Game thủ Việt và người nước ngoài tập trung, hò hét
Ngày 18/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke, xông hơi, mát xa, quan bar, internet... đến hết tháng 3/2020.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, một số quán game, internet trên địa bàn Hà Nội vẫn mở cửa đón khách. Những quán game online này còn là nơi tụ tập của rất đông không chỉ sinh viên mà còn cả học sinh đang trong thời gian nghỉ học phòng dịch.
21h00 ngày 22/3, quán game online trên đường Khương Trung (Thanh Xuân) kéo cửa cuốn xuống một nửa. Xe máy, xe đạp điện xếp kín vỉa hè và tầng 1. Khác với không khí bên ngoài im ắng, vắng người qua lại, bên trong đèn bật sáng, khói thuốc, nói chuyện ồn ào, khiến căn phòng chừng 50m2 ngột ngạt, khó thở.
Trong phòng, các dãy máy tính kín người, lác đác vài người đeo khẩu trang. Sau khi PV ngỏ ý muốn vào chơi, nhân viên xem một hồi rồi chỉ đến máy số 23. Vừa vào đến nơi, một khách chơi bên cạnh lên tiếng: “Máy đã có người đặt, đang trên đường đến”. Tại đây, không chỉ học sinh, sinh viên mà còn phục vụ cả khách là người nước ngoài. Người này không đeo khẩu trang, vừa dùng máy tính, vừa nhâm nhi chai bia giải khát.
11h00 ngày 23/3 tại quán Monaco E-Sport Center tại phường La Khê (Hà Đông) có khoảng 10 người đang ngồi xem phim, chơi game online, đa phần đều là học sinh, sinh viên. Trong không gian chật hẹp, nhóm 5 người đang chơi game Đế chế đang hò hét nhau cùng “đánh” đối thủ.
Nhóm này nhả khói thuốc nghi ngút, màn hình sáng rực kèm theo những câu chửi thề khi chẳng may thua cuộc. Tập trung nơi đông người cơ sở này cũng không chuẩn bị cồn sát khuẩn tay cho khách.
Không phải đợi lâu, PV dễ dàng đăng ký tài khoản và nhận máy. Tùy vào cấu hình máy, giá theo giờ từ 10 - 15 nghìn đồng/giờ, còn giá gói chơi cả đêm giao động 30- 50.000 đồng (từ 23h hôm trước đến 8 giờ hôm sau). Không giống như các cửa hàng game khác đóng cửa hờ để ngụy trang, quán Monaco E-Sport Center mở cửa, người chơi ra vào tự do, nhưng không có cơ quan chức năng nào kiểm tra.
Đang chơi trò Cyber Hunter (trò chơi hành động sinh tồn), Nguyễn Văn Tr, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết: “Vẫn biết dịch bệnh đang nguy hiểm nhưng chơi game ở quán thích hơn ở nhà. Hơn nữa em thấy quán vẫn mở cửa nên cứ vào chơi”.
Phóng viên tiếp tục khảo sát một số quán game khác ở phố Thành Công, Lê Thanh Nghị, Tạ Quang Bửu (là những “phố game” tại Hà Nội) hầu hết đã đóng cửa vì dịch Covid-19, kèm theo thông báo sẽ mở trở lại vào tháng 4/2020.
Chủ hàng game bị phạt đến 10 triệu đồng nếu “chống lệnh”
Theo luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Cty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc các quán game hay các quán bar, quán karaoke vẫn hoạt động sau chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là vi phạm pháp luật.
Theo đó, chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các địa phương khác về các hoạt động kinh doanh tập trung đông người được quy định tại Điều 52, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/09/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
Việc tổ chức cá nhân vẫn phớt lờ chỉ đạo của cơ quan chức năng, tiến hành hoạt động kinh doanh vi phạm khoản 7, Điều 8 về những hành vi bị nghiêm cấm của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, điều khoản này quy định: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
“Trường hợp các cơ sở kinh doanh không tuân thủ quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì có thể bị xử lý theo điểm C khoản 4, Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt từ 5-10 triệu đồng” - luật sư Nguyên nói.