- Theo Trí Thức Trẻ | 16/05/2017 04:14 PM
Nếu bạn có cơ hội tham gia vào server Minecraft có tên Autcraft, bạn sẽ chỉ phải tuân theo ba quy tắc: Không được bắt nạt người chơi khác, không được chê bai người chơi khác, và không được ăn cắp. Server này đơn thuần chỉ là một server Minecraft ở chế độ sinh tồn như biết bao server khác, thế nhưng đối tượng game thủ mà server này phục vụ, lẫn những người quản lý nó mới là câu chuyện đáng ngưỡng mộ.
Nó gần như là nơi thanh bình nhất trong thế giới của Minecraft: Một cộng đồng riêng, được xây dựng dành riêng cho những cô bé, cậu bé mắc chứng tự kỷ, dành cho gia đình, dành cho bạn bè của chúng nữa. Và đó là công sức của Stuart Duncan, một ông bố từng là nhà phát triển web, nhưng sau đó bỏ việc ở nhà chỉ để chiều lòng đứa con mắc tự kỷ.
Chính Duncan là người quản lý mọi việc diễn ra trong server: "Trong hai năm đầu tiên, cứ 1 tuần tôi lại nói chuyện với hai đứa trẻ có biểu hiện muốn tự tử. Và rồi ý định giúp đỡ người khác của tôi bắt đầu ảnh hưởng đến công việc. Rồi tôi gặp cấp trên của mình và nảy ra ý nghĩ, rằng những đứa trẻ này cần đến tôi." Thế rồi Autcraft hiện diện như một nơi giúp đỡ những đứa trẻ chẳng may mắc phải hội chứng rối loạn phát triển này.
Và thế là, anh bỏ cả việc về hoạt động server Autcraft. Dĩ nhiên thu nhập cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, và Duncan phải dựa vào chính nguồn hỗ trợ của cộng đồng trên Patreon cũng như việc bán những perk ảo trong server, giúp những game thủ nhí chơi game tiện lợi nhất có thể. Đối với những đứa trẻ mắc tự kỷ, chúng gần như chỉ có mỗi chỗ này để thưởng thức game, để tương tác và giao lưu với những cô bé, cậu bé khác.
Trong server, những điểm nhấn quá quen thuộc trong những câu chuyện cổ tích hay khoa học viễn tưởng: Căn lâu đài đồ sộ trong Alice in Wonderland, một trạm vũ trụ trên bầu trời... Đầy những chi tiết vui tươi, những khuôn mặt cười khiến người chơi cảm thấy ấm áp.
"Khi bạn gia nhập server, sẽ có khoảng 30 người chào đón bạn và mời bạn dạo một vòng quanh server game. Họ sẽ xuất hiện và cho bạn nhiều món đồ giúp bạn sinh tồn trong game. Bạn sẽ thấy cả những câu chat nơi những cô bé cậu bé gọi mẹ nhờ xây dựng giúp một công trình nào đó. Tất cả đều vì những đứa trẻ trong game đều đã từng bị trêu chọc ngoài đời thực. Chúng hiểu cảm giác bị cô lập, và chúng muốn những đứa trẻ giống chúng không phải chịu những thiệt thòi, nên ai cũng muốn giúp đỡ nhau trong game."
Duncan biết cậu con trai đầu lòng mắc tự kỷ khi thấy cậu bé cố gắng tự ngồi dậy lần đầu tiên trong đời. Những khó khăn trong vận động đã khiến cậu bé có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng khi chơi game đua xe Mario Kart AI, cậu bé lại chẳng có chút khó khăn gì. Thế rồi cả gia đình nhỏ bắt đầu chơi game cùng nhau, ngày nào cũng vào Minecraft để chơi. Hàng đêm, Duncan vào game, xây dựng thêm những chi tiết mới cho căn nhà trong thế giới ảo của anh và các con. Khi những đứa trẻ đi học về, chúng lại nghĩ ra những ý tưởng riêng để mở rộng thế giới ảo. Đến năm 2013, sau khi trò chuyện với những bậc phụ huynh khác cũng có con mắc tự kỷ, anh quyết định mở server Autcraft để phục vụ những đứa trẻ.
Có quá nhiều lý do khiến những cô bé cậu bé bị cuốn vào Minecraft, nhưng quan trọng hơn cả, xu hướng game này đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh cũng làm quen với game để gần gũi con cái hơn. Đó chẳng phải là điều quá tuyệt vời hay sao?
Bản thân Duncan cũng lớn lên với những tựa game, vì thế anh cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc điều khiển nhân vật bước vào thế giới ảo. Nhưng khi nói đến Minecraft, anh khâm phục nó, vì nó cho phép anh gần gũi với con mình hơn nhiều. Khi ấy anh không nghĩ mình là một người phải chăm sóc cho hai đứa con, mà là một người cha đích thực.
Những ông bố, bà mẹ có con cái đang phải chiến đấu với hội chứng tự kỷ chắc chắn sẽ chẳng lạ gì những khó khăn ập tới để dìu dắt những đứa trẻ phát triển một cách bình thường nhất, thế nhưng với game, rõ ràng họ có được một công cụ để kết nối, chia sẻ và giúp đỡ con cái mình. Và trường hợp của Duncan rõ ràng là một thứ đáng nể phục vì dám bỏ tất cả để chăm lo cho tương lai của những đứa trẻ.