Chuyện về "Nữ hoàng Hải tặc" khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử

Vũ Huế  Pháp Luật & Bạn Đọc | 22/11/2020 05:47 PM

Ching Shih (1775-1844) là nữ thuyền trưởng Hạm đội Cờ đỏ (Red Flag Fleet), binh đoàn cướp biển hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Bà nổi tiếng khắp thế giới là "Nữ hoàng Hải tặc" quyền lực, tàn bạo và khôn ngoan nhất.

Hôn nhân thay đổi số phận

Ching Shih (石 陽) chào đời năm 1775 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Từ khi vừa lớn lên, cô đã phải làm kỹ nữ trong một kỹ viện ở Quảng Châu. Tên hành nghề của Shih là Shih Heang Koo (石 香姑).

Năm 1801, ở tuổi 26, Shih gặp "khách làng chơi" là Cheng I (1765-1807) - một hải tặc. Cheng I xuất thân từ gia tộc hải tặc họ Cheng khét tiếng ở Quảng Đông. Y hơn Shih 10 tuổi, vừa gặp đã trúng "tiếng sét ái tình". Như câu "trai tứ chiếng, gái giang hồ", Cheng I nhanh chóng bỏ tiền chuộc thân cho Shih, hứa hẹn "cùng nhau nổi cơ đồ".

Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 1.
Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 2.
Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 3.

Shih là một phụ nữ quyết đoán. Trước cuộc hôn nhân giúp thoát khỏi kiếp kỹ nữ, cô đồng ý ngay lập tức. Cũng có một truyền thuyết hải tặc Trung Quốc khác kể rằng, Cheng I đột kích kỹ viện nơi Shih bán thân. Hắn cướp bóc tài vật, kỹ nữ và vô cùng vừa mắt Shih Heang Koo, cuối cùng lấy cô làm vợ.

Bất kể vì lý do gì, hợp đồng hôn nhân giữa Cheng I và Shih vẫn vạch rõ: chia đôi quyền lực và quyền lợi. Theo giao ước này, Shih có một nửa thực quyền của chồng. Cứ mỗi phi vụ cướp bóc thành công, cô lại được 50% các chiến lợi phẩm.

Từ khi trở thành phu nhân tướng cướp biển, Shih tham gia mọi phi vụ. Cô cũng đồng ý để Cheng I nhận Cheung Po (1783-1822), đứa trẻ mà y bắt cóc được làm con nuôi, cho phép trở thành người thừa kế.

Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 4.

Ảnh minh họa Cheng I (1765-1807)

Trước khi lấy Shih, Hạm đội Cờ đỏ của Cheng I chỉ bao gồm 200 tàu cướp biển và 600 hải tặc. Sau khi sát cánh với Shih, y cùng vợ "đánh đông dẹp bắc", thâu tóm và thống nhất các nhóm hải tặc, hình thành liên minh cướp biển khổng lồ, với số thành viên từ 50.000 - 70.000 người.

Dưới quyền chỉ huy của cặp đôi Cheng I và Shih, liên minh hải tặc này được chia thành 6 tiểu đội, đặt tên theo màu sắc lam, lục, đỏ, đen, trắng và vàng.

Chiếm quyền, kiểm soát bằng bạo lực

Ngày 16/11/1807, Cheng I qua đời, thọ 39 tuổi. Theo lẽ thường, người kế vị chức tướng cướp biển phải là Cheung Po. Tuy nhiên, Shih không có ý định bước xuống khỏi đài danh vọng hay làm nhiếp chính. Bà tự tay thâu tóm quyền lực, trở thành người đứng đầu duy nhất của Hạm đội Cờ đỏ. Kể từ lúc này, Shih được biết như "Nữ hoàng Hải tặc", thống lĩnh đội quân bao gồm 800 thuyền lớn, hơn 1000 thuyền nhỏ cùng 7 - 8 vạn cướp biển.

Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 5.

Ching Shih (1775-1844)

Với vai trò thủ lĩnh, Shih thiết lập luật lệ mới. Bà áp đặt nguyên tắc chia chác cụ thể, chỉ cho phép các thuyền hải tặc giữ lại 20% chiến lợi phẩm. 80% còn lại phải giao nộp, đưa vào quỹ chung.

Chuyện về Nữ hoàng Hải tặc khét tiếng gieo rắc kinh hoàng tại Trung Quốc: Từ kỹ nữ thành cướp biển quyền lực và tàn bạo bậc nhất lịch sử - Ảnh 6.

Bên cạnh cướp tài vật, Hạm đội Cờ đỏ còn cướp người. Shih quy định rõ, phải đặc biệt đối xử tử tế với những nữ giới bị bắt. Bà xét duyệt họ theo 2 tiêu chí: có nhan sắc và không có nhan sắc. Những người dung mạo xinh đẹp bị giữ lại thuyền, nhưng được đối xử vô cùng tử tế. Shih tuyệt đối cấm hãm hiếp, bạo hành phụ nữ. Bất cứ hải tặc nào vi phạm nguyên tắc này cũng bị xử tử. Nếu muốn nên duyên với "nữ nhân chiến lợi phẩm", họ phải xin phép và thề chung thủy, yêu thương, chăm sóc người này trọn đời.

Các "nữ nhân chiến lợi phẩm" bị xếp vào diện "không có nhan sắc" thì được thả ra, an toàn không sứt mẻ gì. Shih cũng tuyên bố, kẻ phản bội sẽ bị săn giết đến cùng, cắt tai thị chúng trước khi hành quyết.

Nỗi khiếp sợ của miền Nam Trung Hoa

Kể từ khi Shih lên nắm quyền, phần lớn các ngôi làng ven biển thuộc vùng phía nam của Trung Quốc đều nằm trong tầm kiểm soát. Bà cướp bóc và nô dịch, ép buộc họ phải "nộp thuế" và phục tùng. Suốt duyên hải trải dài từ Quảng Châu đến Ma Cao đều khiếp sợ Shih. Chỉ cần hơi tỏ ra phản kháng, họ liền bị bà ra lệnh lôi cổ lên thuyền hải tặc, đóng đinh vào boong tàu và tra tấn dã man.

Ngoài cướp bóc người dân Trung Quốc, Shih còn tấn công các hạm đội hải quân nước ngoài như Anh và Bồ Đào Nha. Bà đánh bại và cướp được không ít tàu thuyền lớn.

Tháng 1/1808, Nhà Thanh quyết định đã đến lúc dẹp loạn. Họ huy động một trận hải chiến ác liệt, nhưng lại bị Shih đánh tan, cướp sạch thuyền lớn. Tàn quân Nhà Thanh phải chen chúc trên thuyền nhỏ mà bỏ chạy.

Tháng 9 và 11/1809, Shih bị hải quân Bồ Đào Nha đánh bại, thiệt hại nặng nề. Ngày 21/1/1810, bà buộc phải đầu hàng hải quân Bồ Đào Nha. Đúng lúc này, Nhà Thanh nhảy vào xin ân xá cho Hạm đội Cờ đỏ. Họ cũng đề nghị trao cho Cheung Po một vị trí chỉ huy trong lực lượng hải quân.

Sau khi suy xét kỹ, Shih quyết định giải tán tặc đoàn và hoàn lương. Ngoài Cheung Po, bà còn sắp xếp cho nhiều cựu thành viên bước vào bộ máy chính quyền Nhà Thanh. Năm 1812, bà yêu cầu Nhà Thanh cho phép tái hôn với Cheung Po, trở thành phu nhân quan chức. Mặc dù giữa cả hai không hề có huyết thống, nhưng sự thể cũng khá nhập nhằng. Tuy nhiên cuối cùng, Shih và Cheung Po vẫn thành công đăng ký hôn sự. Năm 1813, Shih sinh cho Cheung Po một cậu quý tử, đặt tên là Cheung Yu Lin.

Shih còn có thêm với Cheung Po một cô con gái. Năm 1822, Cheung Po tử chiến trên biển, cũng chỉ thọ 39 tuổi. Shih đưa các con đến Macao, mở nhà cái đánh bạc. Bà rất có tiếng nói trong bộ máy chính quyền nhà Thanh, từng làm cố vấn cho đại quan Lin Zexu (1785-1850) trong cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1839 - 1842).

Năm 1844, Shih qua đời ở Macao, thọ 69 tuổi.

Nguồn: Ancient-origins