Call of Duty World at War: Trải nghiệm những thời khắc lịch sử hào hùng và đầy bi thương của Đệ nhị Thế chiến

Hải Stark  - Theo Helino | 30/04/2018 09:00 AM

Như tất cả chúng ta đã biết, Call of Duty là một trong những series game FPS thành công và nổi tiếng nhất trên thế giới, và cũng như khá nhiều các series khác cùng thể loại, khi mới ra mắt, Call of Duty cũng lấy đề tài Đệ nhị Thế chiến.

Thành công mà Call of Duty gặt hái được với ba phiên bản đầu tiên là không hề nhỏ, dù rằng CoD3 không thực sự được lòng cho lắm. Nhưng cứ lấy đề tài Thế chiến mãi cũng gây nhàm chán, vì vậy, CoD4 Modern Warfare ra mắt và trở thành một bước ngoặt cho cả series CoD nói riêng và dòng game FPS nói chung.

Thành công mà Modern Warfare có được lớn đến nỗi khi Activision công bố phần game tiếp theo của CoD sẽ quay lại đề tài Thế chiến và sẽ do Treyarch phát triển khiến hầu hết mọi người lo ngại nó sẽ là một quả bom xịt, chất lượng sẽ thấp. Nhưng hóa ra, Call of Duty World at War lại là một phiên bản cực kỳ chất lượng và đập tan mọi lời chỉ trích. Cho đến nay, World at War vẫn là một trong những phiên bản Call of Duty hay nhất và cũng là một trong những game lấy đề tài Thế chiến hay nhất.

Phần cốt truyện của WaW tương đối đơn giản, cũng như các phiên bản CoD lấy đề tài Thế chiến trước đó. Chúng ta sẽ được vào vai ba nhân vật là Binh nhì Miller của sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, sĩ quan không quân Locke của Không quân Mỹ và Binh nhì Dimitry Petrenko của Hồng quân Liên Xô, trong đó chủ yếu chúng ta sẽ vào vai Miller và Dimitry. Suốt 15 mission của game, chúng ta sẽ một lần nữa được trải nghiệm những giờ phút sinh tử cận kề, những khoảnh khắc bi thương nhưng cũng không kém phần hào hùng của Đệ nhị Thế chiến.

Chúng ta sẽ được trải nghiệm những trận chiến khốc liệt ở Đảo Peleliu, bãi biển Okinawa, Stalingrad hay Berlin. Bối cảnh của game cũng rất đa dạng, từ hòn đảo nhiệt đới Peleliu đến bãi biển hay lâu đài Okinawa, từ chiến trường đầy xác chết ở Stalingrad tới Berlin những ngày cuối cùng của Phát xít Đức. Tông màu chính được sử dụng trong WaW mang màu hơi xám xịt và có đôi chút thê lương, thể hiện rõ sự tàn khốc của chiến tranh, sự hy sinh của những người đồng đội, bi thương đấy, nhưng cũng thật sự hào hùng.

Phần gameplay của WaW cũng là một điểm thực sự đáng khen. Nhịp độ những trận chiến trong WaW giờ đây cực kỳ nhanh và nó có thể khiến adrenaline trong bạn tiết ra cực kỳ nhanh. Sở hữu một phần chơi campaign không quá dài, cũng không quá ngắn nhưng mỗi mission đều khiến bạn thấy “sướng” và “phê” vì sự đa dạng trong gameplay. Bạn có thể đột kích vào trại lính Nhật, cầm súng phun lửa càn quét tiền đồn kẻ địch, theo chân đồng đội vượt qua Stalingrad trong nhiệm vụ bắn tỉa, lái xe tăng tiêu diệt kẻ địch và rồi nhảy xuống xông pha phá huỷ chướng ngại.

Bạn cũng có thể đảm nhiệm vị trí súng máy trên phi cơ chiến đấu bắn chìm máy bay và tàu chiến Nhật, rồi lại có nhiệm vụ bạn phải chống lại đợt tấn công của những tên lính cảm tử Nhật Bản với câu hô “Banzai!” quen thuộc, hoặc chiếm cứ và cố thủ một lâu đài. Theo cá nhân người viết, hoành tráng, dữ dội và “đã tay” nhất vẫn sẽ là hai nhiệm vụ cuối cùng: tấn công thẳng vào Tòa nhà Quốc hội Berlin và cắm cờ Xô Viết trên nóc tòa nhà! Một cái kết cực kỳ epic và tái hiện lại một khung cảnh lịch sử nổi tiếng bậc nhất thế kỷ XX! Việc luân phiên thay đổi giữa hai phần chơi của Mỹ và Xô Viết cũng rất hợp lý và mượt mà, không gây cảm giác nhàm chán khi phải điều khiển một nhân vật quá lâu.

WaW cũng là phần game giới thiệu một mục chơi hoàn toàn mới: Zombie mode! Đặt bối cảnh khi kẻ địch của chúng ta là phát xít Đức và Nhật bị biến thành zombie, nhiệm vụ của chúng ta là cố thủ và vượt qua những chướng ngại vật để qua màn chơi. Với zombie mode, bạn có thể chơi solo hoặc co-op cùng ba người chơi khác. Đây thật sự là một sự đổi mới tuyệt vời nếu bạn đã “cày nát” phần chơi campaign và cảm thấy chiến trường multiplayer đã hơi nhàm chán. Zombie mode của WaW vẫn chưa có nhiều map cũng như nhiều cơ chế item bonus vì dù sao cũng là phần chơi mới, nhưng chính sự thành công của zombie mode này là tiền đề để Tryarch đem đến zombie mode ngày càng hay hơn trong những phiên bản sau này như bộ ba Black Ops.

Cuối cùng là về phần đồ họa và âm thanh. Xét ở thời điểm năm 2008 thì đồ họa của WaW thuộc dạng khá, không quá lung linh nhưng đủ độ đẹp và đủ độ chân thực. Âm thanh của WaW cũng khá tốt khi thể hiện được rõ âm thanh của chiến trường khốc liệt với bom đạn, xe tăng và máy bay chiến đấu. Tiếng súng nghe rất phê tai và cảm giác rất thật. Âm nhạc của game ở tầm trung bình khá, không quá tệ nhưng cũng không có gì thật sự xuất sắc.

Tổng kết lại, Call of Duty World at War vẫn là một tựa game FPS cực kỳ đáng chơi, cấu hình đòi hỏi không cao nhưng chất lượng thì miễn bàn. Thậm chí dù phần game mới nhất là World War II cũng nhận được khá nhiều lời đánh giá tích cực thì một bộ phận không nhỏ vẫn ưa thích World at War hơn. World at War là minh chứng rõ ràng rằng dù Modern Warfare với chiến trường hiện đại xuất sắc thế nào thì bối cảnh Thế chiến vẫn có được sức hút của riêng mình!