Các sếp Marvel không muốn Iron Man và Captain America dỗi nhau trong Civil War, anh em đạo diễn Russo dỗi luôn các sếp và suýt rời MCU

DG  Pháp luật và Bạn đọc | 07/11/2021 03:30 PM

Nếu Joe và Anthony Russo quay lưng với MCU từ dự án Captain America: Civil War, có lẽ Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame cũng sẽ mang 1 diện mạo rất khác, nhưng chưa chắc đã tốt hơn những gì khán giả được chiêm ngưỡng 2 năm về trước.

Captain America: Civil War là 1 trong những tác phẩm thành công nhất của MCU tính đến thời điểm hiện tại. Sau khoảng thời gian công chiếu vào năm 2016, bộ phim này đã thu về hơn 1,15 tỷ USD doanh thu phòng vé, gấp nhiều lần so với chi phí sản xuất 240 triệu USD. Đây cũng chính là bom tấn đã giúp anh em đạo diễn Joe và Anthony Russo chiếm trọn niềm tin của Marvel Studios, qua đó trở thành đầu tàu cho 2 dự án khủng Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame - đều là những cái tên đã mang về nhiều thành tựu lớn cho MCU.

Tuy nhiên, bộ sách The Story of Marvel Studios: The Making of the Marvel Cinematic Universe mới xuất bản hồi giữa tháng 10 vừa qua đã hé lộ 1 bí mật hậu trường mà ít ai biết đến của Captain America: Civil War: Anh em Russo từng có những bất đồng quan điểm với các sếp lớn Marvel trong quá trình sản xuất, đặc biệt là ở khâu kịch bản. Mâu thuẫn đó lớn đến mức họ suýt chút nữa đã rút khỏi dự án này, đồng nghĩa với việc Infinity War & Endgame cũng sẽ mất đi 2 vị thuyền trưởng tài năng, và cái kết của Infinity Saga (3 phase đầu tiên của MCU) có lẽ cũng sẽ rất khác những gì chúng ta đã thấy trên màn ảnh lớn.

Vì sao anh em Russo muốn từ bỏ Captain America: Civil War?

Các sếp Marvel không muốn Iron Man và Captain America dỗi nhau trong Civil War, anh em đạo diễn Russo dỗi luôn các sếp và suýt rời MCU - Ảnh 1.

Như đã nêu trên, Joe và Anthony Russo từng có nhiều bất đồng quan điểm với một số cấp trên của Marvel, cụ thể trong trường hợp này là những thành viên của 1 bộ phận có tên Marvel Creative Committee (tạm dịch: Ủy ban Sáng tạo Marvel - nay đã bị giải tán).

Nếu như bạn chưa biết, trước đây, kịch bản, nội dung của các bộ phim thuộc MCU phải trải qua quá trình kiểm duyệt vô cùng nghiêm ngặt. Trong đó, Marvel Creative Committee có nhiệm vụ đưa ra những phương án, chỉ dẫn, hướng phát triển cũng như loại bỏ các chi tiết mà họ cho là không hợp lý trong loạt phim MCU. Họ thường xuyên can thiệp vào quá trình sản xuất, đặt ra những giới hạn và buộc đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải tuân theo.

Trong dự án Captain America: Civil War, Marvel Creative Committee đã muốn thay đổi cái kết dành cho bộ phim này. Họ không muốn kế hoạch của Zemo thành công, không muốn Captain America và Iron Man “dỗi” nhau hay biệt đội Avengers tan rã. Ngược lại, giống như nhiều bộ phim siêu anh hùng khác, họ muốn toàn bộ thành viên Avengers cùng liên thủ để chống lại 1 kẻ thù chung, mang đến cái kết có hậu nhất có thể.

Joe và Anthony kịch liệt phản đối ý kiến đó, thậm chí còn dọa sẽ rút khỏi dự án Civil War nếu Marvel Creative Committee tiếp tục can thiệp vào quá trình sáng tạo của họ. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi đích thân chủ tịch Marvel Studios, Kevin Feige, phải đứng ra giải quyết. Vốn tán thành ý kiến của anh em Russo, lại được chủ tịch Disney lúc đó giờ là Alan Horn ủng hộ, Feige cuối cùng đã thành công trong việc trao lại toàn bộ quyền sáng tạo cho bộ đôi đạo diễn để họ có thể hoàn thành bộ phim theo đúng tầm nhìn của mình.

Ủy ban Sáng tạo hay cái gai trong mắt các đạo diễn, biên kịch của MCU?

Các sếp Marvel không muốn Iron Man và Captain America dỗi nhau trong Civil War, anh em đạo diễn Russo dỗi luôn các sếp và suýt rời MCU - Ảnh 2.

Marvel Creative Committee là 1 hội gồm rất nhiều “tai to mặt lớn” của Marvel, trong đó có thể kể đến: Cựu biên kịch truyện tranh Brian Michael Bendis, Giám đốc Sáng tạo Marvel Entertainment Joe Quesada, Chủ tịch Marvel Entertainment Dan Buckley, cựu Chủ tịch Marvel Entertainment Alan Fine. Nhiệm vụ của họ, như đã đề cập ở trên, là đề ra phương hướng phát triển cũng như góp ý cho các dự án tương lai của Marvel Studios.

Tuy nhiên, quyền lực và mức độ ảnh hưởng của Marvel Creative Committee vẫn luôn được xem là “cái gai trong mắt” đội ngũ đạo diễn, biên kịch đầu quân cho MCU. Không chỉ riêng dự án Captain America: Civil War, họ đã từng nhiều lần can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất các bộ phim khác và thường xuyên làm mất lòng giới đạo diễn, diễn viên.

Ví dụ, đạo diễn James Gunn từng chia sẻ rằng ủy ban này từng đề nghị loại bỏ bản nhạc nền mang phong cách những năm 70 đầy vui nhộn trong Guardians of the Galaxy. Bên cạnh đó, họ còn chỉ trích thậm tệ đến phản diện của bộ phim.

Iron Man 3 cũng không thoát khỏi số phận tương tự. Theo dự kiến ban đầu, Maya Hansen (do Rebecca Hall thủ vai) đã được xây dựng để trở thành phản diện chính. Thế nhưng, Marvel Creative Committee lại yêu cầu thay đổi vì cho rằng nếu “trùm cuối” mà là nữ thì sẽ khó bán được các đồ lưu niệm, phụ kiện ăn theo.

Ví dụ tiêu biểu cuối cùng chính là quyết định rút lui khỏi dự án Ant-Man của đạo diễn Edgar Wright chỉ vì ủy ban này can thiệp quá nhiều vào quá trình xây dựng bộ phim. Hai ngôi sao chính, Paul Rudd và Evangeline Lilly, cũng suýt chút nữa đã quay lưng với MCU sau sự ra đi của Wright.

Tại sao anh em nhà Russo lại là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh Infinity Saga của MCU?

Các sếp Marvel không muốn Iron Man và Captain America dỗi nhau trong Civil War, anh em đạo diễn Russo dỗi luôn các sếp và suýt rời MCU - Ảnh 3.

Trở lại vấn đề chính, sau thành công của Captain America: Civil War, Marvel Studios nhận ra ngay Joe và Anthony Russo chính là những người họ cần tìm cho vị trí đạo diễn của Avengers: Infinity War và Avengers: Endgame. Trước đó, Kevin Feige cùng các cộng sự cũng đang ráo riết đi tìm thuyền trưởng cho 2 bom tấn này, sau khi Joss Whedon (đạo diễn của 2 phần Avengers đầu tiên) đã từ chối trở lại.

Quan trọng hơn nữa, Whedon từng thừa nhận ông không biết phải kết thúc Infinity Saga như thế nào. Vậy nên, cho dù có tiếp tục gắn bó với MCU, chưa chắc ông đã có thể giúp cho Infinity War và Endgame thành công đến vậy, đặc biệt là khi trước đó, Age of Ultron đã bị ném đá tơi tả.

Ngược lại, khi thực hiện Civil War, anh em Russo đã phác thảo sẵn ý tưởng câu chuyện của MCU sẽ phải phát triển thế nào sau sự tan rã của Avengers và trước sự xuất hiện của Thanos. Ngoài ra, bộ đôi đạo diễn này cũng từng 2 lần hợp tác với biên kịch Markus và McFeely, giúp họ có thể làm việc ăn ý hơn khi sản xuất Infinity War và Endgame.

Sẽ không quá lời khi cho rằng Captain America: Civil War chính là bài kiểm tra năng lực cuối cùng mà anh em Russo phải trải qua để có thể ngồi vào vị trí đạo diễn của 2 phần phim Avengers kế tiếp. Chính bộ phim này là minh chứng cho thấy họ có thể xử lý tốt 1 dự án có sự góp mặt của nhiều siêu anh hùng lớn, giúp ai cũng có giây phút được tỏa sáng mà không làm loãng cốt truyện chính. Và rõ ràng, họ đã vượt qua bài kiểm tra đó 1 cách cực kỳ xuất sắc.

Theo ScreenRant