Bốn tay cầm tệ hại nhất lịch sử, sờ vào là hết muốn chơi game

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 13/03/2017 05:45 PM

Những chiếc tay cầm xấu ma chê quỷ hờn, hay thực tế hơn một chút là các nhà phát triển đã không nghĩ thông suốt khi tạo ra những thiết bị như thế này

Chiếc tay cầm chơi game không gì khác hơn chính là thứ kết nối chúng ta với thế giới game muôn màu. Không có những chiếc tay cầm trên các hệ máy console, bạn sẽ chẳng thế nào điều khiển được nhân vật trong game. Trong quá khứ, các hãng game đã có hàng chục năm cải tiến, nâng cấp, nghiên cứu và sản xuất ra những mẫu tay cầm chơi game được đánh giá là ấn tượng nhất mọi thời đại.

Bản thân những hãng sản xuất phần cứng như Nintendo, Sony hay Sega thuở trước cũng đầu tư rất mạnh, không chỉ để tạo ra những cỗ máy sở hữu sức mạnh phần cứng khủng xét theo từng thời kỳ, mà còn là những chiếc tay cầm đủ thoải mái và tiện lợi để chiến game mà không bị đau tay hay khó chịu khi sử dụng trong thời gian dài. Bạn có thể đọc lại bài viết này để biết những chiếc tay cầm nào được vinh danh trong lịch sử: Những chiếc tay cầm chơi game tốt nhất trong lịch sử.

Thế nhưng vẫn còn đó những thất bại của phòng thí nghiệm, những chiếc tay cầm xấu ma chê quỷ hờn, hay thực tế hơn một chút là các nhà phát triển đã không nghĩ thông suốt khi tạo ra những thiết bị như thế này, từ đó biến trải nghiệm chơi game của nhiều người trở thành cơn ác mộng không hơn không kém. Và dưới đây là 4 trong số những cái tên xứng đáng được nêu danh nhất:

Tay cầm to như cuốn sách của Wii U

Trải nghiệm hai màn hình của Nintendo DS là một trong những thứ sáng tạo nhất mà Nintendo từng tạo ra và đem tới cộng đồng game thủ. Thế nhưng đưa trải nghiệm đó lên một chiếc máy chơi game console lại là một cơn ác mộng không hồi kết khi mọi thứ đều to ra, nặng hơn và không hề có tính đột phá nào hết. Có lẽ những kỹ sư tại Nintendo R&D đã hơi nóng vội khi giới thiệu sản phẩm này ra thị trường.

Công bằng mà nói thì bạn có thể ngồi ở phòng ngủ, ở một góc nhà nào đó để chơi game mà không phải dán mắt lên màn hình TV. Nhưng chiếc tay cầm này khiến tay bạn đau nhức âm ỉ, chưa kể thiết kế của nó thực sự quá xấu xí, không giống bất cứ thứ gì mà Nintendo từng tạo ra cả.

Nút Analog của PSP

Tôi không phủ nhận, PSP là một chiếc máy rất tuyệt. Nó có Metal Gear Solid Peace Walker, có Crisis Core Final Fantasy VII, có quá nhiều siêu phẩm mà Nintendo DS có nằm mơ cũng chẳng thể nào có được. Dù bán được ít hơn Nintendo DS, nhưng người Việt Nam, vốn thần tượng PlayStation, vẫn đặt PSP ở một vị trí vô cùng trang trọng trong ký ức chơi game của họ.

Nói như vậy không có nghĩa PSP là một chiếc máy thập toàn. Nó có một nhược điểm mà đến bây giờ vẫn bị lôi ra chê bai: Núm Analog tròn nhỏ ở góc dưới máy. Sử dụng hệ thống trượt rất dễ hỏng hóc và bám bụi, đặc biệt là tại một đất nước khí hậu như Việt Nam, số lượng những chiếc PSP bị hỏng hóc hệ thống analog là nhiều vô kể. Ấy là chưa kể đến vị trí rất dễ khiến ngón cái của bạn đau nhức và mỏi mệt vì không được đặt ở vị trí tự nhiên như bình thường mà phải... quặt xuống phía dưới để điều khiển nhân vật trong game trong khoảng thời gian rất dài.

Tay cầm "công tước" của Xbox

Vì sao lại gọi nó là "công tước"? Rất đơn giản, mẫu controller có tên mã Controller O này của Xbox có dáng vẻ vừa to vừa dày vừa nặng nề, nói chung là mọi thứ xấu xí đều quy tụ lại ở chiếc tay cầm mà Microsoft dày công phát triển này. Cũng có thể, họ nghĩ rằng mục tiêu khách hàng là những người trưởng thành, nhưng kể cả như vậy cũng không có nghĩa ai mua Xbox của Microsoft cũng có bàn tay to như cái xẻng để chơi game bằng chiếc tay cầm khổng lồ này.

May thay, chỉ một năm sau, Xbox đã cho ra mắt Controller S. Dù nó vẫn to nhưng thiết kế đã cực kỳ vừa vặn với bàn tay con người, và chính chiếc tay cầm phiên bản mới về sau này là tiền đề để Xbox tạo ra tay cầm của Xbox 360 và Xbox One, hai sản phẩm rất được yêu mến xét trên khía cạnh thiết kế mỹ thuật công nghiệp và sự thoải mái trong quá trình chơi game.

Găng tay chơi game trên NES

Ba mươi năm sau nhìn lại, phải khẳng định rằng NES quá tuyệt vời. Cái gì Nintendo tạo ra cho NES cũng hoạt động một cách hết sức ấn tượng, từ khẩu súng Zapper, cho đến ổ đĩa mềm chứa được những tựa game có dung lượng lớn hơn dù chúng chỉ được tung ra ở thị trường Nhật Bản. Tất cả mọi thứ, trừ cái này:

Trông thì có vẻ giống như một món đồ chơi đến từ tương lai, nhưng thực tế mà nói thì những trò chơi mà Power Glove tương thích thực sự quá ít ỏi. Nintendo không có lỗi trong việc tạo ra sản phẩm này, vì xét đến khía cạnh công nghệ, nó đi trước thời đại quá xa. Nhưng đôi lúc đi trước quá xa cũng lại là một chiến lược sai lầm, giống những dịch vụ chơi game thông qua điện toán đám mây hồi những năm cuối thập niên 2000 vậy.