Ngày 12/9, Sina đưa tin bộ phim Tây Xuất Ngọc Môn do Nghê Ni và Bạch Vũ đóng chính ra mắt khán giả với nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, phần kỹ xảo được quan tâm hơn cả vì bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Vĩ Ngữ, xây dựng một thế giới Ngọc Môn Quan kỳ bí, huyền ảo với nhiều hiện tượng lạ. Tuy nhiên, khi phim lên sóng, khán giả đánh giá nhiều cảnh kỹ xảo không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ.
Cảnh phim bị đánh giá là kỹ xảo cũ kỹ, thiếu sáng tạo trong Tây Xuất Ngọc Môn
Theo đó, Tây Xuất Ngọc Môn kể về hành trình nữ chính Diệp Lưu Tây (Nghê Ni) và Xương Đông (Bạch Vũ) cùng nhóm thám hiểm đi tới đồi Hải Long, nằm trên con đường Tơ Lụa ngày xưa. Diệp Lưu Tây là cô gái có thân thế bí ẩn, mất hết trí nhớ, muốn biết mình là ai. Còn Xương Đông lên đường tìm lại thân thể của vợ chưa cưới. Hai năm trước, anh từng được mệnh danh là "Răng Nanh sa mạc" với tài năng thám hiểm chinh phục mọi địa hình. Nhưng trong một lần Xương Đông dẫn người yêu Khổng Ương và các bạn đi thám hiểm đã gặp bão cát sa mạc khiến 18 người mất tích và từ đó Xương Đông mất hết tất cả, phải mai danh ẩn tích, sống trong đau khổ. Trong chuyến thám hiểm, cả nhóm gặp phải nhiều hiện tượng rùng rợn, tạo nên chuyến hành trình kỳ bí, hấp dẫn.
Với nội dung trên, khán giả kỳ vọng Tây Xuất Ngọc Môn xây dựng được một thế giới mới lạ, với các hiện tượng kỳ ảo vừa mang yếu tố tâm linh văn hóa, vừa có kỹ xảo mãn nhãn.
Tuy nhiên, Tây Xuất Ngọc Môn bản truyền hình bị chê vì cảnh nhóm thám hiểm lái xe vào chiều không gian khác trong Ngọc Môn Quan rất giả. Cảnh kỹ xảo bị đánh giá giống phim những năm 2000 với màu sắc cũ kỹ, thiếu sáng tạo. Bên cạnh đó, những biểu tượng của truyện như rối bóng, cát sa mạc đều bị đánh giá là không đẹp và không tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện.
Kỹ xảo của phim Tây xuất Ngọc Môn bị chê rởm và không gây sợ hãi như trong nguyên tác
Theo Sina, Tây xuất Ngọc Môn nhận những ý kiến trái chiều về nội dung. Trong đó, những khán giả từng đọc nguyên tác cho rằng bộ phim đã bám sát tiểu thuyết, không cải biên quá lố, các nhân vật đều có khí chất, dáng dấp như những gì nhà văn Vĩ Ngư mô tả.
Tuy nhiên, với những người chưa đọc tiểu thuyết, khán giả khó có thể hiểu được sức mạnh của nhân vật Diệp Lưu Tây, hay thế giới kỳ bí mà tác giả miêu tả. Bộ phim không làm tốt vai trò giải thích những đặc điểm của nhân vật, xuất thân hay bối cảnh câu chuyện.
Bên cạnh đó, Sina còn cho rằng Tây xuất Ngọc Môn chưa tạo dựng được không khí đáng sợ, nguy hiểm như trong truyện. Một phần vì kỹ xảo của phim không đáp ứng được những tưởng tượng của khán giả, bên cạnh đó, diễn xuất của dàn diễn viên cũng chưa hợp lý.
Trong đó, Diệp Lưu Tây là cô gái mất trí nhớ và một lòng muốn tìm lại gốc gác của mình. Nghê Nhi diễn tả được nét hoang dại, ngông nghênh của nữ chính, song không tô đậm được bối cảnh của nhân vật, dường như việc tìm lại trí nhớ không có sức nặng với cô. Do đó, khán giả thấy phim thiếu đi động lực theo dõi, không còn cảm thấy hành trình này quan trọng. Tương tự, nỗi đau buồn vì mất bạn gái, sống trong cô độc của Xương Đông cũng không được Bạch Vũ diễn tả rõ nét.
Mặt khác, ưu điểm của Tây xuất Ngọc Môn là diễn xuất của dàn diễn viên đồng đều, nội dung mới lạ, cảnh quay chân thực do ê-kíp làm phim đã ra tận sa mạc để quay ngoại cảnh.