Chơi game tại Việt Nam hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi, chứ đừng nói đến chuyện... liệt kê kinh nghiệm chơi game vào hồ sơ xin việc ngoại trừ ứng tuyển vào các công ty chuyên về game). Trong nước là thế, vậy còn ở nước ngoài? Liệu xã hội phương Tây có chấp nhận kinh nghiệm chơi game như một kỹ năng trong công việc hay không và các game thủ nghĩ gì về điều này, hãy cùng xem qua bài phóng sự của tờ báo Wall Street Journal.
Hiện tại khá nhiều thành viên của LinkedIn, mạng xã hội dành cho môi trường tuyển dụng nổi tiếng toàn cầu, đã điền thêm kinh nghiệm chơi game của mình từ game nhập vai cho đến game online như World of warcraft vào hồ sơ xin việc, với hy vọng rằng thành tích trong thế giới ảo của họ sẽ gây ấn tượng cho người tuyển dụng trong đời sống thực.
World of warcraft - game MMORPG thu phí có nhiều người chơi nhất thế giới.
Người chơi World of warcraft hóa thân thành những lớp nhân vật như Warlock, Druid…đương đầu với quái vật trong thế giới thần thoại, kết bạn, thành lập bang hội, chiêu mộ và huấn luyện người chơi khác, cũng như suy nghĩ chiến thuật và áp dụng vào các cuộc thử thách bất tận. Nổi bật trong số những người hâm mộ trò chơi có Stephen Gillet, trưởng phòng điều hành tập đoàn Symantec (phát triển phần mền Norton Anti Virus) và cựu trưởng phòng thông tin tại tập đoàn Starbucks (café Starbucks).
Một vài game thủ cho rằng các nhiệm vụ trong game không khác cho lắm những công việc của một nhân viên văn phòng.
Đó là cách nghĩ của Hearther Newman, cô đã liệt kê kinh nghiệm chơi World of warcraft của mình vào hồ sơ xin việc và nó đã giúp cô có được vị trí giám đốc tiếp thị và truyền thông tại trường Đại Học Michigan.
Trong mục "Các hoạt động tình nguyện/ nhàn rỗi" trên hồ sơ xin việc của cô, Newman đã ghi rằng cô vận hành những bang hội lên đến 500 người và tổ chức các cuộc raid (chinh phục thử thách) từ 25 cho đến 40 người một lúc trong nhiều giờ liền kéo dài liên tực từ 4-5 ngày trong tuần. Cô cho biết những nhiệm vụ này "có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc mà cô đang làm."
Newman năm nay 43 tuổi chia sẻ thêm, cô biết rằng nhiều người không biết gì về game này, nhưng cô muốn nhấn mạnh kinh nghiệm lãnh đạo trực tuyến thể hiện khả năng quản lý và tuyên truyền của cô trong công việc. Thêm vào đó, cô tin rằng những người tuyển dụng sẽ xem kinh nghiệm chơi game của cô như một biểu hiện của sự hòa hợp văn hóa trong giới trẻ.
John Reed, giám đốc điều hành cao cấp của Robert Half Technology, một bộ phận thông tin kỹ thuật của công ty tuyển dụng Robert Half, cho biết anh ta đã từng xem qua một vài hồ sơ xin việc có nhắc đến kỹ năng chơi game. Reed còn nói chưa có khách hàng nào của anh muốn tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm chơi game.
Tuy nhiên, ông Reed chia sẻ kinh nghiệm chơi game có thể là đề tài để mở đầu cho một cuộc phỏng vấn, mặc dù nhà quản lý tuyển dụng có thể cân nhắc liệu ứng viên có chơi game suốt ngày trong văn phòng hay không.
Một số ý kiến cho rằng khả năng điều hành và tổ chức bang hội và các cuộc chinh phục thử thách trong WoW là biểu hiện của tố chất lãnh đạo trong công việc.
Kỹ năng của game thủ dùng để hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp cùng với bạn bè ảo trên mạng, có thể được xem là thế mạnh cho một số công ty.
Francoise LeGoues, cựu phó chủ tịch phòng sáng tạo tại tập đoàn International Business Machines (IBM) chia sẻ, game thủ có thể phát triển mạnh tại những công ty như IBM, nơi mà các nhân viên phải phối hợp làm việc cùng với những đồng nghiệp khác từ khắp nơi trên thế giới, mà thường không cần phải gặp mặt trực tiếp.
"Khả năng hoạch định chiến thuật, xây dựng đội nhóm, chia sẽ kiến thức và giải quyết vấn đề từ xa thực sự rất quan trọng," Cô LeGoues, hiện là phó chủ tịch tại công ty phi lợi nhuận YAI Network phát biểu.
Don Spafford, một kỹ sư điện 30 tuổi tại San Antonio, đang tìm kiếm một công việc toàn thời gian đã liệt kê nhân vật và vị trí xếp hạng trong bang hội vào hồ sơ xin việc của mình, cùng với vai trò lãnh đạo thử thách trong game World of warcraft. Anh cho biết nhờ kinh nghiệm chơi game cộng với lý lịch từng làm tại công ty Norwegian Cruise Lines và 6 năm trong hải quân của Mỹ, đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo và tài ăn nói của mình.
"Game online là cơ hội để trổ tài khả năng lãnh đạo của bạn" Ông Spafford cho biết khi nói về kinh nghiệm lãnh đạo những "chiến sĩ ảo" vượt qua các thử thách trong World of warcraft. "Đôi khi giống như bạn quản lý một bầy…mèo."
Tuy thế, nhà quản lý tuyển dụng vẫn không mặn mà lắm với kinh nghiệm chơi game của anh, và anh nhận biết rằng nếu đi quá sâu và quá khứ chơi game của mình anh có thể sẽ bị loại.
Trên các diễn đàn, game thủ lo lắng rằng nếu liệt kê sở thích chơi game của mình vào hồ sơ sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng họ lười biếng và khó tiếp xúc xã hội.
Peter Morris, một nhân viên kinh doanh khối khu vực tại công ty phân tích phần mềm Information Builders, năm nay 50 tuổi là một game thủ World of warcraft lâu năm. Nhưng với tư cách là cựu quản lý tuyển dụng, anh khuyến cáo những "đồng đội" trong thế giới ảo của mình đừng liệt kê thành tích chơi game vào hồ sơ xin tuyển.
"Cuối cùng thì đó là điều không thực", ông Morris cho biết và nói thêm rằng một vài nhà tuyển dụng hiểu khả năng lãnh đạo trong game thần thoại có thể trở thành một nhân viên có giá trị.
Một vài game thủ lo lắng về việc điền sở thích chơi World of warcraft vào hồ sơ xin việc.
Hôn thê của ông Spafford, Mary Brenner, một nhân viên kỹ thuật phát sóng hành nghề tự do, đã liệt kê kinh nghiệm họp nhóm World of warcraft và các sự kiện khác, vào một số hồ sơ xin tuyển của mình, nhưng cô cũng cho hay nên tránh nhắc đến kinh nghiệm chơi game nếu điều đó không liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Dmitri Williams, giáo sư khoa truyền thông tại trường Đại Học Nam California, cho biết người chơi trong các game online như Dungeons and dragons online và Liên minh huyền thoại, thể hiện kỹ năng đặc biệt trong hoạch định chiến thuật và xây dựng nhóm.
Theo nghiên cứu của giáo sư Williams, hầu hết game thủ đều ứng dụng những đặc điểm này trong và cả ngoài môi trường game, thường tập trung vào mảng xã hội và tác động kinh tế trong trò chơi điện tử. Rất nhiều game thủ nổi bật mà ông từng gặp gỡ và phỏng vấn đều là những nhà lãnh đạo trong thế giới ảo và cả ngoài đời thực, ông cũng đã từng gặp một game thủ là lãnh đạo của một bang hội trong game sau đó trở thành quản lý cho một studio game và cuối cùng thành lập studio riêng của mình.
"Có quan niệm sai cho rằng khi một ai đó chơi game tức là họ đang đóng vai một người khác trong thế giới ảo." giáo sư Williams cho biết.
Nhà nghiên cứu của Học viện công nghệ MIT (Masshachusetts Institute of Technology), Michael Scharge cho biết rất nhiều người theo đuổi thế giới số trong các game thể thao hay Minecraft có thể được tuyển dụng nhờ những kỹ năng của họ. Bill Gates và Warren Buffett đã khiến cho môn bài Bridge trở thành một trò chơi phổ biến trong giới kinh doanh.
Biết đâu chừng, những "ông lớn" hàng đầu của ngành công nghệ hiện nay như Facebook, Apple hay Google có thể sẽ khiến trò chơi điện tử được chấp nhận trong tương lai như một kỹ năng kinh doanh. "Nếu Mark Zuckerberg (CEO Facebook), Larry Page (CEO Google) hoặc Sheryl Sandberg (COO Facebook) nói rằng họ tìm thấy những lập trình viên, quản lý giỏi nhất từ các game như World of warcraft hay game thể thao thì lúc đó chúng ta sẽ tiến đến việc tạo ra một tiêu chuẩn mới trong khâu đánh giá nhân viên," Scharge chia sẽ.