Phụ nữ số | 10/09/2024 05:56 PM
Câu chuyện về các nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của độc giả. Trong số đó, bí ẩn về thân thế của Tiêu Dao Tử, sư tổ phái Tiêu Dao, vẫn là chủ đề được bàn luận sôi nổi.
Truyện kiếm hiệp của Kim Dung luôn khiến đông đảo độc giả say mê thảo luận. Sức hút ấy không đến từ cốt truyện mà còn ở chỗ Kim Dung khéo léo cài cắm trong tác phẩm của mình những những "ẩn ý" khiến người đọc phải tự mình suy ngẫm, tưởng tượng.
Tiêu biểu như Tiêu Dao phái trong "Thiên Long Bát Bộ", dù Đoàn Dự và Hư Trúc đều thành danh nhờ phái này nhưng độc giả vẫn mù mờ về nguồn gốc của nó. Thậm chí, câu chuyện về Tiêu Dao Tử, sư tổ của phái, cũng chưa từng được đề cập đến. Vậy Tiêu Dao Tử là ai?
Trang tin Sohu đã giải đáp băn khoăn này, đó là nếu độc giả đọc kỹ nguyên tác, chúng ta có thể tìm thấy đáp án.
"Thiên Long Bát Bộ" mang đến cho độc giả cảm giác rời rạc bởi mạch truyện liên quan đến Tiêu Dao Phái khá tách biệt so với tuyến truyện chính. Các nhân vật như Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Lão, Lý Thu Thủy dường như chỉ có liên hệ với Đoàn Dự và Hư Trúc và ít khi xuất hiện cùng những nhân vật khác.
Trong số ba đệ tử đầu tiên của Tiêu Dao Phái, Vô Nhai Tử là chưởng môn đời thứ hai, Lý Thu Thủy sang Tây Hạ trở thành hoàng phi, còn Thiên Sơn Đồng Lão là cung chủ Linh Thứu Cung. Nhiều người lầm tưởng Linh Thứu Cung là một nhánh của Tiêu Dao Phái, nhưng thực tế không phải vậy. Dựa vào những chi tiết trong truyện, có thể thấy Linh Thứu Cung và Tiêu Dao Phái không phải quan hệ chi phái hay ngang hàng mà Linh Thứu Cung chính là nơi đầu tiên Tiêu Dao Phái đặt chân đến.
Điều này được chứng minh qua những bí kíp võ công được cất giấu trong Linh Thứu Cung. Sau khi Hư Trúc được Thiên Sơn Đồng Lão truyền lại chức vị cung chủ Linh Thứu Cung, bốn thị nữ Mai, Lan, Trúc, Cúc đã dẫn chàng đến mật thất phía sau cung. Tại đây, cất giấu rất nhiều bí kíp võ công của Linh Thứu Cung.
Hãy xem Mai, Lan, Trúc, Cúc nói gì với Hư Trúc: "Cung chủ, trong thạch thất phía sau Linh Thứu Cung có cất giấu các bức bích họa do vị cung chủ đời trước để lại từ mấy trăm năm trước. Nô tỳ từng nghe lão phu nhân kể lại rằng, những bức bích họa này có liên quan đến Sinh Tử Phù, xin cung chủ hãy đến xem qua."
Khi vào trong thạch thất, Hư Trúc đã nhìn thấy những bí kíp võ công nào? Đó là Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, Thiên Sơn Lục Dương Chưởng, Sinh Tử Phù,... Điều này thật kỳ lạ, lẽ ra những môn võ công này phải thuộc về Tiêu Dao Phái? Hơn nữa, theo lời bốn thị nữ thì đây là những gì vị cung chủ đời trước để lại từ mấy trăm năm trước.
Có vẻ như từ trước khi Tiêu Dao Phái xuất hiện thì những môn võ công này đã tồn tại. Phải chăng chúng không phải do Tiêu Dao Tử sáng tạo ra? Thực chất, còn một giả thuyết táo bạo hơn, đó là những môn võ công này vẫn do Tiêu Dao Tử sáng tạo ra và ông chính là vị cung chủ đời trước mà bốn thị nữ nhắc đến.
Nếu Tiêu Dao Tử chính là vị cung chủ Linh Thứu Cung từ mấy trăm năm trước thì làm sao ông có thể sống đến thời đại "Thiên Long Bát Bộ" và truyền dạy võ công cho ba đệ tử của mình? Thực ra rất đơn giản, trong lần chỉnh sửa "Thiên Long Bát Bộ", Kim Dung đã cố tình nhắc đến Tiêu Dao Tử ở hồi cuối.
Khi ấy, Vương Ngữ Yên muốn đến Vô Lão Trường Xuân Cốc tìm kiếm bí mật trường sinh bất lão. Đoàn Dự dẫn theo mọi người tìm đến nơi thì bí kíp trường sinh bất lão đã không còn. Trong truyện có viết như sau: "Trong mấy dòng chữ kỳ quái này có nhắc đến việc trong Vô Lão Trường Xuân Cốc vốn có một quyển thần thư dạy người ta cách trường sinh bất lão. Nhưng hiện nay quyển thần thư ấy đã bị một người có tên là 'Tiêu Dao Tử' lấy đi mất. Trong cốc chỉ còn lại một dòng suối mà ai uống vào cũng có thể giữ mãi tuổi thanh xuân. Hai người hái tổ yến kia còn kể rằng thỉnh thoảng lại có người men theo dây leo trên cây đại thụ để đu ra khỏi cốc, nhưng một khi đã ra ngoài rồi thì không thể nào quay trở lại được nữa."
Như vậy, Tiêu Dao Tử đã lấy được quyển thần thư và có được bí mật trường sinh bất lão cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chính điều này lại nảy sinh một vấn đề khác, Kim Dung viết truyện kiếm hiệp, những nhân vật đạt đến cảnh giới tu tiên như Tiêu Dao Tử thật sự không phù hợp xuất hiện trong mạch truyện chính, vì vậy tác giả chỉ có thể miêu tả sơ lược về ông.
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể giải đáp được câu hỏi "Tiêu Dao Tử rốt cuộc là ai?". Nhưng nếu kết hợp với tình tiết trong "Thần Điêu Hiệp Lữ", chúng ta có thể tìm ra đáp án.
Hơn một trăm năm sau thời điểm diễn ra "Thiên Long Bát Bộ", vào thời "Thần Điêu Hiệp Lữ", Dương Quá đã gặp một con Thần Điêu khổng lồ trong một thung lũng sâu ở ngoại ô thành Tương Dương. Con Thần Điêu này tuy không thể nói chuyện nhưng lại rất khôn ngoan, hiểu chuyện. Theo miêu tả trong truyện thì nó giống một con kền kền hơn.
Ngoại hình của nó được miêu tả như sau: "Trước mắt hắn hiện ra một con Thần Điêu to lớn, thân hình cao hơn người thường, hình dạng xấu xí vô cùng. Lông trên mình thưa thớt, trông như thể bị người ta vặt mất phân nửa, lông màu vàng đen, nom rất bẩn thỉu, nhưng lại cứng như thép, toát lên vẻ mạnh mẽ, hình dạng có phần na ná cặp đại bàng ở đảo Đào Hoa, nhưng đẹp xấu thì khác nhau một trời một vực. Con Thần Điêu xấu xí này có cái mỏ quặp nhọn hoắt, đầu trọc lóc, nhưng lại mọc lên một cái bướu thịt đỏ lòm, chim muông trên đời nhiều vô số kể, chưa từng thấy con nào kỳ quái và hung dữ như vậy."
Như vậy, việc Dương Quá gọi nó là "Điêu huynh" thật ra là cách gọi sai, phải gọi là "kền kền huynh" mới đúng. Trong tiếng Trung, chim kền kền có cách phát âm là Thứu. Điều này khiến người ta liên tưởng đến Linh Thứu Cung. Linh Thứu Cung chưa bao giờ xuất hiện con chim nào được gọi là "linh thứu" cả. Nếu con "Thần điêu" này chính là con chim "linh thứu" năm xưa thì mọi chuyện sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều.
Chúng ta đều biết rằng "kiếm ma" Độc Cô Cầu Bại là người bạn đồng hành cùng Thần Điêu. Như vậy, nói cách khác, Tiêu Dao Tử chính là Độc Cô Cầu Bại lúc về già.
Hãy xâu chuỗi lại dòng thời gian, trong truyện có nhắc đến Độc Cô Cầu Bại từ khi còn trẻ tuổi đã tung hoành thiên hạ, ông dựa vào Độc Cô Cửu Kiếm để phá giải mọi võ công trong thiên hạ, đánh bại vô số cao thủ. Thiên Sơn Chiết Mai Thủ của Linh Thứu Cung cũng được xem là "Độc Cô Cửu Kiếm" của "chưởng pháp", có thể hóa giải mọi chiêu thức võ công trên đời, hai môn võ công này có sự tương đồng.
Nói cách khác, Độc Cô Cầu Bại thời trẻ đã sáng tạo ra võ công của Linh Thứu Cung và thành lập nên Linh Thứu Cung, sau đó mới vân du giang hồ. Chỉ là phần lớn thời gian, ông dùng kiếm pháp để đánh bại đối thủ nên tự xưng là "kiếm ma" Độc Cô Cầu Bại. Dựa vào câu chuyện về thanh kiếm cuối cùng trong kiếm mộ mà Dương Quá nhìn thấy, có thể thấy lúc Độc Cô Cầu Bại quy ẩn giang hồ cũng chỉ mới hơn năm mươi tuổi. Vậy sau đó ông đã đi đâu? Một người võ công cái thế như ông chắc chắn không dễ gì chết như vậy.
Rất đơn giản, ông đã đến Vô Lão Trường Xuân Cốc. Võ lâm đối với ông đã không còn gì thú vị, mục tiêu của ông là theo đuổi "trường sinh bất lão", vì vậy ông mới đến Vô Lão Trường Xuân Cốc, lấy đi "thần thư", sau đó trở thành Tiêu Dao Tử, sáng lập ra Tiêu Dao Phái rồi mới thu nhận ba vị đệ tử.
Nếu Độc Cô Cầu Bại chính là Tiêu Dao Tử thì mọi bí ẩn trong truyện đều được giải thích hợp lý. Có thể nhiều độc giả sẽ băn khoăn "nếu Độc Cô Cầu Bại là Tiêu Dao Tử thì con đại bàng kia làm sao sống được mấy trăm năm?". Kỳ thực, Dương Quá từng nói với Chu Bá Thông rằng: "Vị điêu huynh này không biết đã sống mấy trăm năm rồi, nó còn già hơn cả ngươi đấy!". Có thể thấy Kim Dung cũng đã ngầm thừa nhận điều này.
Tổng hợp