Tri Thức Trẻ | 15/01/2021 10:20 PM
Mỗi lần gặp đối tượng phỏng vấn, Giáo sư Hoàng Cảnh Xuân - chuyên gia nghiên cứu phong tục dân gian tại Đại học Thượng Hải, Trung Quốc - đều hỏi: "Vì sao phải làm âm hôn, không làm không được sao?"
Người được hỏi thường trả lời: "Không làm không được, chỉ sợ không có tiền làm thôi, cho dù không mua được thi thể, cũng phải dùng quần áo làm thành hình nhân, viết tên lên rồi hợp táng, vai trò của âm hôn là an ủi người chết, cũng là an ủi người sống."
Lý giải theo truyền thống của người Trung Quốc, chết không phải là hết mà là đến âm phủ tiếp tục sống, cuộc sống dưới âm phủ tương tự như trên dương gian, phải tiêu tiền, phải có nhà, phải kết hôn. "Tiết Thanh minh, Đông chí, chúng ta đều đốt tiền giấy cho người thân đã qua đời, nhiều địa phương hiện nay đã cấm đốt vàng mã, nhưng người dân vẫn lén lút đốt." - Giáo sư Hoàng Cảnh Xuân nói.
Không chỉ có người Trung Quốc, người gốc Hoa ở một số quốc gia khác cũng có tập tục âm hôn giống như vậy. Đặng Quốc Cơ - nhà nhân loại học người Singapore - cho biết: "Đến những năm 1960, âm hôn vẫn còn xuất hiện tại Singapore."
Show trình diễn thời trang về âm hôn ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 2014
Đại đa số nhà nghiên cứu cho rằng âm hôn đã xuất hiện từ hơn 3.000 năm trước dưới thời Thương Chu. Việc nghiên cứu nguồn gốc âm hôn gặp nhiều khó khăn do có ít sử sách chép lại, tư liệu dân gian cũng vô cùng hiếm.
"Rất khó biết được ai đã làm âm hôn, người từng tham dự đám cưới ma đối với các nhà nghiên cứu nhân loại học 'thích đào bới chuyện của người khác' rất cảnh giác, kín miệng như bưng, không muốn tiết lộ chuyện này ra ngoài." - Đặng Quốc Cơ nói.
"Người nghiên cứu về âm hôn cũng rất ít, suy cho cùng âm hôn vẫn là 1 chuyện nhạy cảm, nghiên cứu xong viết báo cáo thế nào cho khéo léo cũng là 1 vấn đề nan giải." - Giáo sư Hoàng Cảnh Xuân nhận xét.
Hiện trường thực tế nghi thức hợp táng của âm hôn tại Tuyên Hóa, Hà Bắc (Trung Quốc)
Các nhà nghiên cứu đều có cái nhìn ôn hòa đối với âm hôn, họ lên án những tội ác liên quan đến âm hôn, nhưng đối với tập tục này không có chỉ trích gì nhiều, họ cũng chỉ ra mối liên hệ sâu sắc giữa nó và luân lý truyền thống Trung Quốc.
"Mặc dù trên Internet, mọi người thường phê phán âm hôn là hủ tục phong kiến lạc hậu, nhưng cá nhân tôi cho rằng, chỉ cần không làm hại đến người sống thì cũng không sao cả." - Đặng Quốc cơ chia sẻ với báo giới.
Hoàng Thạch - nhà nghiên cứu phong tục dân gian thời kỳ Dân quốc của Trung Quốc - cho rằng âm hôn thịnh hành chủ yếu do 4 nguyên nhân sau: "Làm cho cha mẹ của cô dâu - chú rể 'ma' nhẹ lòng hơn trước cái chết của con cái; chỉ có kết hôn mới có thể nhập vào gia tiên, trở thành 1 thành viên trong gia tộc; sợ con trẻ chưa kết hôn mà đã qua đời, mang tiếc nuối quay về quấy phá gia đình; mượn danh minh hôn để gây dựng quan hệ với gia đình khác (thường là gia đình giàu có)."
Giáo sư Hoàng Cảnh Xuân cũng cùng quan điểm với Hoàng Thạch, ông cho rằng: "Mọi người ai cũng cần được an ủi."
Hình minh họa
Con trai duy nhất của bà Đinh Ngọc Phương qua đời năm 2005 khi mới 23 tuổi. Bà Đinh nhớ lại: "Mấy năm đầu đều mất ngủ trắng đêm, cảm giác như bầu trời sụp xuống."
Mười mấy năm qua, bà chỉ muốn tìm cho con trai dưới suối vàng 1 người bạn, không muốn để con phải trở thành "cô hồn dã quỷ" lạnh lẽo đơn độc.
Tháng 5/2016, bà Đinh tiến hành hợp táng con trai và cô gái tên H. vừa mới qua đời, rốt cục bỏ xuống được tảng đá đè nặng trong lòng bấy lâu. Ngày hợp táng, Đinh Ngọc Phương tổ chức rượu mừng ở khách sạn, "giống như người sống cưới vợ, đều là chuyện vui".
"Cô dâu" là do lãnh đạo cơ quan của Đinh Ngọc Phương giới thiệu: "Tôi và cha mẹ cô dâu bàn chuyện xong xuôi, cũng chỉ mua chút quà cảm ơn ông ấy, còn nếu nhờ người làm mai mối sẽ phải trả cho người ta mấy nghìn tệ tiền công."
Nhà nghiên cứu lịch sử âm hôn Cố Xuân Quân tiết lộ: "Đinh Ngọc Phương kể cho tôi chuyện này với tâm trạng vô cùng vui vẻ. Đối với nhà gái mà nói, con gái tử vong đương nhiên bất hạnh, nhưng cô ấy cuối cùng được 1 gia đình khác nhận về, ở thế giới bên kia cũng 'có nơi có chốn', tâm tình người nhà cũng được an ủi."
Trong lịch sử, các nhà Nho giáo lớn đều phản đối âm hôn, cho rằng âm hôn không hợp lễ tiết Nho gia. Tào Tháo từng tổ chức "đám cưới ma" cho con trai, bị Nho gia sĩ phu đương thời phản đối kịch liệt. Sau khi cưới vợ, "chú rể ma" sẽ được nhận con thừa tự từ anh em trai của mình, gia đình mới ở thế giới bên kia trở nên đầy đủ, hoàn hảo. Nhà trai, nhà gái thông qua âm hôn kết thân, quan hệ thông gia của họ so với thông gia "dương hôn" bình thường có khi còn tốt hơn gấp bội.
Hình minh họa
Người sống kết hôn còn có sính lễ, lẽ nào lại nói kết hôn là "buôn bán người"? Buôn bán thi thể là phạm pháp, nếu 2 nhà không giao dịch tiền bạc, đem 2 người xấu số kết duyên âm, rất khó để truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng thường thì nhà trai vẫn sẽ đưa sính lễ cưới "cô dâu ma" về, trên hình thức là lễ nghi, trên thực tế thì không khác "mua bán" là bao... Bởi vậy, trừ khi pháp luật Trung Quốc có văn bản cấm âm hôn một cách rõ ràng, nếu không âm hôn vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong dân gian. Âm hôn là đúng hay sai, hiện nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi chưa có hồi kết.
Những gia đình từng tổ chức âm hôn đều thể hiện thái độ phản đối đào trộm mộ, trộm xác, giết người vì âm hôn, họ cho rằng làm vậy sẽ phải "xuống địa ngục", hôn sự mà họ tổ chức đều là 2 nhà tự nguyện.
Lên mạng tìm kiếm với từ khóa "âm hôn" có thể thấy 1 số lượng lớn các vụ án trộm mộ, giết người, tập trung chủ yếu ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Bắc và Hà Nam (Trung Quốc). Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, đã là người thì phải kết hôn, có kết hôn mới có xã hội, rất nhiều người cho tới ngày nay vẫn cho rằng giá trị quan trọng nhất của con cái là kéo dài huyết mạch theo chế độ phụ hệ, phụ nữ lại càng bị lệ thuộc. Hơn nữa, người lớn trong nhà đối với con trẻ có quyền lực tuyệt đối, tạo thành thói quen ép duyên con cái, mà âm hôn cũng chính là 1 kiểu ép duyên.
"Trong xã hội hiện đại, lựa chọn ai chung sống là quyền của chúng ta, thi thể người cũng có quyền tự do cá nhân, ai ai cũng được theo đuổi hạnh phúc của chính mình, lúc sống như thế, vì sao khi chết lại bị cướp đoạt những quyền ấy?" - 1 cư dân mạng bày tỏ quan điểm.
Lễ đưa tang tại Tuyên Hóa, Hà Bắc (Trung Quốc)
Và dường như càng ngày càng có nhiều người ý thức được chuyện này: "Nếu như chết là hết, không có âm phủ, càng không có cuộc sống ở thế giới bên kia, vậy thì âm hôn trở nên vô nghĩa; còn nếu thực sự có cuộc sống khác sau khi chết, tôi cũng muốn làm 1 hồn ma tự do. Khi còn sống không muốn bị ép duyên, khi chết lại càng không muốn, cưới ai là do chính tôi quyết định, nỗi niềm luẩn quẩn trong lòng cha mẹ cho dù đau khổ cũng phải buông bỏ đi thôi, đừng có hi sinh tự do làm ma của tôi, nếu làm âm hôn cho tôi, tôi sẽ ngày ngày hiện lên quấy rầy họ." - 1 cô gái trẻ hóm hỉnh chia sẻ với phóng viên.
Âm hôn từ khi xuất hiện đã tồn tại rất nhiều vấn đề, về lý hay về tình, ủng hộ hay phản đối đều có lý lẽ rất thuyết phục, tương lai của âm hôn là phát triển rộng, bị xóa bỏ hay ngầm tồn tại vẫn cần nghiên cứu quan sát song hành 1 thời gian dài và cũng không thể bỏ qua vai trò của chính phủ Trung Quốc trong việc định đoạt tương lai của tập tục này.
Nguồn: QQ