Sự khốc liệt, thương đau chính xác là những gì Sledgehammer muốn gửi gắm thông qua Call of Duty: WWII
Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 1.

ãi đến bây giờ, sau khi bỏ ra hơn 8 tiếng đồng hồ hoàn thành chế độ chơi đơn của Call of Duty: WWII, tôi mới hiểu vì sao những ngày đầu tiên Sledgehammer quảng bá game, chúng ta chỉ thấy ấn tượng với đôi mắt của nhân vật chính trong game. Đôi mắt anh xanh thẳm, xa xăm, dường như đã nhìn thấy quá đủ những sự tàn khốc, kinh hoàng của một đời người trong khi tuổi anh mới chỉ đôi mươi.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 3.

Toàn bộ những thông điệp được nhà phát triển gửi gắm thông qua Call of Duty: WWII, dường như đều được mô tả theo cách khó có thể tinh tế hơn: Qua đôi mắt của một anh lính binh nhì. Nhưng mãi đến khi thưởng thức những màn chơi đầu tiên của Call of Duty mới, chúng ta mới hiểu được điều này, sự khốc liệt đến tột cùng mà Sledgehammer đưa vào hình ảnh của game.


Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 4.

Quyết định đưa Call of Duty trở về cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II đã khiến cho cà giới game thủ mộ điệu series game bắn súng huyền thoại phải háo hức. Có lẽ, chúng ta cũng đã quá chán những chủ đề tương lai, hết gần đến xa với những trận chiến thiếu chân thực và sự hiện diện của những chiếc jet pack bá đạo. Nhưng cũng không thể nào tránh được ý nghĩ rằng, phải chăng Call of Duty trở về thế chiến thứ 2 một phần do thành công của Battlefield 1, nơi game thủ được đưa về những trận chiến khốc liệt nhất thời kỳ Thế chiến thứ Nhất.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 5.

Nhưng không. 

Sau khi thưởng thức Call of Duty: WWII, phải khẳng định rằng Battlefield 1 vẫn còn thua kém những đối thủ của họ vài bậc nếu nói về cảm xúc trong chế độ chơi đơn. Cốt truyện của game không chỉ xoay quanh câu chuyện của những người lính bị cuốn vào trận chiến.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 6.

Ở đó, chúng ta thấy được phận người giữa chiến tranh, cả những người lính lẫn dân thường, sự tàn khốc của cuộc xung đột và thậm chí game còn khẳng khái tới mức đem đến cho người chơi ý nghĩ, rằng những kẻ bạn đang ngắm bắn kỳ thực cũng là những con người, cũng có ước mơ hoài bão, và họ cũng chỉ đang tuân theo mệnh lệnh mà thôi.

Choáng ngợp. Đó là cụm từ hoàn hảo để nói về chế độ chơi đơn của Call of Duty mới. Nếu những phiên bản trước đem tới cho chúng ta cảm giác adrenaline dồn lên não, bắn giết như những cái máy, thì giờ đây mỗi bước chân đều trĩu nặng với sự sợ hãi, căng thằng, căm thù, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và đủ các cung bậc cảm xúc mà game đem tới cho người chơi qua những thước phim cắt cảnh hay những trường đoạn gameplay được nhào nặn đầy nghệ thuật.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 7.

Ngay những hình ảnh đầu tiên, game ném người chơi vào cuộc đổ bộ Normandy lịch sử. Màn chơi đầu này dường như được tạo ra, để tri ân những tuyệt phẩm trong quá khứ: Saving Private Ryan, Band of Brothers, hay Medal of Honor huyền thoại. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, sự chân thực trần trụi cũng chỉ là một phần gây ấn tượng mạnh cho những người chơi mà thôi. 

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 8.

Màn chơi đầu tiên cũng là thứ khẳng định chắc chắn với những người đang háo hức rằng: Chiến tranh thực sự khốc liệt, ngoài đời hay trong game cũng đều như vậy, và bạn, một tay lính trơn 20 tuổi không phải là kẻ ra tay cứu thế giới trong vòng 15 phút:

D Day - Cuộc đổ bộ nổi tiếng nhất thế chiến thứ II trong mắt game thủ

Call of Duty: WWII là một game khó. Không có hồi máu, nghĩa là bạn phải đi kiếm những túi med pack rải rác bản đồ, hoặc xin đồng đội một túi. Bạn phải chắc chắn mình đủ máu trước khi bước vào những trận đấu khốc liệt. Trong đầu bạn, bên cạnh việc đếm đạn, luôn là câu hỏi: "Mình mang như thế này đã đủ máu chưa? Có cần lấy thêm không? Nhỡ làm sao có gì còn sống chứ load lại màn chơi nản lắm".

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 10.

Rõ ràng là trong trang sử và những bộ phim tài liệu, cuộc đại chiến thế giới lần thứ 2 không phải thời điểm áo giáp chống đạn kevlar hay jetpack được phát minh. Nó là một cuộc xung đột của những con người chỉ mặc bộ đồng phục, đội mũ sắt, với những người lính hỗ trợ y tế và đạn dược. Chưa bao giờ game bắt bạn nâng niu và trân trọng những người đồng đội xung quanh, bất kể họ là những AI được máy điều khiển, vì không có họ trợ giúp đạn dược và máu, đừng mơ một mình càn quét cả một tiểu đội lính Đức dễ như bỡn giống các phần game trước nữa.


Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 11.

Câu chuyện của game theo bước Ronald Daniels, một anh chàng lính mới vừa bước chân vào Trung đoàn bộ binh số 16, thuộc sư đoàn Anh cả đỏ lừng lẫy. Đây hoàn toàn không phải lần đầu tiên Call of Duty đưa người chơi đóng vai một người lính "Big Red One", và cũng chẳng phải tựa game độc nhất theo chân những người lính đổ bộ Normandy để tiến về Berlin.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 12.

Mỗi người đồng đội của bạn đều có câu chuyện riêng, ví như anh chàng Zussman, một người Do Thái đang cố gắng giấu gốc gác Đức để nhập ngũ. Đại úy Joseph Turner là một người luôn cố gắng động viên cấp dưới, trong khi Pierson, trung sỹ "cai quản" tiểu đội của bạn thì là một kẻ khó ưa và cực kỳ cứng nhắc, nhưng đều có lý do cả. Những trận chiến nổi tiếng trong sử sách, từ cuộc kháng chiến giành lại Paris, trận Aachen, Hurtgen Forest hay trận Ardennes, nơi quân phát xít chọc thủng được hàng ngũ quân đồng minh đều có mặt trong game, và chúng ta đều được đóng một vai trò vô cùng quan trọng vào thành bại của mỗi trận chiến đó.

Nét tinh tế trong từng trận chiến cũng được Sledgehammer triển khai hết sức thuyết phục. Bạn được lái xe tăng, máy bay chiến đấu, hay thậm chí là không ít những màn phải vượt qua bằng cách lầm lũi qua mặt từng kẻ địch trên màn chơi, không bắn một viên đạn nào tránh gây báo động. Cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng với màn chơi cho phép bạn vào vai một nữ điệp viên của quân giải phóng Pháp, bước vào bên trong tòa nhà toàn sĩ quan phát xít như chốn không người để rồi được thưởng thức kết thúc vô cùng kịch tính, không thua kém gì phim ảnh như Inglorious Basterds cả.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 13.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 14.

Dù cố gắng quảng cáo tựa game đưa người chơi trở về với những trải nghiệm "Boots on the Ground", dòng tagline PR game được nhai đi nhai lại, nhưng những màn chơi ngắn cho bạn vào vai người lính tank Perez hay cô nàng Rousseau quyến rũ nhưng mang trong mình nỗi căm thù quân phát xít đến tận xương tận tủy lại là làn gió đầy mới mẻ chưa từng có một phiên bản Call of Duty nào sánh được bằng, cả về chất lượng lẫn thời lượng. Chúng không quá khó nhằn gây chán nản, nhưng vẫn đủ thử thách, tạo ra luồng gió mới sau khi đã chán phải làm anh lính bộ binh.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 15.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 16.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 17.

Nửa lạ nửa quen, đó là trải nghiệm của bạn khi chơi Call of Duty: WWII. Độ khó được tăng cao, không còn chế độ tự động hồi máu và âm thanh cháy nổ cũng như tiếng vũ khí leng keng vui tai là một vài thứ lạ lẫm. Thậm chí chế độ bắn tỉa cũng được nhà phát triển sửa lại để khi nín thở, ổn định tâm ngắm, mọi thứ của game cũng biến thành slow motion, giúp người chơi có những phát đạn không thua gì những xạ thủ khủng nhất cả. Nhưng đó chỉ là chế độ chơi đơn, để cân bằng, chế độ chơi mạng không được phép tồn tại chi tiết này.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 18.

Nhưng sau cùng, nó vẫn là Call of Duty. Nó vẫn vẽ ra trước mắt người chơi, ngồi trước màn hình máy tính những câu chuyện gây ấn tượng mạnh, bất kể bạn là ai. Nếu so sánh, thì Call of Duty: WWII chỉ đứng sau Call of Duty 2, và Modern Warfare Trilogy xét về độ kịch tính mà thôi. Nói cách khác, WWII xứng đáng là một trong những phiên bản kinh điển của cả làng game bắn súng chứ không riêng gì series của Activision.

Như đã đề cập, game đem tới cho người chơi một cuộc chiến khốc liệt và đau đớn. Sau tất cả, cảm giác chiến thắng, vinh quang thực sự không đủ phấn khích để người chơi quên đi cái giá phải trả. Lần đầu tiên trong toàn bộ lịch sử làng game, Call of Duty đưa chúng ta đến với một trại tập trung, với cả những người lính Mỹ và người Do Thái bị bắt lao động cưỡng chế, với điều kiện sống không thua địa ngục là bao. Dù chỉ là những bước chân dạo qua khu trại bị bỏ hoang, nhưng những hình ảnh của game cũng có sức mạnh không thua gì những bộ phim tài liệu hay bức hình có thật.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 19.

Tiếc thay, nhà phát triển game quên mất, đây là một cuộc đại thế chiến, chứ không phải cuộc chiến giữa người Mỹ và phát xít. Tôi bất giác nhớ lại gã trung sĩ Victor Reznov của World At War, và binh nhì Vasili Koslov của Call of Duty 2. Ấy là chưa kể những chiến dịch của quân giải phóng Pháp, của người Anh và những quốc gia đóng vai trò không hề nhỏ nhoi để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu nhất lịch sử loài người. Chế độ chơi đơn của game hay, nhưng chưa thể nào trọn vẹn.

Phần campaign của game chỉ tiêu tốn của người chơi từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ tùy độ khó và tốc độ tìm kiếm những collectible trong game. Trong khi đó, chế độ chơi mạng và zombie lại là thứ níu giữ người chơi ở lại với game hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời kế tiếp.


Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 20.

Nếu đã từng có cơ hội thử nghiệm phiên bản Open beta của Call of Duty: WWII miễn phí hồi tháng 09 và tháng 10 trên PS4 và PC, hẳn các bạn cũng phần nào trải nghiệm được những trận đấu nghẹt thở với 12 game thủ trong cùng một lobby của game.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 21.

Những map thi đấu như Pointe Du Hoc, Gibraltar và Ardennes Forest tương đối nhỏ nếu so sánh với Battlefield 1, nhưng nó cũng chẳng cần phải làm giống như đối thủ làm gì cả, vì bản thân ba map này đã được chứng minh là rất tuyệt trong mắt các fan vì nó phục vụ được cùng lúc rất nhiều chế độ chơi khác nhau, từ Team Deathmatch, Domination, Hardpoint... 

Rất nhiều những lô cốt và giao thông hào để cận chiến, nhưng vẫn chẳng thiếu không gian để các sniper làm trùm.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 22.

Trong khi đó những bản đồ mãi đến bây giờ mới ra mắt như Gustav Cannon, London Docks hay thậm chí là chiến nhau tóe lửa ngay trên boong tàu USS Texas lại khiến game thủ khá ngờ vực, vì nó dù cân bằng nhưng lại khá thiếu sáng tạo khi có phần quá đối xứng, ít điểm nhấn mà thay vào đó là hàng loạt những choke point để thi đấu những chế độ như Search and Destroy hay Hardpoint, còn về cơ bản, nếu bạn thưởng thức những chế độ như Team Deathmatch hay Domination, game vẫn cuốn hút không thể dừng chơi.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 23.

Những killstreak trong game cũng rất hợp với thời kỳ đó, và càng lên cao, phần thưởng cho những tay súng giỏi nhất luôn là những khả năng cực kỳ bá đạo có thể gánh cả team, hoặc cũng có thể tương đối vô dụng nếu không biết cách sử dụng. Lấy ví dụ Strafing Run, với một dàn máy bay không kích nướng chín địch thủ từ trên cao nó khác với việc bỏ 1000 điểm killstreak để gọi 1 lính do máy điều khiển nếu không biết dùng nó để bait đối thủ kiếm thêm point mở khóa những killstreak khủng hơn. 

Thực tế thì chỉ với 300 point, nghĩa là khoảng 3 mạng hạ gục trong chế độ Team Deathmatch, bạn đã có một quả bom xăng Molotov khá là bá rồi. Để có được máy bay trinh sát, bạn phải hạ liên tiếp 5 mạng, kế đến là máy bay thả bom với 7 mạng. v.v…

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 24.

Vũ khí vẫn có thể lắp các phụ kiện (rất hợp thời những năm 40) và đổi màu sơn thể hiện cá tính.

Nếu như Team Deathmatch, Domination, Hardpoint là những chế độ quá nổi danh và gắn liền với Call of Duty, thì War Mode lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Nó giống như những trận đấu Conquest hay Rush của Battlefield, với cả chục nhiệm vụ mỗi màn chơi để giành lấy chiến thắng. Nếu không có teamwork tốt, việc xây một cây cầu để tiến công gần như bất khả thi, khi đối phương chỉ chực camp và hạ gục bạn càng sớm càng tốt. Nó giống như một trận đấu tuyệt vời nếu bạn có đồng đội tâm đầu ý hợp, nhưng cũng giống một màn tra tấn tinh thần và thể xác với những game thủ gà.

Đáng tiếc là số lượng những map War Mode lại không nhiều ở thời điểm hiện tại khi mới chỉ có 3 Operation: Breakout (đã có mặt trong bản beta), Neptune và Griffin. Trong số đó, Neptune là ấn tượng nhất khi lấy đúng bối cảnh cuộc đổ bộ Normandy với những nhiệm vụ riêng cho từng phe. War Mode, có thể nói, là làn gió mới lạ đến với Call of Duty, khiến game trở nên hợp thời hơn nhiều so với mô típ gameplay cổ điển bắn và giết đã tồn tại cả chục năm nay.


Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 25.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 26.

Kinh hoàng nhất trong mỗi phiên bản Call of Duty chính là chế độ chơi mang tên Nazi Zombie. Khác với những phần do Treyarch tạo ra, trong Call of Duty: WWII, các nhiệm vụ zombie tuy ít nhưng lại có chất hơn khi bắt cả 4 game thủ phải hợp tác tốt với nhau để hoàn thành các yêu cầu mỗi màn chơi đưa ra, thay vì chỉ có mỗi việc bắn hạ tất cả những con quái vật được bọn phát xít hồi sinh nhờ vào năng lượng lấy được từ thanh kiếm từng thuộc về nhà vua Frederick Barbarossa.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 27.

Ban đầu thì dễ, nhưng khi chạm mốc Wave 10 trở lên, Zombie của Call of Duty thực sự kinh hoàng.

Tuy cốt truyện không thể nào có chiều sâu như âm mưu của Group 935 xoay quanh nguồn năng lượng bí ẩn mang tên Element 115, thứ biến con người trở thành xác sống có thể điều khiển được, nhưng zombie của Call of Duty: WWII vẫn đủ đáng sợ với những đàn xác sống đông như kiến còn khẩu súng trong tay bạn thì gần hết đạn. Càng chần chừ hoàn thành những nhiệm vụ của game, những đàn zombie kế tiếp sẽ càng khỏe và trâu máu.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 28.

Rất khó để có thể so sánh Call of Duty: WWII với Battlefield 1, với sự hiện diện của engine Frostbite, nhưng không phải vì thế Call of Duty là một game có đồ họa tồi. Những màn chơi lấy bối cảnh màn đêm luôn là ấn tượng nhất với ánh sáng phản chiếu mô tả được sức mạnh đồ họa của game, kế đến là ánh nắng hoàng hôn miền quê nước Pháp. Hình ảnh của Call of Duty mới ấn tượng không kém gì cốt truyện, nhất là khi nó được đi kèm với những bản nhạc nền bi tráng do Wilbert Roget II sáng tác.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 29.

Đổi lại, Call of Duty: WWII cũng tương đối ngốn phần cứng, và bạn có thể so sánh một cách rất dễ dàng hình ảnh của phiên bản PC, vốn được trang bị những công nghệ đồ họa và tùy chọn cao nhất, với phiên bản PS4, được tinh giảm phần nào độ nét của vật thể và không gian để bù cho tốc độ khung hình luôn ở mức 60 FPS. 

Thử nghiệm trên hệ thống PC sử dụng CPU Core i5 8600K và card đồ họa GTX 1070 Ti, đồ họa không có chút gợn. Từ ánh sáng tương phản xuống nền đất úng nước, đến tia nắng chiếu qua các rặng cây lao xao gần như hoàn hảo:

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 30.

Engine game vẫn đủ sức đem tới cho chúng ta những khung hình đầy chi tiết, nhưng chính cơ chế khử răng cưa mang tên Filmic TXAA T2x mới tạo ra được không gian của game. Nó biến Call of Duty, một tựa game, trở thành một trải nghiệm không khác gì đang thưởng thức kiệt tác điện ảnh. Hiệu ứng "sạn phim nhựa" được giả lập thông qua card đồ họa, và tông màu ảm đạm của nhiều màn chơi lột tả hoàn hảo bầu không khí của trận chiến.

Nhưng nếu là một game thủ cuồng PS4, thích chơi game một cách thư giãn, ngồi xa màn hình để chìm vào cốt truyện game, cũng không sao cả, vì hình ảnh không quá cách biệt đâu, ấy là chưa kể game được tối ưu để chơi mượt trong mọi tình huống nữa.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 31.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 32.

Cuộc du hành trở về quá khứ của Call of Duty: WWII là một trải nghiệm tương đối mãn nhãn và tuyệt vời. Dĩ nhiên dù vẫn còn vài hạt sạn nhỏ, ví như đôi lúc, chẳng hiểu vì sao lính Đức đôi lúc lại tìm thấy và cầm trong tay PPSh và SVT-40 của người Nga, trong khi rõ ràng đây là mặt trận phía Tây châu Âu(?!) 

Nhưng về tổng thể, việc nâng độ khó của game lên, cũng như cho người chơi thấy được những hình ảnh thảm khốc nhất của cuộc chiến đã tạo ra một ấn tượng rất mạnh trong lòng game thủ hâm mộ.

Call of Duty: WWII - Khúc ca bi tráng của những người anh hùng - Ảnh 33.

Đau thương và tàn khốc, dù chưa thật sự đầy đủ, nhưng đó chính xác là những gì Sledgehammer muốn gửi gắm thông qua Call of Duty: WWII. Nó có thể đem lại vinh quang cho người lính, nhưng không bao giờ được phép quên đi những mất mát, xương máu của những người đã nằm lại chiến trường, hay những phận đời vô tình bị cuốn vào cuộc chiến. Càng thưởng thức, những nhà làm game dường như càng muốn khẳng định lại rằng, hãy trân trọng hòa bình, vì "chiến tranh chưa bao giờ đẹp đẽ" cả.

Call of Duty: WWII được đánh giá trên cả hai phiên bản, PS4 do Sony cung cấp, và phiên bản PC trên Steam.

Nút Chuối
Theo Trí Thức Trẻ06/11/2017