- Theo Trí Thức Trẻ | 26/01/2017 0:00 AM
Ở Việt Nam, có thể thấy được một điều khá thú vị rằng bất cứ ai chơi game đều được gọi là game thủ. Ngay cả những người lớn tuổi làm các ngành nghề khác nhau, họ quanh năm chỉ chơi các tựa game đơn giản như Candy Crush Saga, Bejeweled, Pikachu, Line 98,… chúng ta cũng đều được đánh đồng và gọi họ là “game thủ”. Tuy nhiên ít ai biết được rằng ở các quốc gia khác, “game thủ” là từ chỉ dùng để gọi những người chơi game có trình độ cao hay am hiểu về nhiều tựa game khác nhau. Còn đối với những người chúng tôi đã nhắc tới ở trên, ta chỉ có thể gọi họ là những “người chơi” mà thôi.
Vậy, quãng đường để từ một “người chơi” trở thành một “game thủ” cần những yếu tố gì? Chúng tôi sẽ định nghĩa lại cho bạn đọc "thế nào là mới được gọi là game thủ?" trong bài viết này.
Trau dồi vốn ngoại ngữ
Có thể thấy rằng ở thời điểm hiện tại, việc giỏi một hay nhiều ngoại ngữ chắc chắn sẽ khiến bạn trở nên có lợi thế trong rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ đối với game. Ngoại ngữ chính là chiếc chìa khóa vạn năng để mở rộng hiểu biết của mình ra tầm thế giới. Việc thông thạo các ngôn ngữ khác không những giúp cho “người chơi” ngày càng tiến bộ để trở thành “game thủ” mà còn trợ giúp rất nhiều trong các lĩnh vực khác như giao tiếp, công việc,….
Đa số người Việt hiện tại đều chỉ biết quanh quẩn với những webgame, game online, game mobile Trung Quốc được Việt hóa và vận hành bởi các nhà phát hành đưa về mà không biết rằng, các game thủ trên thế giới đã vượt hơn chúng ta một khoảng cách rất xa rồi. Chính vì vậy, tất cả những “người chơi” chơi Việt đều bị định hướng khá nhiều bởi những tựa game Việt hóa, khiến cho kiến thức vốn hạn hẹp nay càng hạn chế, bỏ qua biết bao cái hay, cái dở nằm ở những trò chơi nước ngoài.
Trên thực tế, học ngoại ngữ và chơi game là hai điều có quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Chơi game để trau dồi vốn ngoại ngữ và học ngoại ngữ để chơi game một cách dễ dàng hơn – sự kết hợp mà bất cứ một “game thủ” nào cũng cần và bắt buộc phải có.
Mở rộng hiểu biết về game
Điều chúng tôi muốn nói ở đây không nhất thiết khuyên những “người chơi” nên chơi nhiều tựa game. “Mở rộng hiểu biết về game” có thể giải thích là khi đã thích một tựa game, bạn nên mở rộng hiểu biết của mình về trò chơi đó. Ẩn chứa trong mỗi tựa game, các nhà sản xuất luôn cố gắng đưa vào trong đó rất nhiều điều thú vị, nhiều bài học ẩn để người chơi khám phá. Từ những điều khám phá được và thông qua việc trải nghiệm nhiều thể loại, tựa game khác nhau, kiến thức về game của “người chơi” sẽ được mở rộng và dần dần trở thành một “game thủ” đích thực.
Chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ để bạn đọc dễ dàng hình dung được việc mở rộng hiểu biết về game. Trong Liên Minh Huyền Thoại hay DOTA 2 hoặc bất kỳ tựa game MOBA nào khác, nhà phát triển luôn gửi gắm trong đó những điều khiến người chơi phải liên tục học hỏi và liên tục khám phá như: Liên tục ra mắt các tướng, trang bị mới đòi hỏi người chơi tìm hiểu, tập luyện, thử nghiệm; người chơi sẽ phải trau dồi kỹ năng teamwork, thao tác, kỹ thuật, cách phát triển kỹ năng,…
Thông qua những gì đã biết, người chơi có thể thử trải nghiệm những tựa game khác để tìm ra điểm giống và khác nhau, từ đó biết được ưu nhược điểm. Đó chính là những hành động không ngừng trau dồi thêm kiến thức.
Chơi game bản quyền
Phàm là người Việt, đa phần trong số chúng ta đều rất hứng thú với những thứ “miễn phí” so với những thứ phải bỏ tiền ra mua. Điều đó thể hiện ở việc Việt nam có mặt trong top 5 quốc gia thích sử dụng crack cho phần mềm/game trả phí và tiêu thụ văn hóa phẩm “lậu” nhất thế giới.
Khi nói về điều này, nhiều người đều đưa ra lý do game bản quyền giá quá cao so với túi tiền hay việc thanh toán nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn,… Trên thực tế, tất cả những lý do đó chỉ là ngụy biện cho tâm lý thích hưởng thụ thành quả lao động vất vả của người khác một cách “hồn nhiên” hay nghiêm trọng hơn là “ăn không ăn hỏng”. Trong khi các cổng giao dịch game như Steam, Uplay, Origin,…. hay các cổng game giá rẻ như Bunblestar, GoG, Humblebundle,… vào các dịp giảm giá, việc mua một tựa game bản quyền chỉ tốn chưa đến 1 USD và việc chi trả chỉ thực hiện một cách nhanh chóng bằng vài cú click chuyển khoản qua thẻ thanh toán điện tử.
Việc chơi game crack luôn đồng nghĩa với việc người chơi phải đối mặt với rất nhiều hiểm họa khôn lường như: crack lỗi, không thể chơi online, tốn dung lượng, update thủ công, chưa nói đến việc dính phải những thứ nghiêm trọng hơn như virus, mã độc, đánh cắp thông tin người dùng,…
Đó mới chỉ là người tiêu thụ, việc chơi game crack còn có ảnh hưởng xấu tới các nhà phát triển. Để thực hiện một dự án game khủng nhằm mục đích phục vụ game thủ, các nhà phát triển đã phải đầu tư rất nhiều thứ như nhân lực, công sức, tiền của,… Việc rất nhiều người không bỏ tiền ra để mua game khiến cho họ trở nên “nản” trước việc phát triển game trên PC hay nghiêm trọng hơn là không đủ kinh phí, nguồn lực để tạo ra những tựa game chất lượng hơn, đột phá hơn.
Nói tóm lại, đã là một “game thủ”, việc chơi crack có thể chấp nhận được trong trường hợp chơi thử xem game có hay không và sau đó mua game bản quyền để phần nào đó ủng hộ nhà phát triển. Tất cả những nhóm crack nổi danh trên thế giới đều ghi câu này lên phần mềm hack của họ "Nếu bạn thích tựa game này, hãy mua nó để ủng hộ hãng phát triển". Nếu để ý, bạn có thể thấy rằng tất cả những nhóm crack nổi tiếng trên thế giới đều chú thích:” Nếu bạn thích tựa game này, hãy mua nó để ủng hộ nhà phát triển”.
Đừng trở thành trẻ trâu
Từ trước đến nay, người Việt trong mắt những game thủ nước ngoài đều có ấn tượng xấu bởi tính “trẻ trâu”. Điều đó được thể hiện ở việc khi chơi các game online, MOBA,… “người chơi” Việt luôn có những hành động thiếu lành mạnh ảnh hưởng tới các game thủ khác như: chửi thề, quit game, AFK, spam, hack cheat…
Một điều đáng xấu hổ nữa là khi tham gia các tựa game online nước ngoài, người Việt rất ít khi dám tự xưng “I’m a Vietnamese Gamer” cũng chính bởi vì những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, tiếng xấu của người Việt đã ăn sâu vào tiềm thức của những game thủ nước ngoài. Thậm chí để bảo vệ game thủ nước mình, một số tựa game còn tạo riêng một server dành cho người Việt. Không phải để ưu ái cho “người chơi” Việt, đáng buồn hơn họ làm vậy thực tế là để “cách ly” một bộ phận người chơi “tiêu cực” mà thôi.
Tuy rằng không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng khá nhiều quốc gia tai tiếng như Philippines, Nga,… nhưng nếu muốn trở thành “game thủ”, hơn ai hết mỗi “người chơi” nên ý thức được hành vi của mình, đừng thể hiện những cái “xấu xí” trước mặt bạn bè nước ngoài.
Cân bằng giữa thế giới ảo và thực
Dễ dàng nhận thấy, dù là “người chơi” hay “game thủ”, chúng ta cũng đều là con người, đều có trách nhiệm với bản thân, bổn phận với gia đình và xã hội. Tính từ trước đến nay, có rất nhiều trường hợp mê game hơn công việc, quá đắm chìm trong thế giới ảo mà quên mất gia đình hay nghiêm trọng hơn là cướp của, gây ra án mạng để có tiền chơi game,… Tất cả những trường hợp này, chúng tôi không thể gọi họ là “game thủ” được mặc dù họ sở hữu đủ các yếu tố trên.
Sở dĩ, không gọi họ như vậy là bởi vì những hành động đó đều khiến cho xã hội, dư luận đánh đồng tất cả bao gồm cả những “game thủ” chân chính. “Game thủ” là những người đam mê game nhưng không vì quá đắm chìm trong thế giới ảo mà bỏ bê, không quan tâm tới thế giới thực hay làm ảnh hưởng, nguy hại đến người khác.
Muốn trở thành một “game thủ”, tất cả những người chơi nên làm tất cả để cân bằng giữa việc chơi game và công việc, gia đình, xã hội,… Thử hỏi nếu chơi game nhưng vẫn học giỏi, vẫn hoàn thành tốt các công việc được giao, có tiền thì ra hàng net, không có thì chơi ở nhà hoặc không chơi,…. có ai dám lên tiếng trách móc “game thủ” hay không?