Cho con chơi game là sáng suốt: Ông Trương Gia Bình đẩy trẻ vào vòng nguy hiểm?

PV  Theo ICTNews | 25/05/2016 03:49 PM

“Chúng ta đã biết chơi game sẽ gây nghiện và bệnh nghiện game cũng nguy hiểm như mọi thứ bệnh nghiện khác. Nếu cổ vũ trẻ chơi game, vô hình chung ông Bình đã đẩy các em vào vòng nguy hiểm và có thể phá hủy cả tương lai”.

Đây là quan điểm của TS Vũ Thu Hương (giảng viên trường ĐH Sư phạm) xung quanh khẳng định “trẻ con chơi game là điều tốt” của PGS.TS Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT, Chủ tịch VINASA tại buổi giao lưu Khởi nghiệp cùng công nghệ thông tin.

Theo đó, ông Bình cho biết từng có nhiều cuộc tranh luận trong gia đình, mặc dù bị “đàn áp” nhưng ông vẫn kiên cường với việc cho con mình chơi game. “Và càng ngày tôi càng tin rằng cho con mình chơi game là ý tưởng sáng suốt” – ông Bình nói.

Ông cũng thẳng thắn cho rằng “nếu các bạn là một em bé sinh ra và lớn lên ở nước Nhật thì các bạn sẽ không có thời gian chơi game vì bị quản thúc bởi nhà trường, bởi phụ huynh. Các em bé ở Mỹ và một số nước cũng vậy. Game không phải là trò chơi được khuyến khích ở châu Âu. Chỉ có trẻ em Việt Nam là được chơi nhiều. Chúng ta đang có một thế hệ lớn lên với internet, đồng hành với internet. Ở Việt Nam thế hệ ấy là hùng mạnh. Cái này các trường học không biết, bố mẹ không biết, chỉ các em biết với nhau thôi”.

Những thông tin trên được một số tờ báo đăng tải, ngay sau đó, quan điểm của ông vấp phải phản ứng của nhiều chuyên gia giáo dục và không ít các bậc phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên Infonet, chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thu Hương (giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Người phát ngôn câu đó đang phát biểu dưới góc độ của một nhà kinh doanh ca ngợi sản phẩm ông làm ra chứ không đứng trên quyền lợi của trẻ. Với nhà kinh doanh, bán được sản phẩm là điều họ quan tâm nhất.


TS Hương cho biết không bao giờ có ý định dạy trẻ chơi game.

TS Hương cho biết không bao giờ có ý định dạy trẻ chơi game.

“Tuy nhiên, theo tôi, làm kinh doanh hay bất kể làm gì cũng cần xem xét đến những ảnh hưởng của mình đến người khác, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Chúng ta đã biết chơi game sẽ gây nghiện và bệnh nghiện game cũng nguy hiểm như mọi thứ bệnh nghiện khác. Nếu cổ vũ trẻ chơi game, vô hình chung ông Bình đã đẩy các em vào vòng nguy hiểm và có thể phá hủy cả tương lai.

Đó là tôi chưa nói đến các tác động của thiết bị điện tử đến sự phát triển của não bộ trẻ em. Khi nghe câu nói đó, tôi cảm thấy chạnh lòng vì nó thể hiện 1 điều rất đáng lo ngại rằng, rõ ràng có một số nhà kinh doanh hoàn toàn không quan tâm đến tác hại (nếu có) của sản phẩm mình bán ra với khách hàng” – TS Hương nhấn mạnh.

Là người có nhiều năm đồng hành với trẻ, đưa môn giáo dục kỹ năng sống đến với đông đảo trẻ em, TS Hương cho biết không bao giờ có ý định dạy trẻ chơi game.

“Với trẻ em, các cháu đang trong quá trình phát triển, điều quan trọng nhất là làm sao để cơ thể cháu được phát triển toàn diện. Như vậy, việc ngồi lì ở nhà chơi game sẽ khiến cơ thể các cháu chậm chạp, ù lỳ hẳn đi. Điều đó sẽ còn có nhiều tác hại đến mắt và não của các cháu.

Ngoài ra, tình trạng nghiện game cũng rất đáng lo ngại. Có một số bà mẹ, ông bố đã mất hoàn toàn kiên nhẫn mà bạo hành con cũng chỉ vì con nghiện game. Mấy vụ bạo hành, tụt quần áo của con mới đây chính là minh chứng của việc này”- TS Hương dẫn chứng.

TS Hương cũng cho biết thêm khi đọc đến những điều mà ông Trương Gia Bình nói được báo chí trích dẫn lại rằng “nếu các bạn là một em bé sinh ra và lớn lên ở nước Nhật thì các bạn sẽ không có thời gian chơi game vì bị quản thúc bởi nhà trường, bởi phụ huynh. Các em bé ở Mỹ và một số nước cũng vậy. Game không phải là trò chơi được khuyến khích ở châu Âu. Chỉ có trẻ em Việt Nam là được chơi nhiều và điều đó dẫn tới sự may mắn cho dân tộc khi trẻ con Việt Nam dành 5,5 tiếng cho internet, trong khi ở các nước khác chỉ 1,5 tiếng, gấp hơn 3 lần. Và chúng ta đang có một thế hệ lớn lên với internet, đồng hành với internet” TS đã có một chút suy nghĩ về người phát ngôn.

“Phải chăng ông Bình đang muốn sử dụng thủ pháp đảo ngược để truyền tải thông điệp đến cho các bố mẹ Việt. Các bố mẹ Việt có xu hướng dòm ngó sang thế giới để học hỏi cách dạy con. Với thông tin là game không được khuyến khích khắp nơi, phải chăng ông Bình đang muốn các cha mẹ biết để hạn chế con?” – TS Hương băn khoăn.

Khẳng định lại một lần nữa với phóng viên Infonet, TS Hương nói “Với tôi, chắc chắn điều gì tốt đẹp cho các cháu thì tôi sẽ làm còn không thì không bao giờ. Đồng thời, tôi cũng sẽ không bao giờ sử dụng biện pháp đảo ngược nguy hiểm để phát ngôn những điều liên quan đến trẻ. Điều đó có thể gây ra nhiều hiểu nhầm và cũng có thể sẽ gây nguy hiểm cho các cháu”.