- Theo Trí Thức Trẻ | 25/10/2016 0:00 AM
Từ trước tới nay, cốt truyện vốn là nội dung thường bị game thủ Việt "làm ngơ" mỗi khi chơi game online và thậm chí, người chơi còn chẳng cần phải đọc bất cứ đoạn tóm tắt nào vẫn có thể giải quyết nhiệm vụ một cách phăng phăng. Họ đã quá quen với việc "next" - click chuột thật nhanh để bỏ qua các đoạn hội thoại của nhân vật và chuyển sang làm nhiệm vụ luôn.
Cũng không trách được game thủ nhà ta. Cốt truyện game online đôi lúc không ấn tượng được như thế giới và mức độ rộng lớn của chính tựa game đó mô tả. Điều đầu tiên ảnh hưởng tới thói quen đọc cốt truyện của game thủ Việt chính là bản thân câu chuyện được trình bày như thế nào. Rõ ràng sau nhiều lần cố tìm hiểu ngọn ngành, đọc từng câu từng chữ rồi nhận ra rằng điều đó là không cần thiết lại vô cùng tẻ nhạt, người chơi sẽ sinh ra phản ứng “click nhanh qua cho xong” bởi nó vừa mất thời gian lại chẳng hề thú vị.
Ngoài ra, hệ thống nhiệm vụ trong game cũng không dẫn dắt được cốt truyện, chúng quá đơn giản, người chơi không cần thiết phải đọc hướng dẫn vẫn có thể dễ dàng hoàn thành và nhận thưởng. Hầu hết chúng chỉ được xây dựng xung quanh việc... "đánh quái". Như vậy, game thủ cần biết địa điểm của con quái (có chỉ dẫn sẵn) rồi chạy đến đấy đánh nó mà thôi, họ sẽ chẳng cần phải quan tâm, đọc theo cốt truyện để phát hiện thêm các quest ẩn hay những nhân vật phụ để kiếm thêm trang bị hay phần thưởng giá trị.
Ở một thái cực khác, là một game thủ yêu game offline, những tuyệt phẩm AAA được các nhà phát triển dày công tạo ra luôn là thứ nơi chúng ta ngấu nghiến, tìm kiếm, mày mò từng chút, từng chút một để không bỏ sót thứ gì, từ một nhiệm vụ ẩn, một món đồ quý giá nếu chơi game kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" sẽ không bao giờ có thể sở hữu được. Và quan trọng hơn cả, chính là cốt truyện của một tựa game.
Hôm qua, vô tình lướt 9Gag, tôi nhìn thấy bức ảnh này, dù biết là cổ nhưng vẫn khiến bản thân ngẫm nghĩ:
Bỏ qua những tựa game dở tệ, những game chỉ tập trung vào gameplay hành động hoặc những hình ảnh đẹp đẽ, những siêu phẩm game ra mắt từng năm luôn được chăm chút cốt truyện đến từng li từng tý, tạo ra một tác phẩm tuyệt vời cho cộng đồng game thủ.
Chỉ ít ngày trước đây, tôi được trải nghiệm một trong những phần chơi đơn hay nhất dịp cuối năm. Đó chính là Battlefield 1. Những câu chuyện ngắn, tưởng chừng rời rạc nhưng được kết nối với nhau một cách quá đẳng cấp, tạo ra một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh đẫm máu đầu thế kỷ XX. Ở giữa trung tâm là những người lính đủ mặt trận, đủ quốc tịch, đủ màu da, với những nhiệm vụ khác nhau.
Không có những màn "cân team" như phim hành động, cũng chẳng có những kẻ được tung hê như người hùng. Đơn giản chúng ta điều khiển những nhân vật trong game hoàn thành sứ mệnh của mình, và đổi lại, game sẽ "thưởng" cho bạn những cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ nhẹ lòng khi thấy hai chàng lính tăng tập tễnh bước khỏi chiến trường đầy khói lửa, đến xót xa khi hai anh em đoàn tụ nhưng đời không được như mơ, và có cả bi tráng, lấy đi nước mắt của người chơi khi huyền thoại chấp nhận số phận để cứu sống lớp trẻ...
Trong khi đó, âm nhạc cũng đóng vai trò một chất xúc tác tuyệt vời cho những khung cảnh phim CG được các nhà làm game tạo ra. Là một game thủ, chắc chắn đã từng có lần bạn phải thổn thức với những bản nhạc có lúc hoành tráng, có lúc lại xao xuyến mà những người nhạc sỹ đại tài đã bỏ công sức để sáng tác. Cùng với đó là những âm thanh tuyệt diệu trong game, thứ mà đôi khi những chuyên gia lồng tiếng của Hollywood đã làm việc nghiêm túc chẳng kém gì so với những bộ phim bom tấn đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim. Nếu liệt kê ra đây những bản nhạc đã từng đi cùng tuổi thơ biết bao thế hệ game thủ Việt, chúng ta sẽ có một bản danh sách mà có lẽ nghe đến... sang năm cũng chưa hết.
Ở thời điểm nhiều game thủ Việt còn mải chơi game vì hình ảnh đẹp, thì một phần bản sắc không thể tách rời của những trò chơi điện tử các bạn đang chơi từng ngày từng giờ lại gần như bị lờ đi. Năm ngoái, bản thân tôi đã phải há hốc mồm vì kinh ngạc trước âm thanh cũng như âm nhạc của Assassin's Creed Syndicate.
Trong game offline, bạn được điều khiển nhân vật trung tâm. Điều này có nghĩa là, những nhà làm game hoàn toàn có thể tạo ra những câu chuyện xoay quanh chính nhân vật đó. Điều này khiến cho những tựa game offline thường có những cốt truyện dễ đi vào lòng người, nếu không muốn nói là một số sản phẩm sở hữu câu chuyện ẩn sau mang đầy hàm ý, thu hút sự chú ý của cộng đồng game thủ.
Không ngoa, những game indie đôi lúc có được cốt truyện ấn tượng chẳng kém gì bom tấn. Ví như Virginia, một tựa game với thời lượng dài đúng 2 tiếng đồng hồ bằng một bộ phim gần đây tôi giới thiệu tới các bạn. Trong game hoàn toàn không có bất kỳ một câu thoại nào. Tất cả được mô tả bằng hình ảnh, bằng góc quay, bằng trải nghiệm góc nhìn người thứ nhất, bằng cử chỉ, khuôn mặt, bằng diễn biến tâm lý của những nhân vật trong game. Bạn phải tự đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi xuất hiện trong game, sẽ phải nghĩ rất nhiều ngay cả sau khi game kết thúc. Đó chẳng phải là thứ kiệt tác nghệ thuật ai cũng muốn trải nghiệm sao?
Và cứ như vậy, dưới bàn tay tài hoa của những đạo diễn, biên kịch, nhạc sỹ, game đã và đang trở thành những tác phẩm vượt qua ranh giới giải trí đơn thuần. Nó đem lại trải nghiệm sâu hơn những bộ phim nhờ vào thời lượng tự do, nhưng lại có được công nghệ hình ảnh để giúp đỡ cho trí tưởng tượng của game thủ thay vì phải tự vẽ ra khung cảnh trong những tiểu thuyết ăn khách.