Những người coi làm nội dung YouTube là một nghề, họ có thể kiếm được hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng. Không đâu xa, ngay tại Việt Nam đã có những cá nhân được nhận hàng tỷ đồng mỗi năm từ Youtube. Xong đổi lại, họ phải chịu áp lực cực lớn mỗi ngày, tỷ lệ thuận với số người subscribe (đăng ký theo dõi) trên kênh YouTube của mình.
Để có một kênh YouTube có thể kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền, người tạo ra và xây dựng nó buộc phải từ bỏ cuộc sống của một người bình thường. Họ gần như không bao giờ có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Chỉ cần bẵng đi vài ngày, cơ hội được Youtube đề xuất top video lại giảm đáng kể.
Với những người sản xuất nội dung số, họ gần như không bao giờ có ngày nghỉ đúng nghĩa.
Như trường hợp của Jacques Slade, anh tự thưởng cho mình một chuyến nghỉ mát tại bãi biển khi kênh YouTube sắp đạt mốc 1 triệu lượt theo dõi. Dự định của anh là sẽ rời xa Internet một thời gian ngắn để thư giãn và tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên, công việc của một người làm toàn thời gian cho kênh YouTube không cho phép Slade hưởng thụ kỳ nghỉ trọn vẹn. Ngay cả khi đang dạo chơi, trong đầu anh luôn hiện lên những câu hỏi: "Tôi không có nội dung gì trong 4, 5 ngày tới. Chuyện gì sẽ xảy ra với tôi, với lợi nhuận của tôi? Khi quay lại, mọi người có tiếp tục xem video của tôi hay không?".
Slade chỉ là một trong số những nhà sáng tạo nội dung trên Internet nói chung và YouTube nói riêng, luôn bị ám ảnh với các suy nghĩ liên quan đến công việc. Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, họ dường như rất hào nhoáng, kiếm được nhiều tiền và có cảm giác họ không cần làm việc nhiều. Tuy nhiên, góc khuất mà ít người hiểu được, mỗi video là cả một quá trình phấn đấu làm việc không ngừng nghỉ và chịu đựng không ít áp lực.
Thu nhập mỗi năm có khi lên tới hàng tỷ, nhưng phía sau đó là một áp lực công việc khủng khiếp.
Với những người làm nội dung trực tuyến, họ biết rằng nếu chỉ cần tự cho phép bản thân tạm nghỉ, thứ hạng trên YouTube sẽ thay đổi. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ quảng cáo bên trong video và khi ngừng (hoặc giảm) sản xuất video cũng đồng nghĩa với thứ hạng đi xuống, dẫn đến doanh thu giảm theo. "Nếu làm một công việc bình thường như văn phòng hay công nhân, bạn sẽ biết rõ số tiền mình nhận được mỗi tháng. Nhưng những người sáng tạo nội dung YouTube thì không", Edgar Alvarez của Engadget nói.
Elle Mills, người sở hữu kênh YouTube với khoảng 1,4 triệu subscribers chia sẻ, để không bị tụt thứ hạng, cô phải liên tục sản xuất video và nội dung cũng phải ngày một đa dạng và phong phú hơn. Làm quá nhiều việc trong khoảng thời gian quá ngắn kéo theo áp lực tâm lý và suy nhược thể chất, thậm chí là kiệt sức. Mills thậm chí còn cảm thấy bản thân bị trầm cảm, nhưng cô không cho phép mình dừng lại. Sáng tạo mỗi ngày hoặc bị đào thải khiến những người như Mills luôn bị đặt trong tình trạng quá tải.
Nếu như áp lực với Mills là một thì áp lực với những kênh có lượng subscribers khổng lồ như CaseyNeistat (10 triệu) hay PewDiePie (65 triệu) còn lớn gấp nhiều lần. Karen North, giáo sư chuyên về truyền thông xã hội và tâm lý học tại USC Annenberg, cho rằng sức chịu đựng của những cái tên kể trên là "khủng khiếp". Ông so sánh áp lực của người tạo nội dung YouTube lớn hơn nhiều lần so với diễn viên, người mẫu hay ca sĩ nổi tiếng. "Bên cạnh video, các kênh YouTube luôn phải tạo sự kết nối với khán giả liên tục. Những đánh giá của người xem sẽ tác động rất lớn đến người tạo nội dung, cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong khi đó, người nổi tiếng không thể lờ đi khán giả của mình", North giải thích.
Pewdiepie, YouTuber đầu tiên trên thế giới sở hữu nút Ruby (50 triệu Subscribes).
Sam Sheffer, người từng bỏ công việc văn phòng để tập trung toàn thời gian cho kênh YouTube, cho rằng một trong những khó chịu nhất mà anh trải qua là những nhận xét tiêu cực bên dưới video. "Nếu bạn đang hứng thú sáng tạo nhưng bị nhận xét không hay, tinh thần của bạn sẽ bị chùng xuống lập tức. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng chỉ có nội dung hay hơn mới chinh phục khán giả. Các bình luận khó nghe cũng chưa hẳn là sai, thậm chí mang tính xây dựng rất cao", Sheffer chia sẻ.
Những khó khăn còn đến chính từ YouTube. Những năm gần đây, Google đã liên tục thay đổi chính sách quảng cáo, ban hành nhiều quy tắc mới cũng như thuật toán kiểm duyệt ngặt nghèo. Do đó, cộng đồng sáng tạo cũng thường trực nỗi lo bị tắt tính năng kiếm tiền bất kỳ lúc nào mà không được báo trước. "Đột nhiên một ngày đẹp trời, video của kênh bỗng dưng bị thuật toán kiểm duyệt quy vào hạng có hại, kích động hoặc vi phạm điều khoản bất kỳ và bị khóa, công sức của bạn sẽ đổ sông đổ biển", Philip DeFranco, người sở hữu một số kênh có lượng subscribers lớn, cho biết.
Michelle Phan, chuyên gia trang điểm gốc Việt bị trầm cảm và phải nghỉ làm YouTube 1 năm.
Nhưng trong số đó, đã có không ít người tạm thời từ bỏ kênh của mình khi đang giai đoạn đỉnh cao. Michelle Phan - chuyên gia trang điểm người Mỹ gốc Việt, người sở hữu kênh chuyên về làm đẹp có 9 triệu subscribers - đã nghỉ một năm để giảm áp lực và sau khi quay lại vẫn tạo sức hút. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm và đã có nền tảng vững vàng với hàng triệu người theo dõi kênh, cũng như nắm trong tay một đế chế mỹ phẩm hùng mạnh trị giá 500 triệu USD.
"Như vậy, có thể thấy cuộc sống của các nhà sáng tạo nội dung YouTube không đầy màu hồng như hình ảnh họ xuất hiện trên mỗi video. Đáng lẽ ra, họ phải đặt sức khỏe lên hàng đầu thì họ lại lựa chọn công việc. Nhưng cũng nhờ họ, YouTube đang trở thành một môi trường tốt hơn", North kết luận.
Có thể thấy rằng, để kiếm được tiền từ YouTube là việc không hề dễ dàng. Đặc biệt đối với những người bắt đầu từ "con số không", quá trình quảng bá kênh non trẻ của họ gần như bế tắc trước hàng nghìn kênh có nội dung tương tự xuất hiện trên YouTube. Song có những trường hợp đầu tư nghiêm túc, kèm theo một chút "may mắn" khi thuật toán YouTube đẩy video lên đề xuất, những chủ sở hữu kênh có thể yên tâm nhờ lượng subscribes và lượt xem quảng cáo đều đặn mỗi ngày.