- Theo Trí Thức Trẻ | 09/05/2020 07:05 PM
Hồ Tinh là sinh vật nổi tiếng xuất hiện khá thường xuyên trong truyền thuyết của nhiều nước Á Đông. Sinh vật này thường được miêu tả là cáo hoặc chồn chin đuôi, tu luyện thành tinh, có phép thuật cao cường. Trong các thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích của Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc,… hồ tinh thường biến thành hình dạng thiếu nữ xinh đẹp, chuyên quyến rũ và ăn thịt đàn ông. Tuy nhiên, khác với những câu chuyện này, hồ tinh trong truyền thuyết của người Việt lại độc đáo cũng như khó phân thiện – ác hơn.
Yêu quái quyến rũ cả nam và nữ từng bị Lạc Long Quân diệt trừ
Nếu như hồ tinh ở các nước khác thường thích giả dạng nữ giới dể dụ dỗ đàn ông thì hồ tinh trong truyền thuyết người Việt lại có sở thích đa dạng hơn. Khi thì nó sẽ hóa thành thanh nữ xinh xắn, khi lại hóa thành thanh niên điển trai để đàn hát vui vẻ với người Mán ở vùng cao, sau đó sẽ dụ dỗ đàn ông hoặc đàn bà về hang để giết hại hoặc xâm hại đến chết. Khiến cho dân chúng sợ hãi đến mức phải bỏ xứ.
Ban đầu hồ tinh ngàn năm ngụ ở hang động tại vùng Long Biên (tức Hà Nội ngày nay), phép thuật cao cường lại thường quấy nhiễu dân chúng. Lạc Long Quân bấy giờ nghe được tin bèn tìm đến tận sào huyệt của con yêu quái để giao chiến. Hai bên đấu tài phép, hồ tinh mới biết đối thủ không phải tay vừa liền giở bài bỏ chạy. Tuy nhiên, nó bị Lạc Long Quân đánh chết và hiện nguyên hình là một con cáo khổng lồ có chin đuôi. Sau khi hồ tinh chết, Lạc Long Quân giải cứu nạn nhân của nó xong mới dẫn nước sông Cái vào động. Nước sông cuốn bay đi chỗ hồ tinh từng trú ngụ và lênh láng tạo thành một cái hồ có tên đầm Thây Cáo hay (Thi hồ trạch), sau này hồ được đổi thành Hồ Tây.
Chuyện hồ ly phu nhân cứu mạng vua Lê Thái Tổ
Dẫu truyền thuyết kể hồ tinh quấy nhiễu dân lành nên bị Lạc Long Quân trừng trị rất nổi tiếng, song trong lịch sử Việt Nam cũng không thiếu những câu chuyện kể lại việc hồ tinh đã hiện thân để giúp đỡ, cứu mạng người được ghi chép lại trong tập ‘Vũ trung tùy bút’.
Chuyện kể rằng thời quân Lam Sơn chưa mạnh, vua Lê Thái Tổ thua trận nên tướng sĩ phải chạy tan tác mỗi người một nơi. Riêng bản thân ông chạy vào rừng thì trông thấy xác một cô gái nằm chết trên thảm cỏ. Rủ lòng thương nên ông đã dùng gươm đào tạm cho gái một cái huyệt rồi chôn cất tử tế, cầu khấn cô phù hộ cho thoát nạn.
Khi quân Minh đuổi đến gần, nhà vua bèn nhảy vào bụi rậm trốn. Giặc Minh cho chó săn sục sạo đánh hơi, khiến nhà vua rơi vào tình thế nguy hiểm khi lũ chó nhắm về phái bụi cây mà sủa liên hồi. Quân giặc bèn dùng giáo đâm bừa vào bụi để kiểm tra, mũi giáo đâm trúng đùi vua Lê nhưng ông nhanh trí kịp dù vạt áo lau sạch mũi giáo.
Đúng vào lúc giặc định châm lửa đốt cây thì ngay gần đó lại có một con cáo trắng nhảy ra rồi bỏ chạy, làm binh lính nhầm tưởng là chó săn sủa cáo mà kéo nhau đi. Nhà vua nhờ thế thoát nạn. Sau này khi lên ngôi, nhà vua nhớ đến ơn cứu mạng của con cáo trắng, tin rằng con cáo là do thiếu nữ nằm chết trên có hóa thành nên ra lệnh lập một ngôi đền thờ và sắc phong cô gái vô danh làm Hộ quốc phu nhân.
Cuối thế kỷ XVIII, Phạm Đình Hổ có ghi chép lại việc vua Lê trung hung vẫn duy trì tục lệ thờ Hộ quốc phu nhân như sau: ‘Ta khi nhỏ thường hay vào sân rồng, thấy bên võ ban có đặt pho tượng ‘Hộ quốc phu nhân’. Tượng ấy đầu người thân hồ ly, dáng rất đẹp, hình dung một thiếu nữ búi tóc, cài trâm…’