Theo Trí Thức Trẻ | 22/05/2018 11:36 AM
"Phim đen" - hay "porn" - dù hợp pháp hay không thì vẫn luôn bị mọi người coi là điều cực kỳ nhạy cảm theo hướng tiêu cực. Thậm chí, có nơi còn coi phim đen là nguồn gốc của mọi tệ nạn xã hội, là hiểm họa cho sức khỏe của công chúng - như bang Utah (Mỹ) chẳng hạn.
Nhưng liệu có thực sự là như vậy không? BBC Future đã thử tổng kết lại một số nghiên cứu, để xem các tác hại của "phim 18+" đến cơ thể là như thế nào.
1. Xem phim đen khiến hứng thú ngày càng giảm?
Theo nghiên cứu năm 2014 từ Viện Max Planck (Đức), thì phần não bộ có liên hệ với khoái cảm sẽ thu nhỏ lại khi xem phim đen.
Qua một thử nghiệm, các chuyên gia nhận thấy rằng phần vân não - vốn chính là phần tạo ra cảm giác thỏa mãn - ở những người xem nhiều phim đen có kích thước nhỏ hơn.
Điều này có nghĩa là những người này phải xem nhiều hình ảnh kích thích hơn mới có cảm giác hứng thú. Hay nói cách khác, sự hứng thú của họ trong tình dục không dễ dàng tìm lại được.
Kết luận: Chính xác
2. Xem phim đen = Đời sống tình dục gặp rắc rối?
Phim đen từ lâu đã bị buộc tội là có thể gây trở ngại cho "chuyện ấy" của các cặp đôi. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đàn ông nếu xem nhiều thứ văn hóa phẩm này dường như ít có cảm giác hứng thú với "người thật" hơn.
Nhưng lưu ý, điều này đối với phụ nữ thì hoàn toàn ngược lại. Có thể lý do là vì phụ nữ thường xem phim cùng người mình yêu, và nhờ vậy họ cảm thấy gắn bó hơn.
Kết luận: Đúng nhưng không hoàn toàn chính xác với nữ giới.
3. Phim đen gây nghiện như ma túy?
Trong số những hệ quả xấu của việc xem phim đen, thì "nghiện" luôn được liệt vào tác hại hàng đầu.
Với những người xem nhiều phim đen, họ có thể mắc hội chứng Hành vi Tình dục cưỡng bức (CSB). Đây là hội chứng bị ám ảnh với các suy nghĩ và hành vi tình dục, có thể gây ra tác động tiêu cực đến công việc, quan hệ tình cảm và những khía cạnh khác trong đời sống.
Thậm chí, ĐH Cambridge còn từng ví việc nghiện phim đen cũng giống như nghiện ma túy, vì cả 2 đều có cơ chế kích hoạt não bộ giống nhau.
Nhưng dù vậy, các bằng chứng để củng cố cho nghiên cứu của ĐH Cambridge vẫn còn rất lỏng lẻo, chưa thực sự rõ ràng. Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa rõ chúng ta có thể thực sự "nghiện" xem phim đen hay không.
Kết luận: Không hoàn toàn chính xác.