- Theo Helino | 28/02/2018 0:00 AM
Trong quá khứ, đa phần các nhà sản xuất game thường xuyên yêu cầu lập trình viên của mình giấu đi một đoạn mã trong trò chơi điện tử, và hy vọng rằng nó sẽ không bao giờ bị tiết lộ. Đó có thể là một tip hay trick bí mật, cũng có thể là một vài điều thần bí gì đó.
Nhưng với sự ra đời của Internet, với khả năng chia sẻ thông tin với tốc độ chóng mặt, cùng với đó là những hacker càng ngày càng tài giỏi, giờ đây, những tip, trick hay gợi ý của các nhà phát hành thường xuyên bị rò rỉ chỉ sau vài ngày, hay thậm chí là vài giờ kể từ thời điểm ra mắt. Tuy vậy, vẫn còn đó những bí mật tại một vài tựa game sau mà bạn phải mất hằng năm mới tìm ra được đấy. Hãy cùng thử khám phá xem chúng là những gì nhé.
Batman: Arkham City - Calendar Man’s Riddle
Tựa game đầu tiên về Batman của Rocksteady, Arkham Asylum có một điểm nhấn mà không nhiều người biết hay có thể chạm tới, đó chính là một căn phòng bí mật. Nhiều game thủ đã phải mất tới một năm để có thể tìm ra căn phòng này. Và trong căn phòng này, có một tấm bản đồ đã được mã hóa, đưa ra những gợi ý cho các màn chơi tiếp theo. Cũng chính vì bỏ qua căn phòng bí mật này, mà trong những màn chơi kế đó, nhiều người đã cảm thấy tuyệt vọng khi không tài nào tìm đủ dữ kiện để ghép nối.
Calendar Man – đầu mối trong Arkham City
Arkham City có một bí ẩn cũng được ẩn giấu khá lâu nữa đấy. Đó là nếu như bạn cài đặt ngày trên bảng điều khiển của mình trùng với thời gian mà Rocksteady được thành lập, bạn sẽ nhận được một thông báo từ Calendar Man, với nội dung là những gợi ý cho bí ẩn ở phần tiếp theo của tựa game, Arkham Knight đấy.
Bubble Bobble – cơ chế hoạt động hoàn toàn không ngẫu nhiên
Bubble Bobble từng được coi là một tựa game được yêu thích nhất của những năm 80. Với 99 màn, những thử thách khác nhau kèm theo đó là độ khó tăng dần, rất dễ dàng để lý giải tại sao nhiều người ưa chuộng nó tới vậy. Nhất là khi đa phần họ đều cho rằng, gameplay của Bubble Bobble, với những bong bóng đều hoạt động theo một cơ chế ngẫu nhiên nhất định, qua đó mang lại những bất ngờ thú vị.
Đối với các nhà phát hành game, khó có chuyện ngẫu nhiên xảy ra lắm
Tuy nhiên, phải mất vài năm sau, nhiều hacker mới phát hiện ra rằng chẳng có gì ở đây là ngẫu nhiên cả. Hệ thống sẽ theo dõi các chỉ số của bạn, bao nhiêu bong bóng đã được thổi, cũng như đã bay lên rồi sau đó sẽ đưa ra hành động tiếp theo. Phải tới cuối những năm 1990 thì bí mật này mới được khám phá. Nhưng lúc ấy thì cũng chẳng quan trọng nữa rồi.
Legend of Zelda – căn phòng của Chris Houlihan
Bí mật này lại có phần thú vị, khi mà người hâm mộ lại dường như biết trước nó sẽ diễn ra trước khi cả tựa game ra mắt. Cụ thể thì vào năm 1990, tạp chí Nintendo đã tổ chức một cuộc thi, trong đó người may mắn nhất sẽ có tên trong một tựa game NES mà không được thông báo trước. Và Chris Houlihan đã trở thành cái tên ấy.
Căn phòng bí mật của Chris Houlihan trong tựa game Zelda huyền thoại đầu tiên của Nintendo
Rồi tựa game Zelda đầu tiên ra mắt vào năm 1992 trên dòng máy Super Nintendo, và cái tên Chris Houlihan bắt đầu được nhiều người suy luận tới. Nhưng phải tới những năm 2000 thì anh chàng mới có được sự thừa nhận của công chúng. Tên của anh được Nintendo đặt tại một vị trí trang trọng, trong một căn phòng bí mật của tựa game dù rằng chẳng mấy người có đủ khả năng để tìm ra căn phòng ấy cả.