Bi hài câu chuyện con chuột, cái bàn phím trong quán net

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/02/2017 0:00 AM

Chỉ có con chuột chơi game, cái bàn phím ngoài quán net thôi mà cũng biết bao câu chuyện xung quanh, cười có, khóc cũng không hề ít

Trong quán net, rõ ràng là chúng ta phải chơi game bằng chuột và bàn phím, chẳng khác gì tay cầm Dualshock trong những quán PS3 hay PS4, vốn là hệ máy chơi game thống trị làng game nước nhà. Luật bất thành văn, máy có thể không phải mạnh nhất, ghế ngồi có thể hơi cao hoặc hơi thấp, nhưng chuột và bàn phím giờ đây bỗng thành tiêu chuẩn mới bên cạnh không gian quán phải thoáng đãng và không cho khách hút thuốc, gây khó chịu cho những game thủ xung quanh.

Hễ chúng tôi tới thăm phòng máy nào, những ông chủ cũng hồ hởi khoe những trang thiết bị cao cấp mà họ đầu tư cho những quán net thân yêu. Những thương hiệu cao cấp nhất, được nhiều người biết đến nhất như Razer, SteelSeries, Ducky, Leopold, Logitech đều hiện diện. Bản thân game thủ thấy gear xịn, đồ khủng cũng sẽ lui tới nhiều hơn vì giờ đây làng game Việt chẳng còn là nơi Mitsumi thống trị như 10 năm về trước nữa!

Cũng vì thế mà các công ty phân phối thiết bị phần cứng cũng tập trung nhiều hơn cho các phòng máy. Nếu game thủ thường chỉ mua 1 2 món ở cửa hàng, thì các phòng máy có thể sắm tới cả trăm chiếc mỗi đơn hàng. Đó cũng là nguồn thu rất mạnh cho các công ty, đặc biệt là ở thời điểm cuộc đua cạnh tranh phòng máy chơi game đang ngày một gay gắt và khốc liệt, với những ông chủ có điều kiện muốn nâng cao chất lượng dịch vụ cho một thị trường ngày càng phát triển mạnh, đi đôi với đó là nhu cầu cũng cao hơn.

Phàm là một ông chủ phòng máy chơi game, ai cũng muốn đầu tư gear xịn, chuột ngon phím đẹp để chiều lòng cộng đồng game thủ. Lý do là giờ đây, việc chơi game không chỉ phụ thuộc vào máy xịn cấu hình khủng đủ sức cài game nặng như xưa. Xu thế eSports len lỏi vào Việt Nam với những tựa game từ Đột Kích thuở trước, cho tới CS:GO hay DOTA 2 và Liên Minh Huyền Thoại…

Những chú chuột chơi game và bàn phím rẻ tiền mà các quán net hay đầu tư trước đây đã chẳng còn phục vụ được yêu cầu khắt khe của những game eSports kể trên. Vậy là họ buộc lòng phải đầu tư mạnh tay để chiều chuộng khách hàng, những “thượng đế” khó tính của mình. Đó cũng là lúc những câu chuyện cười ra nước mắt của những ông chủ quán net của chúng ta phải chịu đựng.

Trớ trêu thay, “cha chung không ai khóc”. Không phải game thủ nào cũng có được ý thức sử dụng trang thiết bị ngoài quán game một cách đúng đắn. Trong một giây bực tức, họ có thể phá phím, đập chuột, gây thiệt hại cho chủ phòng máy, những thiệt hại không đáng có. Nhẹ thì chủ quán phải sửa lại bàn phím chuột, nặng thì họ phải mua đồ mới thay thế nếu không muốn “treo máy”. Chính vì lẽ đó, những chủ quán net luôn cực kỳ ái ngại trước những game thủ “cục súc”, có cá tính mạnh và vô ý thức, đến mức phá hỏng những thiết bị vốn không phải của họ.

Thị trường phát triển, nhu cầu được nâng cao, nhưng điều tệ hại là ý thức thì không phải đại lượng tỷ lệ thuận với số lượng game thủ Việt ngày càng đông đảo. Trong một giây bực tức, họ có thể đập hỏng luôn sensor một chú chuột đắt tiền với giá có thể lên tới cả triệu Đồng, lỡ tay gạt cốc trà đá đầy ắp vào chiếc bàn phím, hay tệ hơn là... gác điếu thuốc lá hút dở y hệt như thời kỳ bàn phím Mitsumi với rãnh để bút bi huyền thoại cùng những vệt cháy xém cứ nhìn là nhận ra ngay "à, đây là bàn phím quán net!"

Thế nhưng họ không phải là người phải chịu thiệt hại như những ông chủ quán của chúng ta. Họ có thể đòi game thủ bồi thường, nhưng không phải lúc nào những anh chàng khách hàng với thói quen tự do chủ nghĩa thái quá kia cũng có đủ khoản tiền sửa chữa hoặc thay thế chú chuột chơi game mới toanh để tiếp tục kinh doanh. Thiệt hại, quanh đi quẩn lại, vẫn là những người làm phòng máy phải chịu cho những lỗi lầm rõ ràng không phải của họ.

Vẫn có những thứ tệ hại hơn việc làm hỏng hóc thiết bị. Đó chính là thói ăn cắp vặt của một bộ phận thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay. "Đói ăn vụng, túng làm liều", đã có không ít những ông chủ phòng máy chơi game, từ những quán net cỏ bình dân cho tới các phòng máy cao cấp đã phải chịu đựng tình trạng dở khóc dở cười do kẻ gian đến quán và thực hiện hành vi trộm cắp những linh kiện máy tính. Hàng loạt những vụ trộm hết sức tinh vi diễn ra tại các quán game Việt, kẻ xấu nhân lúc vắng khách đã ngồi ở góc khuất và ra tay nhanh gọn, lấy đi RAM, VGA và CPU của một vài máy xung quanh rồi chuồn êm trước khi quản lý kịp nhận ra.

Đáng ngại hơn là, chuột phím chơi game cũng không phải thứ được gạt ra khỏi danh sách. Một chú chuột chơi game cao cấp có thể bán với giá vài trăm nghìn Đồng trên các trang group mua bán trao đổi gaming gear cũ, bàn phím thậm chí còn cao hơn. Chỉ mất vài nghìn tiền ngồi máy, lợi dụng sơ hở khi camera không ở góc họ ngồi, hoặc người trông nom quán không chú ý, thì chỉ cần một cái kéo nhỏ hoặc thậm chí là cắt móng tay cũng đủ để lấy đi một hai món gaming gear rồi.

Sau đó chỉ việc ra cửa hàng sửa chữa bỏ 50 nghìn Đồng thay dây, và những kẻ trộm đầy tinh vi này đã có một món đồ chơi hoàn hảo, giữ lại dùng hay bán đi lấy tiền làm việc khác, thường đều không phải là những việc thiện lương cho lắm.

Cứ như vậy, không chỉ chiều chuộng khách hàng, những ông chủ quán net thậm chí còn phải đối mặt với biết bao nhiêu điều khó khăn, ngay cả việc bảo quản gear sao cho chúng hoạt động tốt nhất cũng là một công việc quá đỗi mệt mỏi khi không phải ai cũng có đủ ý thức sử dụng những trang thiết bị công cộng như ngoài phòng máy.