- Theo Helino | 26/04/2019 06:00 PM
Sau hơn một thập kỷ thành công vang dội với 21 phim ra rạp, trở thành vũ trụ điện ảnh uy quyền nhất Hollywood, doanh thu phòng vé lập kỷ lục liên miên, có thể phần nào người ta đã quên đi quá khứ bấp bênh chật vật của Marvel Studios .
Trước Kevin Feige, Marvel Studios bế tắc đến mức phải vay tiền làm Iron Man
Xuất phát là một chi nhánh điện ảnh của công ty truyện tranh Marvel, Marvel Studios vốn chỉ bán bản quyền các nhân vật cho các studio khác chứ không tự sản xuất phim. Đến khi muốn tự làm phim, thì các hãng 20th Century Fox và Sony nắm bản quyền các siêu anh hùng Marvel “hạng sang" nổi tiếng như Spider-Man (Người Nhện) và Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng) hết rồi.
Vào thời điểm 2005, Marvel Studios phải cân đo xem những người hùng ít được biết tới hơn như Iron Man (Người Sắt) hay Captain America (Đội trưởng Mỹ) có đủ sức hấp dẫn với khán giả hay không.
Để Iron Man ra đời, Marvel đã phải thế chấp bản quyền Black Panther và Doctor Strange
Theo tờ Variety, để có kinh phí sản xuất Iron Man, (lúc vẫn chưa được Disney mua lại), Marvel Studios phải vay 525 triệu đô từ tập đoàn tài chính Merrill Lynch, cầm cố quyền sở hữu trí tuệ của các nhân vật như Black Panther (Chiến binh báo đen) và Doctor Strange (Phù thuỷ tối thượng) làm tài sản thế chấp.
Jon Favreau, đạo diễn của Iron Man và Iron Man 2, tiết lộ rằng làm việc cho bộ phim đầu tiên là một trải nghiệm căng thẳng. “Tình thế chúng tôi lúc đó rất ngặt nghèo", Favreau nhớ lại. “Tôi liên tục được nhắc nhở là nếu chúng tôi thất bại và không thể trả lại khoản vay, ngân hàng sẽ lấy hết tất cả các nhân vật”.
Từ Iron Man, một vũ trụ điện ảnh được ra đời
Rất may, dưới sự chỉ đạo của Kevin Feige và chủ tịch Marvel Studios lúc ấy là Avi Arad, Iron Man thành công rực rỡ, ghi điểm trong lòng khán giả và cả giới phê bình, đạt doanh thu 585 triệu đô trên toàn cầu.
Quan trọng hơn, cuối phim Iron Man, Kevin Feige đã có quyết định mang tính lịch sử khi thêm một cảnh quay nhỏ với sự xuất hiện của Nick Fury: Nhân vật này tiết lộ với Iron Man rằng anh không phải là siêu anh hùng duy nhất mang trong mình những khả năng siêu việt.
Từ đó, Kevin khai sinh ra ý tưởng về một vũ trụ điện ảnh: một chùm phim có kết nối chặt chẽ với nhau, khi các siêu anh hùng vừa có phim của riêng mình mà cũng đồng thời đối đầu hay chiến đấu cùng nhau trong những phim khác. Theo tờ Variety, Marvel Studios và tầm nhìn của Kevin Feige đã phổ biến hoá khái niệm vũ trụ điện ảnh trong làng giải trí, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá đại chúng nước Mỹ.
Khám phá ra rằng người xem có thể theo dõi xuyên suốt dù hãng thêm ngày càng nhiều những lớp lang chi tiết vào chất liệu ban đầu, Marvel - dưới sự lãnh đạo của Kevin - dần hiện thực hoá tham vọng xây dựng vũ trụ của mình. Kể từ tác phẩm mở màn Iron Man vào năm 2008, hơn 10 năm sau Marvel Studios đã sản xuất 22 phim, tính cả Avengers: Endgame (Avengers: Hồi kết) sắp ra rạp. MCU đã trở thành cỗ máy kiếm tiền bậc nhất Hollywood.
Tất nhiên, việc làm nhiều bộ phim trong hơn một thập kỷ với các nhân vật và câu chuyện kết nối chằng chịt với nhau là một áp lực khủng khiếp.
Joe Russo, người đồng đạo diễn 4 phim trong chuỗi phim Marvel - với người anh em Anthony Rosso - miêu tả chủ tịch Kevin rất độc lập và khác biệt, người dám “cân" một kế hoạch mà “có thể thất bại ở bất kỳ bước nào. Nếu một hay hai phim không hiệu quả, tất cả mọi thứ sẽ đi tong".
Biệt đội siêu anh hùng
CEO Walt Disney Bob Iger thì công nhận về những gì Marvel Studios và Kevin đã làm: “Họ đã định nghĩa lại các siêu anh hùng cho một thời kỳ mới, một sức hấp dẫn với suốt các thế hệ, giới tính và quốc gia - những tiêu chuẩn mới cho cách kể chuyện cuốn hút. Kiểu thành công về mặt sáng tạo này không bao giờ là một sự tình cờ, đó là kết quả của tài năng, tầm nhìn, đam mê và sự dũng cảm - và ở Marvel Studios thì tất cả những điều đó bắt đầu nơi Kevin".
Không khó để nhận ra chuyện Kevin “cân" nguyên cả vũ trụ điện ảnh khó khăn thế nào. Như chuyện thuyết phục các diễn viên ký hợp đồng dài hạn gần chục năm trời. Hay việc hầu như lúc nào Kevin Feige và đội ngũ của ông cũng phải làm việc về nhiều phim khác nhau, có phim thì đang quay, có phim thì đang dựng, có phim thì đang trong giai đoạn phát triển kịch bản. Vì bản chất của việc xây dựng một vũ trụ điện ảnh là sự liên quan về đường dây câu chuyện giữa các phim với nhau, khiến đội ngũ Marvel lúc nào cũng phải nghĩ trước về các bước tiếp theo.
Chẳng hạn như, khi anh em nhà Russo đang trong giai đoạn hậu kỳ của Captain America: Civil War năm 2016 thì cùng lúc đó, hai biên kịch của chính phim này Christopher Markus và Stephen McFeely đang hối hả xây dựng kịch bản cho hai tập Avengers kế tiếp.
“Chúng tôi phải ngồi với nhau hàng giờ để phân tích câu chuyện", Anthony Russo nói. “Khi bạn đang làm việc với những khuôn khổ thời gian hết sức ngặt nghèo như vầy, bạn phải rất kỷ luật và hiệu quả để có những kịch bản tốt nhất cho bộ phim kế tiếp”.
Đó là một quá trình làm việc đầy gây cấn. Tờ Variety dẫn lời nhận xét của Captain Marvel Brie Larson về Kevin: “Ông ấy làm việc không biết mệt mỏi phía sau ống kính, luôn nghĩ về những ý tưởng mới để tạo nên những bộ phim tốt nhất có thể".
3 điều ở Kevin Feige giúp Marvel thành công
Tất nhiên, làm việc chăm chỉ thôi là chưa đủ, cần phải có chiến lược. Là người đứng sau định hướng, sáng tạo và vận hành MCU, Kevin Feige là vị chủ tịch sở hữu những phẩm chất và tầm nhìn khiến các phim siêu anh hùng nhà Marvel tạo nên một đế chế ở Hollywood. Các siêu anh hùng DC đã cố gắng bắt chước mô hình thành công của Marvel nhưng chưa sánh kịp. Lý do là gì? “Đơn giản là họ không có Kevin”, Joe Russo từng khẳng định trên Vanity Fair.
Bản thân Kevin là một fanboy, mỗi bộ phim của ông xuất phát từ góc nhìn khán giả
“Ông ấy tiếp cận tất cả những điều này từ góc nhìn của một người hâm mộ, chứ không phải như một nhà sản xuất hay người làm kinh doanh", Chris Hemsworth - diễn viên thủ vai Thor trong phim Marvel nói, “Ông tạo nên những câu chuyện mà ông ta biết chính mình thích thưởng thức".
Lớn lên trong ngập tràn những cuốn truyện tranh, dĩ nhiên sự thấu hiểu của một fan hâm mộ đảm bảo rằng các bộ phim mà chính ông sản xuất đi đúng hướng. Hơn nữa, Fanboy Kevin như một chiếc neo vững chắc giúp các bộ phim siêu anh hùng được phát triển tự do, sáng tạo hơn mà vẫn giữ được cái hồn cốt của truyện tranh Marvel thuở ban đầu.
Kevin là một fanboy Marvel chính hiệu
Kevin là kẻ không ngại mạo hiểm, chuyên làm bất ngờ tất cả
Alan Horn - chủ tịch của Walt Disney Studios nói rằng chính ông cũng 100% bất ngờ với những gì Kevin mang tới: “Trong một 100 người thì bao nhiêu người biết tới “Doctor Strange” hay “Guardians of the Galaxy” trước khi chúng tôi làm nên những bộ phim về họ? Chắc là chỉ có 5 người quá".
Ông khẳng định Kevin đang tiếp tục tìm thêm những câu chuyện mới, những nhân vật mới sẽ khiến khán giả trên toàn thế giới phải say mê.
Tầm nhìn thiên tài: Chiến lược liên tục đa dạng hoá, từ cast, đạo diễn đến cách làm phim
Những phim Marvel gần đây chứng kiến sự đa dạng hoá mạnh mẽ: Captain Marvel là nữ siêu anh hùng đầu tiên có phim riêng, Black Panther - nhân vật chính của bộ phim ngốn ngân sách vào hàng khủng nhất từng thấy trong các phim chuyển thể từ truyện tranh - là một người da màu. Sắp tới, Shang-Chi sẽ là bộ phim về siêu anh hùng gốc Á đầu tiên.
Đạo diễn Joe Russo từng hứa hẹn: “Sự đa dạng, cả trước và sau ống kính sẽ là một tiêu chuẩn vàng" . Feige và đội ngũ lùng sục thế giới làm phim độc lập và phim truyền hình để tìm ra những đạo diễn mới cho phim của họ. Trước khi thực hiện Captain Marvel (Đại uý Marvel) Anna Boden và Ryan Fleck sản xuất những tác phẩm gan góc như Half Nelson và Mississippi Grind. Đạo diễn của Guardians of the Galaxy (Vệ binh dải ngân hà) thì trước đó làm những phim kinh dị có kinh phí thấp như Slither.
Captain Marvel là nữ siêu anh hùng đầu tiên có phim riêng
Thừa thắng xông lên, có thông báo rằng Marvel đang nhắm thuê Chloé Zhao, đạo diễn của phim art-house The Rider để cầm trịch The Eternals và đã thuê Cate Shortland, vị đạo diễn người Úc của phim Berlin Syndrome để thực hiện Black Widow (Goá phụ đen).
Đạo diễn Jon Favreau thừa nhận chiến lược liên tục lùng sục những tài năng đạo diễn từ dòng phim art-house này của Marvel Studios: “Họ có một kỷ lục trong việc tìm ra những tài năng chưa được đánh giá cao, giúp họ được biết đến rộng rãi và có một sự nghiệp tuyệt vời".
Avengers: Endgame đã chính thức ra rạp từ hôm nay 26/04, chấm dứt giai đoạn 3 của MCU và những nhân vật chủ chốt một thời như Iron Man và Captain America sẽ ra đi. Tuy nhiên, các fan Marvel vẫn vững tin miễn là vẫn có vị chủ tịch fanboy ở lại.
Với tinh thần của một fanboy chân chính luôn háo hức đợi chờ những nhân vật và câu chuyện mới, Kevin Feige chẳng ngán bước ra khỏi vùng an toàn và bắt đầu một giai đoạn mới của MCU, đúng như lời ông nói: "Tôi luôn luôn háo hức chờ xem những nhân vật mà mình yêu thích sẽ trưởng thành và thay đổi như thế nào!"
Hiện tại, trước độ sôi khó cưỡng của Avengers: Endgame hiện nay, cả thế giới đang phát rồ với gã phù thủy chiến lược Kevin vì quá nhiều thứ đáng kinh ngạc tại trận chiến cuối cùng này . Cùng đón chờ sự kiện toàn cầu này từ ngày 26/4 bạn nhé!