- Theo Trí Thức Trẻ | 24/09/2016 0:00 AM
20 năm về trước, ngày mà nhiều game thủ Việt của thời điểm hiện tại mới chào đời, thì đã có không ít 8x, 9x đã bắt đầu làm quen với game, bắt đầu cuộc hành trình của bản thân với game. Trong bài viết trước, chúng ta đã được bước lên cỗ máy thời gian của Doraemon, trở về quá khứ của 10 năm trước, thời kỳ game online mới bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim kéo dài trong nhiều năm trước khi bị trào lưu webgame "mỳ ăn liền" soán ngôi.
Đó cũng là thời kỳ tươi đẹp của không ít những game thủ với hàng loạt những game trên nền PlayStation 2 như Final Fantasy hay Onimusha, ấy là chưa kể series bóng đá đến từ Nhật Bản mang tên Winning Eleven... Tuy nhiên, 2006 vẫn chưa phải là thời điểm hoàng kim thật sự của cộng đồng game thủ Việt, cũng như khó có thể lấy mốc thời gian của thế kỷ XXI này để đánh giá sự phát triển của thị trường game tại nước nhà.
Lấy ví dụ, cỗ máy chơi game NES của Nintendo đã ra đời từ năm 1985. Vậy thì ở thời điểm năm 1996, nghĩa là 20 năm về trước, những món đồ chơi nào đủ sức khẳng định "vị thế hot boy" của một game thủ Việt thời kỳ game bắt đầu xâm nhập dải đất hình chữ S?
Đầu tiên dĩ nhiên là cỗ máy NES rồi. Vào thời điểm đó, nhiều gia đình có người nhà đi xuất khẩu lao động tại các quốc gia Đông Âu, và bên cạnh những món quà như ô tô đồ chơi, lật đật, búp bê Matryoska, không ít gia đình có điều kiện đã mua cho con cái của họ những cỗ máy chơi game như NES, SNES về để cho chúng (trong đó có cả chúng tôi) trải nghiệm thay vì ra đường đá bóng nhựa, bắn bi và chơi cù...
Lúc đó trong khu tập thể, thông tin bay nhanh như gió. Chỉ cần có một cậu bé "bị" hàng xóm biết là có "điện tử 4 nút", mặc định chúng tôi sẽ coi cậu bé đó là "người nổi tiếng" của xóm, vì thời đó đã làm gì có khái niệm hot boy đâu, và ngày ngày kiếm cớ sang chơi nhà để được chơi chung game, từ Mario Bros đến Contra, dù thời đó cũng chỉ biết nhảy nhót và bắn những tên địch chứ chưa đủ khả năng né tránh những viên đạn bay ngập bản đồ.
Xịn hơn một chút là SNES với những cái tên như "Đua xe Harley" hay "Bomberman", cho phép nhiều người cùng chơi vô cùng vui nhộn. Vẫn nhớ ngày ấy, khí hậu ẩm, nhiều bụi, đôi khi băng lắp vào máy không chạy, và chúng tôi phải... thổi vào băng để bay lớp bụi đó đi rồi cầu nguyện tựa game có thể được khởi động. Thế nhưng đầu óc non nớt thời bấy giờ thì làm gì có ý niệm "thổi bụi", mà chỉ biết thổi băng sẽ chơi được mà thôi.
Rồi những nơi đầu tiên đem điện tử xèng về Việt Nam. Những địa điểm vui chơi nổi tiếng như Ngôi Sao Xanh ở cạnh công viên Thống Nhất, hay những siêu thị và trung tâm giải trí như Hanoi Star Bowl cũng đem những cỗ máy đồ sộ, âm thanh vui tai và cực kỳ cuốn hút chúng tôi dù trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ, đủ mua 2 3 đồng xèng để chơi game...
Quán game cũng bắt đầu mọc lên. Những chiếc máy Nintendo SNES hay Sega Saturn thời đó là hút khách nhất. Những anh lớn mới được chơi PlayStation, mà thời đó thì PlayStation cũng chỉ loanh quanh Winning Eleven 3. Phải quán game cực khủng, cực kỳ chịu chơi mới dám đưa cỗ máy màu xám đẹp long lanh về quán của mình phục vụ khách hàng.
Thời đó quán game máy tính vẫn là thứ vô cùng xa lạ, và chúng tôi làm quen với máy chơi game console từ lúc đó. Giờ đây nhìn lại vẫn phải "cám ơn" các ông chủ hàng game, vì nếu không có họ, thì giống như nhiều game thủ trẻ tuổi ngày nay, chúng tôi có thể đã bỏ lỡ một thời kỳ hoàng kim của thế giới game, khi game không đẹp nhưng lại cực kỳ cuốn hút...
Rồi sau đó là độ tuổi đến trường. Trước giờ vào lớp ra quán game vừa ăn sáng, vừa làm vài đường cơ bản trong Rambo Lùn, nhưng không phải vì thế mà "cơn thèm game" của chúng tôi tạm nguôi ngoai. Có cả đống những trò chơi khác. Hẳn các bạn vẫn còn nhớ những cỗ máy "9999 in 1" màu vàng óng ả lắp pin Con Thỏ chứ? Đó gần như là chiếc máy duy nhất chúng tôi có thể đem theo người và chơi mọi lúc mọi nơi.
Và rồi một ngày, một cậu bé trong lớp mang đến trường chiếc máy trông rất lạ. Cũng là máy điện tử cầm tay, nhưng sao nó lại nhỏ gọn và đẹp hơn nhiều mấy chiếc máy vàng vàng chơi game xếp hình (mà mãi về sau chúng tôi mới biết tên của trò chơi huyền thoại đó là Tetris), ấy vậy lại còn chơi được cả Mario và Pokemon, những thứ chúng tôi phải về nhà ngồi lỳ trước màn hình TV mới có thể chơi. Về sau mới biết nó có tên gọi GameBoy.
Và ở thời điểm đó, chúng tôi lại biết đến một món đồ chơi mới, xa xỉ hơn, cao cấp hơn nhưng mặc định cũng cuốn hút hơn... Nhưng mỗi lần nhớ lại tuổi thơ dữ dội, ai cũng sẽ bồi hồi, nghẹn ngào khi được nhìn lại những món đồ chơi từng đi theo họ suốt quãng thiếu thời tươi đẹp và ngây thơ, trong sáng.