Bóng đá Nhật Bản hưởng lợi từ truyện tranh 'Captain Tsubasa'

PV  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/10/2016 04:15 PM

LĐBĐ Nhật Bản (JFA) định hướng bóng đá Nhật phát triển xoay quanh 3 vấn đề chính: Các ĐTQG, hệ thống đào tạo HLV và hệ thống phát triển cầu thủ trẻ. Bóng đá học đường nằm ở chân kiềng thứ 3 ấy.

LĐBĐ Nhật Bản (JFA) định hướng bóng đá Nhật phát triển xoay quanh 3 vấn đề chính: Các ĐTQG, hệ thống đào tạo HLV và hệ thống phát triển cầu thủ trẻ. Bóng đá học đường nằm ở chân kiềng thứ 3 ấy.

1,2 triệu người chơi bóng thường xuyên

Hình ảnh học sinh Nhật Bản chơi bóng đá mỗi cuối tuần, sau mỗi giờ học trở thành hình ảnh quen thuộc ở xứ sở hoa anh đào. Các em học sinh có thể tham gia tập luyện ở các đội bóng của trường tiểu học, các đội bóng địa phương, các CLB thể thao cấp cơ sở hay thậm chí xin vào tập luyện tại các trung tâm huấn luyện của các CLB chuyên nghiệp. Các em được tham dự miễn là đóng một khoản chi phí nhỏ, với trường học thì hoàn toàn miễn phí và JFA quản lý chặt chẽ những CLB này.

Các giải bóng đá của Nhật Bản diễn ra quanh năm, từ lứa U4 đến U18 đều có giải đấu riêng, trong đó U12, U16 và U18 là quan trọng nhất với các cầu thủ trẻ muốn theo nghiệp quần đùi áo số. Sự kiện được trông chờ nhất với học sinh Nhật Bản là giải đấu dành cho các trường cấp 3 “All Japan High School Soccer Tournament”. Giải đấu với quy mô toàn quốc, được truyền hình trực tiếp, được tất cả các lứa học sinh mong chờ và kỳ vọng còn lớn hơn J-League. Quan trọng hơn cả, các trường cấp 3 của Nhật Bản có trình độ rất cao, thậm chí họ sẵn sàng tham dự các cuộc đối đầu với các đội trẻ của những CLB tại J-League.

Nhiều người nói rằng bộ truyện “Captain Tsubasa” đã thay đổi bóng đá Nhật Bản. Điều đó có thể đúng nếu nhìn vào số lượng người Nhật Bản chơi bóng tại các đội bóng thuộc trường học, địa phương hay CLB chuyên nghiệp với mật độ thường xuyên. Theo thống kê của JFA, năm 1980, số người chơi bóng tại Nhật là khoảng 300.000 người, 1 năm sau bộ truyện “Captain Tsubasa” ra mắt công chúng và chỉ cần 4 năm sau số lượng người chơi bóng tại Nhật đã tăng gấp đôi và đến hiện tại con số ấy đã là khoảng 1,2 triệu người.

Số lượng học sinh từ cấp tiểu học lên cấp 3 chiếm khoảng 3/4 trong số đấy. Từ con số ấy, các ĐTQG trẻ của Nhật có một nguồn cung dồi dào tài năng mà không cần quá phụ thuộc và các lò đào tạo của các CLB trên toàn quốc.

Vai trò của các trường học

Thủ môn dự bị Hiro Sue thuộc đội bóng trường cấp 3 Aomori Yamada. Tiền vệ Teruki Hara thuộc trường cấp 3 Municipal Funabashi. Và Yuto Iwasaki, người ghi bàn ấn định chiến thắng 4-0 trước U19 Tajikistan, đang khoác áo trường cấp 3 Kyoto Tachibana. Đó là 3 cái tên đang thi đấu cho U19 Nhật Bản và thuộc biên chế các đội bóng của trường cấp 3.

Teruki Hara đã có 46 trận đấu cho trường Municipal Funabashi, thuộc tỉnh Chiba, và đã xuất hiện danh tính trên định giá chuyển nhượng cầu thủ transfermarkt.com. Trường cấp 3 của Teruki từng thủ hòa 1-1 U18 FC Tokyo, đội trẻ của CLB chuyên nghiệp đang chơi tại J-League 1 trong một trận đấu với tháng 7 vừa qua.

Teruki, Hiro hay Yuto đều nhận một khoản hỗ trợ từ trường cấp 3 cho việc thi đấu bóng đá. Dù gia cảnh ra sao, họ vẫn học văn hóa nhưng thi đấu bóng đá và đem danh tiếng về cho trường như cách lọt vào đội U19 Nhật Bản mới là nhiệm vụ chính của họ.

Việc một đội bóng thuộc trường học hay CLB địa phương có thể thu hút số lượng nhà tài trợ lên đến hơn 50 đơn vị là kết quả từ mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp. Từ một việc nhỏ như cách gọi tên, ở tất cả CLB của Nhật Bản, họ gọi người dân địa phương là “những người ủng hộ đội bóng” chứ không phải “người hâm mộ”, bên cạnh đó việc có nhiều cầu thủ địa phương trong đội lại là điều giúp tăng giá trị đội bóng nhiều hơn. Chính điều này thu hút thêm trẻ em Nhật chơi bóng và tham gia các CLB địa phương hoặc trường học.

(Theo Thể Thao & Văn Hóa)