theo Trí Thức Trẻ | 04/10/2019 11:11 AM
Vụ việc xảy ra vào hôm thứ Hai tuần này, 30/9, tại trung tâm dữ liệu do Innosilicon, nhà sản xuất thiết bị đào tiền ảo thứ hai thế giới vận hành. Chuyên gia khai thác bitcoin Marshall Long, đã đăng tải hình ảnh về vụ cháy trên mạng xã hội Twitter.
Dovey Wan, một đối tác sáng lập tại công ty tiền điện tử Primitive Ventures, ước tính rằng tổng chi phí thiệt hại là khoảng 10 triệu USD.
Cháy mỏ đào tiền ảo ở Trung Quốc.
Các chuyên gia khai thác khác suy đoán rằng việc sụp đổ của mạng lưới khai thác bitcoin này có thể đã góp phần tạo nên sự tăng giá gần đây của bitcoin, khi chứng kiến giá trị của nó tăng hơn 500 USD trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, hiện giá Bitcion vẫn đang ở mức thấp hơn 20% so với khoảng một tháng trước đây.
Innosilicon chưa có bất kỳ thông tin xác nhận hay phản hồi nào về vụ cháy này.
Các mỏ đào tiền ảo ở Trung Quốc cần hệ thống thông gió khổng lồ, hoạt động 24/7.
Khai thác bitcoin là quá trình tạo ra các đơn vị tiền điện tử mới bằng cách giải quyết các vấn đề toán học phức tạp. Nó đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh từ bộ xử lý của máy tính, do đó cực kỳ tốn năng lượng.
Các ước tính gần đây cho thấy mạng lưới khai thác bitcoin trên toàn cầu sử dụng lượng năng lượng tương đương với nhu cầu của toàn bộ quốc gia Ireland. Một số nhà khoa học thậm chí tuyên bố việc đào tiền ảo đã và đang góp phần đưa thế giới đến bờ vực của một thảm họa môi trường.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy lượng khí thải carbon được tạo ra bởi nhu cầu năng lượng của bitcoin có thể gia tăng sự nóng lên toàn cầu lên trên 2 độ C, chỉ sau hai thập kỷ. Trong khi các giải pháp khai thác năng lượng sạch cho hoạt động đào tiền ảo vẫn tồn tại, chẳng hạn như ở Iceland và Na Uy, thì phần lớn hoạt động của các mỏ hay trang trại đào tiền ảo lớn đều có trụ sở tại Trung Quốc, nơi điện năng tạo ra chủ yếu là than, do giá rẻ.
Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố sẽ đàn áp các hoạt động khai thác tiền điện tử không có giấy phép, tuy nhiên không rõ các biện pháp nào đang được thực hiện.
Hồi tháng 8, một mỏ khai thác tiền điện tử lớn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã bị phá hủy do lũ lụt khiến hoạt động khai thác tiền điện tử chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tham khảo Independent