỉ lệ nghịch với chất lượng của chúng. Bạn không thể mong chờ một nhà phát triển bé nhỏ đến từ Ba Lan cạnh tranh với những ông lớn ở những thủ phủ công nghệ của thế giới được.
Nhưng cái mà City Interactive không đề cập đến, là cách mà họ tiếp cận đối tượng khách hàng của mình. Dựa trên sự mù mờ và thiếu hiểu biết về video game của một số người, City Interactive một cách có chủ đích tạo nên những tựa game nhái chính hiệu cả về tên lẫn lối chơi, bối cảnh. Bạn có thấy sự tương đồng trắng trợn giữa Wolfschanze 2 và Wolfenstein, hay Code of Honor và Call of Duty không? Những người thiếu cẩn thận (và thiếu cả may mắn nữa) thì nói trắng ra sẽ bị lừa mua phải những phiên bản tệ hơn nhiều game chuẩn.
Beauty Factory
Những cú lừa mà City Interactive chơi thường xuyên này, bạn tự hỏi, tại sao họ phải làm thế? Đơn giản vì chất lượng của những tựa game của hãng quá tệ và sẽ chẳng ai chịu móc hầu bao ra trong những điều kiện bình thường. Sản phẩm của City Interactive trải dài từ game phiêu lưu cho tới game trang điểm cho các bé gái, nhưng được biết đến rộng rãi nhất chắc chắn là những game bắn súng góc nhìn thứ nhất.
Hai phần ba trong số những sản phẩm đã được phát hành là game FPS với bối cảnh từ thế chiến hai tới chiến trường hiện đại, thể hiện rõ sự ăn theo thành công của những Call of Duty hay Battlefield. Tất nhiên chất lượng của chúng là điều khỏi cần bàn cãi: cơ chế bắn súng tệ hại, cốt truyện, lồng tiếng đáng xấu hổ và thời lượng chơi ngắn ngủi là những yếu tố bạn chắc chắn sẽ tìm thấy ở đây. Đấy là còn chưa kể việc xào nấu đến mức báo động lại tài nguyên trong các bộ engine LithTech hoặc Chrome khiến cho các tựa game của City Interactive không gì hơn là những cố gắng đáng buồn trong việc móc túi người tiêu dùng.
SAS: Secure Tomorrow
Nhưng mà lạ chưa, chiêu đó hóa ra cũng thành công. Chiến lược City Interactive chắc chắn mang lại lợi nhuận, bằng chứng là hãng mở rộng lên tới con số 150 nhân sự trong năm 2011. Để tiện so sánh, chỉ có tầm 100 người làm việc trong dự án phát triển The Elder Scrolls V: Skyrim – một trong những tuyệt tác game đầu thập niên 2010.
Cố gắng thoát khỏi quỹ đạo
Lí do khiến cho City Interactive bỏ mảng phát triên game “hợp túi tiền” trong năm 2008 không bao giờ được thực sự tiết lộ, nhưng có vẻ như cố gắng đó đến từ việc muốn thoát khỏi cái tiếng xấu họ đã mang hơn nửa thập kỉ. Nhất là khi người đồng hương CD Projekt Red đạt được thành công với sản phẩm có sự đầu tư The Witcher một năm trước đó.
Sniper: Ghost Warrior
Cố gắng thoát khỏi quỹ đạo quay lừa tình và cóp nhặt đáng xấu hổ thưở đầu của City Interactive là rất đáng ghi nhận, nhưng có vẻ như như thế là không đủ, hoặc cũng có thể do sự thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển game một cách nghiêm túc. Nói gì thì nói, Sniper: Ghost Warrior – khởi đầu của series game nổi tiếng nhất của hãng – chào đời năm 2010 với nền đồ họa thuộc dạng khá nhưng lối chơi xào nấu thập cẩm giữa Sniper Elite và Call of Duty. Đa phần các tạp chí game danh tiếng lúc đó chỉ cho Ghost Warrior số điểm dưới trung bình.
Mặc dù vậy tựa game vẫn thu hút đủ sự chú ý để City Interactive (lúc này đổi tên thành CI Games) cho ra đời phần thứ hai năm 2013 với tất cả những sai lầm của tựa game trước thay thế bằng những sai lầm mới. Cũng phải công nhận rằng lúc này game của hãng không còn được phát triển một cách lười biếng như trước nữa mà có sự đầu tư ở một mức độ. Những Alien Rage (2013), Enemy Front (2014) hay Lords of the Fallen (2014 – Hợp tác với Deck13 Interactive) có nền đồ họa trên mức khá so với mặt bằng chung của nền công nghiệp, nhưng những di chứng từ đầu những năm 2000 vẫn còn hiện hữu. Nếu không sao chép Bulletstorm thì hãng cũng “lấy cảm hứng” từ Dark Souls, chỉ có điều là những sản phẩm này không được mài dũa tí nào khiến cho trải nghiệm của chúng khá nhất chỉ dừng ở mức trung bình.
Lords of the Fallen
Alien Rage
Sau màn ra mắt khá thành công (về mặt thương mại) của Ghost Warrior 3 năm 2017, CI Games bất ngờ cắt giảm nhân sự xuống còn 30 người với lí do tổ chức lại đội ngũ sau những khó khăn trong việc phát triển tựa game. Kể ra thì cũng không khó hiểu lắm với việc Sniper: Ghost Warrior 3 đơn giản chỉ là một bản sao tệ hơn của Far Cry với đầy lỗi và thiết kế lạc hậu. Điều này khiến cho người viết phải đặt ra một câu hỏi: tại sao những game của họ lại tệ đến như vậy? Sự tận tâm là điều không cần bàn cãi, với hàng loạt những sản phẩm cho thấy sự đầu tư kể từ 2010. Vậy do thiếu nguồn lực? Chắc cũng không, với một đội ngũ tiền 2017 lớn như vậy.
Kết quả là, người ta không nhìn CI Games như cách họ nhìn các nhà phát triển lớn khác. Họ nhớ tới Ubisoft, Bethesda nhưng chắc chắn không phải CI Games. Tất cả những cố gắng và cuối cùng, nhà phát triển game Ba Lan này vẫn không thể tạo được một dấu ấn riêng cho mình trên làng game thế giới.