- Theo Trí Thức Trẻ | 11/05/2016 06:57 PM
"Bố ơi, sao bố lại bắn ông kia?" Câu hỏi đầy lo lắng của cô bé 3 tuổi, con gái tôi sau khi nhìn thấy anh chàng Nathan Drake trong Uncharted 4 quẩy liền một lúc 3 tên địch lúc tôi đang chiến game để viết review. "Đừng giết người bố ơi", cô bé nói thêm, mắt vẫn không rời màn hình. Rõ ràng cô bé không thích những gì đang diễn ra trên cái màn hình kết nối với PS4.
Tôi tự trách mình vì không nghe thấy cô bé mở cửa phòng. Lời nói dối của tôi quá dở tệ, nhưng vẫn phải dùng vì lúc đó chỉ nghĩ ra mỗi lý do đó: "Thật ra bố bắn phi tiêu cù léc vào người ta. Rồi họ cười đến mức đau cả bụng và lăn ra đất". Dĩ nhiên cô con gái của tôi không chịu tin đâu. Khuôn mặt đầy nghi ngờ đang nhìn ông bố nói cho tôi biết, không lừa được cô bé đâu! Nhưng liệu rằng có nên nói về bạo lực với một cô bé 3 tuổi chỉ biết đến búp bê hay không?
Cô bé hiểu có những thứ của người lớn không nên sờ vào, ví dụ như bia rượu, dao kéo, và... cái máy cắt cỏ ngoài vườn. Tôi cho bé biết đây là một tựa game chỉ dành cho người lớn, có những cảnh rất đáng sợ. Nhưng cô bé không chịu, và tiếp tục câu hỏi: "Sao bố lại làm đau ông kia? Ổng ngã rồi, phải cho ông í cái Urgo đi chứ?"
Mặc dù tôi đã cố gắng không cho con gái mình nhìn thấy những hình ảnh bạo lực, nhưng vẫn lỡ để cô bé thấy tôi đang chơi game bạo lực, bắn giết những kẻ khác. "Con muốn chơi game này". Cô bé tin rằng tin rằng Nathan Drake đang... đùa giỡn với kẻ khác thay vì làm hại họ, giống như những trò chơi bác sỹ bệnh nhân mà cô bé chơi cùng bạn bè mình vậy.
Và, tôi đã chính thức phá hoại hết những gì đã cố gắng trước đây.
Từ trước tới nay, bạo lực trong game luôn là một trong số những vấn đề cực kỳ nóng và tốn không ít giấy mực của báo giới nói chung, các bậc phụ huynh cũng như chính những game thủ chúng ta nói riêng. Dĩ nhiên, cộng đồng game thủ luôn đóng vai trò quan trọng giữa những tranh cãi không hồi kết xoay quanh những tựa game sở hữu những hình ảnh mang tính bạo lực.
Câu chuyện bạo lực trong game, phim ảnh, truyện tranh,… hoàn toàn chẳng phải là điều gì quá mới mẻ để đem ra bàn bạc. Chỉ tính riêng ở thị trường Việt Nam, kể từ khi những tựa game online đầu tiên đặt chân đến dải đất hình chữ S, chủ đề bạo lực trong game đã được đem ra và biến thành chủ đề từ thảo luận đến… tranh cãi. Dĩ nhiên là mỗi người một ý kiến, và họ đều bảo vệ cho ý kiến của mình, cũng như tựa game mình yêu thích.
Nhắc tới bạo lực, thì 9 trong số 10 game thủ Việt sẽ nghĩ tới một trong những series game đình đám và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất trên thế giới: Grand Theft Auto, hay game thủ Việt còn được biết tới với phiên bản đầu tiên họ được chơi tại những quán game từ thời chưa có internet: Vice City.
Những cậu bé tuổi… mẫu giáo hàng ngày ra tiệm net với vài nghìn lẻ xin được của mẹ, của bà, và đắm chìm trong thế giới của gã gangster Tommy Vercetti. Từ lái xe với phong cách “dân tổ”, tới việc cầm vũ khí hạ sát những người vô tội, dĩ nhiên những hình ảnh này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhân cách đang thành hình của các em.