- Theo Trí Thức Trẻ | 14/12/2016 03:57 PM
Monkey King lần đầu tiên được hé lộ ở phiên bản 6.80, thế nhưng với việc giấu khá kỹ những thông tin về hero này, người hâm mộ phần nào đã quên lãng Monkey King trước khi hắn chính thức trở thành mối quan tâm hàng đầu sau đoạn trailer trong The International 6.
Sự ra đời của Monkey King cũng đã được báo trước một cách đầy ẩn ý từ phía Valve, với những dấu hiệu như việc Banana xuất hiện một cách ngẫu nhiên mỗi khi cây cối bị phá hủy trong những game đấu lobby. Điều dễ nhận thấy nhất trong đoạn trailer giới thiệu về Monkey King chính là khả năng phân bóng và có phần nào mang những nét tương đồng với Phantom Lancer.
Nhận xét về bộ kỹ năng cũng như hướng lên Skill cho Monkey King
Monkey King được Ice Frog tạo ra như một Agility hero, với bộ skill mang những nét hoàn toàn khác biệt với những người đồng nghiệp. Đồng thời dàn kỹ năng này cũng yêu cầu sự linh hoạt cũng như khôn khéo tới từ người chơi vị tướng này. Không quá khó để sử dụng, nhưng để phát huy tối đa sức mạnh của Monkey King lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Bên cạnh đó, Ice Frog cũng xây dựng cho Wukong một hệ thống Tree Talent giống như mọi hero khác. Ở level 10, hắn sẽ được lựa chọn giữa 5 armor hoặc 20 attack speed. Tại level 15 là 275 máu hoặc 20 tốc độ di chuyển, trong khi level 20 sẽ là 15 strength hoặc 40 damage. Ở cấp độ cuối cùng, Monkey King có thể nhận thêm 25% kháng phép hoặc 100% damage từ Boundless Strike
Trước cấp độ 6, Monkey King nên cộng skill theo hướng 1-3-1. Sau khi lấy một điểm ultimate, hero này nên nâng tối đa vào kỹ năng Tree Dance/ Primal Spring và Jingu Mastery ngay sau đó, vì chúng giúp ích khá nhiều cho khả năng tấn công của Monkey King.
Ở level 10, bạn có thể chọn Talent tùy theo tình huống, có thể là tăng giáp nếu đối thủ có những hero trừ armor, hoặc tốc độ tấn công nếu cần một thế trận dồn ép. Boundless Strike nên là kỹ năng ưu tiên cộng max sau cùng, khi mà dù được cộng thêm 0.5 giây stun ở mỗi cấp, nhưng lượng sát thương mà nó mang lại chắc chắn không thể bằng lợi ích tới từ Jingu Mastery. Mặt khác, Mischief có thể được kích hoạt ngay từ level 1, trong khi ultimate Wukong’s Command thì vẫn nên nâng đều ở các level 6, 12 và 18.
Nên sử dụng Monkey King ở vị trí Support hay Carry?
Bộ skill của Monkey King được chia ra hai xu hướng rõ rệt, chạy trốn và gây sát thương. Điều này gây ra khá nhiều tranh cãi, khi Monkey King có thể được sử dụng tốt ở vai trò hỗ trợ, nhưng role chính của vị tướng này có lẽ là carry safe lane. Có khá nhiều luận điểm để chứng minh, nhưng có lẽ dễ dàng nhận thấy nhất là lượng sát thương của Monkey King sẽ được phát huy tối đa nếu như hắn có lượng item cũng như level cần thiết. Mọi kỹ năng trong dàn skill, trừ Primal Spring đều tỏ ra rất phù hợp với một carry.
Lối chơi của Monkey King cũng phần nào có nét tương đồng với Lifestealer, khi hắn nên cố gắng đạt được lượng level sớm nhất để có thể tham gia combat ngay từ những thời điểm đầu game. Những kỹ năng như Tree Dance có thể giúp Monkey King di chuyển tương đối nhanh chóng, đồng thời cung cấp lượng tầm nhìn đủ để dàn xếp một tình huống gank hợp lý.
Mischief còn giúp Monkey King có thể ẩn mình và xuất hiện một cách đầy bất ngờ ngoài dự tính của đối thủ. Chưa kể, Wukong’s Command càng hữu dụng hơn nếu được kết hợp với những ultimate khống chế hạng nặng của DOTA 2 như Black Hole, Ravage hay Chaotic Offering. Chưa kể, ultimate này còn giúp ích rất nhiều trong việc hỗ trợ đồng đội có thể kết thúc Roshan sớm.
Ngược lại, với vai trò là một hỗ trợ, Monkey King cũng hoàn toàn hữu ích trong những công việc thường nhật như block camp, săn courier cũng như quấy rối đối thủ ngay từ giai đoạn đầu của trận đấu. Với việc vị trí support số 4 đang dần có xu hướng được nuôi như một core hero, sẽ không có gì lạ nếu như Monkey King được sử dụng ở vị trí này tại các game đấu chuyên nghiệp.
Nhưng để có thể đảm nhận tốt trọng trách này, Monkey King vẫn yêu cầu phải có lượng cấp độ tương đối, và đó cũng chính là điểm yếu của vị tướng này với role support. Tuy nhiên với vị trí mới của Bounty Rune, vấn đề này có thể được khỏa lấp phần nào. Nên nhớ rằng những Riki, Weaver cũng có thể thành công ở vị trí support trong thời gian gần đây thì tại sao không thể là Monkey King.
Lối lên item cho Monkey King ở vị trí hard carry
Monkey King chưa từng được test trước đây, thế nên sẽ có rất nhiều sự thay đổi phong cách lên đồ của hero này trong thời gian tới. Đa số vẫn thường lựa chọn những item khởi đầu đơn giản như Stout Shield, Tango, Healing Salve và một Ring of Protection.
Ring of Aquilla là item nên có, khi nó rất cần thiết với bộ kỹ năng có phần hao tốn mana của hero này, trong khi Phase Boots có thể hỗ trợ tốt hơn Monkey King trong việc truy đuổi đối thủ. Trong giai đoạn sau, Boots of Travel cũng không phải là một lựa chọn tồi, khi đây là mẫu hero hoàn toàn có thể tiến hành những tình huống đẩy lẻ hiệu quả.
Sau khi đạt level 6, Monkey King nên có cho mình Blight Stone, thứ cực kỳ hữu ích khi dàn phân thân của hắn cũng sẽ được nhận hiệu ứng mà item này mang lại. Vanguard cũng được coi là một item cần thiết, khi mà nó có thể giúp hero này trụ trong combat cũng như đảm bảo Jingu Mastery có thể được kích hoạt một cách trơn tru. Phần còn lại của việc lên đồ sẽ phụ thuộc nhiều vào tình huống trong trận đấu.
Nếu muốn đẩy nhanh tốc độ, Desolator và Sange Yasha sẽ là những lựa chọn hợp lý, trong khi Diffusal Blade vừa cung cấp khả năng làm chậm, cũng như hỗ trợ rất nhiều cho ultimate của hắn. Ngoài ra nếu cần sự cơ động, Shadow Blade hay Blink Dagger cũng là những lựa chọn không tồi đối với Monkey King. Ở giai đoạn late game, Abyssal Blade có thể được lên từ Vanguard, trong khi Manta Style hoặc BKB cũng là những ưu tiên hàng đầu cho Monkey King.