BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3)

Lê Minh Hưng  - Theo Helino | 21/01/2019 11:25 AM

Có vẻ như kỷ nguyên sát nhập với EA cũng không đến nỗi tồi...

Kỉ nguyên rực rỡ

Mối quan hệ giữa Microsoft và BioWare có vẻ như khá tốt thời kì tiền Electronic Arts (EA), khi mà sau thành công của Jade Empire, cha đẻ của Xbox tiếp tục tin tưởng phát hành tiếp một tựa game khác của nhà phát triển Canada cho Xbox 360. Sản phẩm đó không gì khác ngoài Mass Effect.

BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3) - Ảnh 1.

Mass Effect

Để nói về sức ảnh hưởng của hành trình giải cứu thiên hà của Commander Shepard có lẽ cần nhiều hơn một ngày. Mass Effect không chỉ đơn thuần là một tựa game hành động nhập vai; nó là chương đầu tiên trong thiên sử thi tầm vóc thiên hà của BioWare. Chạy trên nền Unreal Engine 3, tựa game là cột mốc đáng nhớ đưa cái tên BioWare lên một tầm cao mới với dàn nhân vật thú vị, cốt truyện hoành tráng và lồng tiếng xuất sắc. Bỏ qua những bất cập về lối chơi hành động bắn súng, thì Mass Effect, nói một cách đơn giản, là bước đầu tiên đưa BioWare chạm tới những vì sao.

Nếu như Mass Effect là câu truyện về khoa học viễn tưởng, thì Dragon Age: Origins lại hướng tới những yếu tố ngược lại. Một thế giới trung cổ với yêu tinh, người lùn và con người hợp lực chống lại tận thế, Dragon Age: Origins là tất cả những gì người yêu mến những câu chuyện sặc mùi fantasy của J.R.R. Tolkien hay George R.R. Martin có thể mong đợi. Và Dragon Age: Origins làm còn hơn thế nữa.

BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3) - Ảnh 2.

Dragon Age: Origins

Được phát hành năm 2009 cho Microsoft Windows, MAC OS X, Playstation 3 và Xbox 360, Dragon Age: Origins ngay lập tức trở thành một sản phẩm nhập vai kinh điển với cơn mưa lời khen từ giới phê bình và game thủ thông thường. Ngay cả bản mở rộng Awakening ra mắt một năm sau cũng được coi là một tuyệt tác nhập vai, dù rằng có vài ý kiến chê bai cốt truyện chính hơi đáng thất vọng. Nhưng với doanh số 3.2 triệu bản và điểm số 91/100 trên Metacritic, tương lai của thương hiệu Dragon Age có vẻ như đã được bảo toàn, nhất là trong tay một nhà phát triển như BioWare.

Đỉnh cao của thời kì này đến từ Mass Effect 2 – được nhiều chuyên gia coi là một trong những tựa game xuất sắc nhất từ trước đến giờ. Năm 2010, thế giới phát cuồng vì Mass Effect 2. Commander Shepard hay nhân vật đồng hành như người ngoài hành tinh Garrus trở thành những nhân vật biểu tượng cho ngành công nghiệp game. Mọi thứ liên quan đến phần hậu truyện được tung hô hết lời, và đó là điều dễ hiểu. Mass Effect 2 là một trong số ít những game có điểm số 96/100 trên Metacritic, với những lời khen có cánh cho hành trình tìm diệt The Collector của Commander Shepard. Bản mở rộng Lair of the Shadow Broker thậm chí còn được đề cử cho DLC xuất sắc nhất tại Spike Game Awards 2010 và chỉ chịu thua mỗi Red Dead Redemption: Undead Nightmare.

BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3) - Ảnh 3.

Mass Effect 2

Làm việc dưới trướng EA có vẻ cũng không đến nỗi tồi.

Những vấn đề đầu tiên

BioWare thời điểm ra mắt Mass Effect 2 được coi là bảo chứng cho chất lượng của mọi tựa game. Ngoại trừ Sonic Chronicles: The Dark Brotherhood năm 2008 vốn được phát triển cho hệ máy cầm tay Nintendo DS – một lĩnh vực BioWare lần đầu dấn thân, thì mọi tựa game của hãng đều gần như chắc chắn có chất lượng thuộc hàng xuất sắc.

Ấy là cho đến khi Dragon Age II ra mắt hồi tháng ba năm 2011.

BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3) - Ảnh 4.

Dragon Age II

Dragon Age II là một sản phẩm khá thú vị. Nó là cải tiến trên nhiều phương diện của Origins, nhưng đồng thời cũng là phiên bản gây chia rẽ cộng đồng game thế giới. Khen có, và chê thì cũng không thiếu. Chưa có một tựa game nào của BioWare nhận được phản hồi tiêu cực như Dragon Age II, chủ yếu đến từ việc loại bỏ góc nhìn chiến thuật, quá nhiều thiết kế môi trường lặp lại và nhiệm vụ nhàm chán. Sau Origins và đặc biệt là Mass Effect 2, không một ai có thể nghĩ rằng một tựa game đến từ BioWare có thể có chất lượng thiếu đồng đều như vậy. Nhưng tại sao?

Câu trả lời đơn giản nhất đó là Dragon Age II là nạn nhân của việc phát triển game vội vàng. Dragon Age: Origins được thai nghén từ tận 2002 cho tới 2009 mới được phát hành, trong khi Dragon Age II chỉ mất hai năm để được ra mắt. Có vẻ như để bắt kịp độ nổi tiếng của Origins trước khi nó nguội mất, EA đã buộc BioWare phải hoàn thành game trong một khoảng thời gian quá ngắn cho một sản phẩm đồ sộ như Dragon Age II.

BioWare – Những nốt thăng và trầm trong một bản nhạc kéo dài hơn hai thập kỉ (P3) - Ảnh 5.

Star Wars: The Old Republic

Tháng 12 cùng năm đó, EA cho ra mắt Star Wars: The Old Republic với nhà phát triển không ai khác ngoài BioWare. Dù rằng The Old Republic không phải là một tựa game MMO tồi; nó thực ra được đón nhận một cách khá nồng nhiều cả về giá trị thương mại lẫn nghệ thuật, nhưng người ta đã bắt đầu thấy được sự bận rộn trong lịch trình của BioWare. Từ 2007 cho đến tận thời điểm ra mắt của The Old Republic, BioWare luôn ra mắt game. Điều này dẫn đến một số vấn đề.

Ai cũng biết BioWare đã trở nên lớn mạnh tới mức nhân sự có lúc lên tới 800 người (số liệu năm 2010), nhưng việc cho ra mắt game quá thường xuyên đã không cho nhà phát triển này cơ hội hoàn thiện sản phẩm của mình. Bằng chứng là Dragon Age II – một tựa game nửa nạc nửa mỡ mà đến sau này chính BioWare cũng phải thừa nhận những sai lầm của mình trong quá trình phát triển.

Và năm 2012 chúng ta chào đón Mass Effect 3.

(Còn tiếp…)