Các nhà khoa học lo sợ khi một 'sát thủ hành tinh' đang có nguy cơ lao về phía Trái đất

Sông Thương  Phụ nữ Việt Nam | 07/11/2022 04:37 PM

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal vào ngày 29/9, một tiểu hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái Đất của chúng ta.

Tại Đài quan sát liên Châu Mỹ Cerro Tololo tại Chile, những nhà thiên văn học đã tìm thấy tiểu hành tinh 2022 AP7 cùng với 2 tiểu hành tinh khác, ẩn mình trong ánh sáng chói lòa từ Mặt Trời.

Các nhà khoa học lo sợ khi một sát thủ hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái đất - Ảnh 1.

Tiểu hành tinh được coi là “sát thủ hành tinh” này rộng đến 1,5km và được các nhà khoa học đặt tên là 2022 AP7. Đây là một trong số những thiên thạch có kích thước lớn được phát hiện gần quỹ đạo của Trái Đất và Sao Kim.

Ở thời điểm hiện tại, 2022 AP7 đang băng qua quỹ đạo của Trái Đất ở một khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, các nhà khoa học e rằng chỉ trong hàng nghìn năm nữa thôi, “sát thủ hành tinh" này và hành tinh xanh của chúng ta sẽ đi qua cùng một điểm, và do đó khó có thể tránh khỏi thảm họa va chạm.

Các nhà khoa học lo sợ khi một sát thủ hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái đất - Ảnh 2.

Nhà thiên văn học Scott Sheppard tại Viện Khoa học Carnegie chia sẻ: “Cho đến nay, chúng tôi đã tìm thấy hai tiểu hành tinh lớn gần Trái Đất, chúng có chiều ngang khoảng 1km, tất cả các tiểu hành tinh có kích thước trên 1km đều được chúng tôi gọi là sát thủ hành tinh". Đây là những thiên thạch đủ lớn để gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt trên toàn cầu nếu chúng đâm vào Trái Đất.

Để tìm ra những tiểu hành tinh này, các nhà thiên văn học đã sử dụng Máy ảnh Năng lượng tối nằm trên kính viễn vọng Víctor M. Blanco. Ánh sáng từ Mặt Trời khiến việc quan sát không thể diễn ra liên tục trong ngày, vì thế các nhà nghiên cứu chỉ có khoảng thời gian vỏn vẹn 10 phút vào lúc chạng vạng để quan sát chúng.

Các nhà khoa học lo sợ khi một sát thủ hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái đất - Ảnh 3.

Sheppard cho hay: “Chỉ có khoảng 25 tiểu hành tinh có quỹ đạo nằm hoàn toàn trong quỹ đạo của Trái Đất đã được phát hiện cho đến nay. Nguyên nhân là vì chúng quá khó để quan sát dưới ánh sáng chói chang của Mặt Trời.

Có lẽ chúng ta chỉ mới phát hiện được một số ít tiểu hành tinh, khả năng cao còn tồn tại những sát thủ hành tinh khác vẫn chưa được tìm thấy đang nằm bên trong quỹ đạo của Trái Đất và Sao Kim".

NASA đã theo dõi quỹ đạo bay của khoảng 28.000 tiểu hành tinh bằng Hệ thống cảnh báo cuối cùng về tác động trên mặt đất (ATLAS), bao gồm một loạt 4 chiếc kính viễn vọng có thể quét toàn bộ bầu trời mỗi ngày. Bất kỳ vật thể nào trong không gian cách Trái Đất dưới 193 triệu km đều được cơ quan vũ trụ này đánh dấu, trong đó những vật thể lớn có phạm vi dưới 7,5 triệu km đều được xem là “có khả năng gây nguy hiểm".

Các nhà khoa học lo sợ khi một sát thủ hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái đất - Ảnh 4.

Kể từ khi ATLAS được áp dụng, nó đã phát hiện ra hơn 700 tiểu hành tinh gần Trái Đất và 66 sao chổi. Hai trong số các tiểu hành tinh được phát hiện, 2019 MO và 2018 LA đã thực sự đâm vào Trái Đất. Tiểu hành tinh đầu tiên đã phát nổ ngoài khơi bờ biển phía nam Puerto Rico, trong khi tiểu hành tinh còn lại đã “hạ cánh" gần khu vực biên giới Botswana và Nam Phi. May mắn thay, đó chỉ là những tiểu hành tinh nhỏ và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.

Dựa trên những nghiên cứu và ước tính quỹ đạo của mình, NASA khẳng định rằng Trái Đất sẽ không gặp phải bất kỳ nguy hiểm nào liên quan đến việc va chạm giữa các hành tinh trong vòng 100 năm tới.

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên dừng các công tác kiểm tra, vì nguy hiểm vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà ta không ngờ đến. Điển hình là vào tháng 3/2021, một thiên thạch có kích thước bằng quả bóng bowling đã phát nổ trên bầu trời tiểu bang Vermont, Mỹ với sức nổ tương đương 200kg thuốc nổ TNT.

Một lần nghiêm trọng hơn nữa là vụ nổ thiên thạch vào năm 2013 ở Chelyabinsk, Nga. Vụ nổ này có quy mô lên đến 400 - 500 kiloton (kiloton là cách gọi ngắn gọn để chỉ đương lượng nổ của 1.000 tấn thuốc nổ TNT), tức gấp 26 đến 33 lần vụ nổ bom tại Hiroshima (1945) và khiến 1.500 người bị thương.

Các nhà khoa học lo sợ khi một sát thủ hành tinh đang có nguy cơ lao về phía Trái đất - Ảnh 5.

Các cơ quan vũ trụ trên toàn thế giới đã và đang nghiên cứu những biện pháp khả thi để làm chệch hướng những tiểu hành tinh có nguy cơ đâm vào Trái Đất. Vào ngày 26/09/2022, một thiết bị có tên “Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi" (DART) đã được các nhà khoa học đưa ra vũ trụ với mục đích chuyển hướng tiểu hành tinh Dimorphos. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị này là sẽ đâm vào tiểu hành tinh khiến nó lệch hướng, làm thay đổi quỹ đạo bay của nó và ngăn chặn việc đâm vào Trái Đất.

Trung Quốc cho biết họ cũng đang trong giai đoạn lập kế hoạch ban đầu của sứ mệnh chuyển hướng tiểu hành tinh. Quốc gia này đang nhắm đến mục tiêu sẽ bắn ra 23 quả tên lửa hướng vào tiểu hành tinh Bennu - tiểu hành tinh sẽ bay quanh quỹ đạo Trái Đất với khoảng cách 7,4 triệu km từ năm 2175 đến năm 2199. Với kế hoạch này, Trung Quốc hy vọng sẽ có thể chuyển hướng thiên thạch và cứu hành tinh của chúng ta khỏi một “cuộc tấn công thảm khốc" xảy ra trong tương lai.