Cáp quang đứt không chơi được game online, hãy bật ngay những game cũ mà cực hay để chơi cùng bạn bè

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 05/08/2016 05:11 PM

Những tựa game khi mạng chậm đến không chơi nổi MMO, bạn có thể tạo mạng LAN chơi cùng bạn bè cực nhanh và cực vui nhộn

CS 1.6

Chẳng biết tự bao giờ, khi cộng đồng Counter-Strike 1.6 thế giới đã có được map pool hoàn chỉnh để thi đấu những giải đấu CS 1.6 với quy mô lớn, khi những cái tên như SK, Fnatic còn đang ngự trị trên đỉnh vinh quang, thì phần đông game thủ Việt vẫn còn mải mê... giết gà, chiếm chợ trong cs_italy, một trong những map được game thủ Việt yêu thích bậc nhất vì sự đơn giản, chỉ cần mua súng, đủ giáp lựu đạn rồi lao ra chợ bắn nhau, bên nào chết hết trước thì bên còn lại thắng cuộc.

Ấy mới biết, phần lớn game thủ Việt mê game bắn súng thường chỉ muốn dùng kỹ năng của họ để chiến thắng đối thủ. Đó cũng là lý do những tựa game bắn súng như Đột Kích hay Truy Kích cũng có chế độ được nhiều người ưa thích nhất chính là chế độ đấu đội (team deathmatch) và chế độ tự do (deathmatch/free for all), vì chẳng cần tactic gì, cứ bắn, thay đạn, bắn, thay đạn, chết thì lại chờ một lúc rồi hồi sinh quẩy tiếp...

ù cho trận đấu có mất cân bằng đến đâu đi chăng nữa, dù vào game toàn trong tình trạng 6 vs 9 hay thậm chí là hơn thế, cảm giác được vào chơi game, được hò hét đầy vui vẻ cùng những người đồng nghiệp khi cùng hạ gục được đối thủ, mà kỳ thực chính là... những ông bạn cùng cơ quan nhưng đang ngồi ở dãy bàn đối diện chứ chẳng phải ai xa xôi.

Lúc đó, thắng thua chẳng còn quan trọng, mà điều cốt yếu là... giết được bao nhiêu mạng. Ấy mới là thứ níu chân chúng tôi trong những trận đấu không hồi kết mỗi lúc giờ làm kết thúc.

AoE

Bên cạnh những cái tên như StarCraft, WarCraft III, thì chắc chắn Age of Empires là một trong những game chiến thuật nổi đình nổi đám bậc nhất tại Việt Nam với hàng loạt những đội AoE đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Khó có thể nào quên những cái tên đã đi vào huyền thoại của làng AoE Việt Nam như X_Men, Yugi, Chim Sẻ Đi Nắng,... cũng như những trận tranh tài nảy lửa giữa những game thủ trong nước lẫn những trận đấu giao hữu với Trung Quốc. Tất cả đã biến AoE trở thành game chiến thuật được biết tới nhiều nhất tại Việt Nam. Mặc dù đã từng có thời gian phát triển cực thịnh, nhưng theo những điều lo lắng của G_Man, một trong những BLV nổi tiếng nhất của làng AoE nước nhà cũng đã cho thấy vì sao AoE khó lòng có thể phát triển mạnh hơn được nữa:

Qua nhiều năm, chiến thuật AOE đã không còn gì mới. Sự đam mê khám phá đang dần mai một. Đặc biệt trong bối cảnh các game khủng với đồ họa đẹp, các game được công nhận là esport đang dần dần lôi kéo game thủ trẻ.

Thế nhưng đánh giá rằng cộng đồng AoE đã chết là một nhận định cực kỳ sai lầm. Những trận đấu giao hữu, những game thủ nổi danh nhờ vào kỹ năng đặc biệt của bản thân vẫn ngày một xuất hiện tại làng AoE Việt.

Heroes III

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1999, Heroes III of Might and Magic là 1 game chiến thuật lâu đời và có chiều sâu. Heroes III kén người chơi một phần lớn cũng vì chính cái chiều sâu đó. Lấy nguồn gốc từ những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết châu Âu, có cả châu Á, châu Mỹ…Heroes III bao gồm 1 hệ thống đồ sộ các phép thuật, đồ vật, Hero, địa điểm, công trình, luật chơi cùng nhiều tính năng phức tạp, đòi hỏi gamer cần đầu tư chiều sâu suy nghĩ. Với những người thích chiến thuật và có tư duy logic sẽ luôn đam mê dòng game này và rồi sẽ giữ mãi niềm yêu thích đó như nhớ về mối tình đầu.

Các hoạt động trong game có thể chia thành 3 mảng chính: khám phá, xây dựng thành phố và chiến đấu. Khám phá bản đồ vương quốc Erathia thần tiên có lẽ là phần thú vị nhất của Heroes III. Người chơi có thể tìm thấy những tài nguyên, kho báu, tạo tác ma thuật, quái vật và thậm chí cả những chú lùn với cái âu đầy vàng. Những bản đồ với vô vàn chi tiết luôn là điểm nhấn của dòng game HoMM, tuy có hơi vô lý khi mà không thể đi quá 5 bước mà không gặp một đống châu báu hoặc đám cướp đường.

Sự hấp dẫn trong các trận chiến của Heroes 3 đã được chứng minh bởi thời gian và không cần phải bàn cãi thêm. Những đạo quân được chỉ huy bởi một người hùng với khả năng lên level, học skill giống như mọi game RPG truyền thống, tuy nhiên class của họ rất đa dạng với chiến binh, pháp sư, quái vật và hơn thế nữa. Các phe phái được lấy cảm hứng từ thần thoại châu Âu với những chủng quân đặc trưng, ví dụ Castle có các hiệp sĩ và thiên thần, ngược lại Inferno có yêu tinh và Ác Quỷ...

Những cuộc đối đầu diễn ra theo lượt trên bản đồ được chia thành các ô lục giác, yêu cầu người chơi cần suy tính kĩ càng cho mỗi nước đi. Sử dụng pháp thuật của heroes sao cho hợp lý cũng cực kì quan trọng, một quả cầu lửa ném ra đúng lúc có thể quyết định thằng-bại của trận đánh.