Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng

Thanh Long  Pháp Luật & Bạn Đọc | 06/09/2021 09:31 AM

Những ý tưởng về "nạng bơi" và "xe lăn" cho cá xuất hiện ngày càng nhiều trên Internet.

Nạng gỗ hoặc xe lăn, đó là cách chúng ta giúp những người khuyết tật chân đi lại được. Thế còn một con cá bị khuyết tật thì sao? Nó cũng sẽ cần một chiếc nạng hoặc "xe lăn" hỗ trợ.

Những người nuôi cá cảnh trên khắp thế giới đang thi nhau sáng tạo trong việc thiết kế ra những chiếc "xe lăn" cho thú cưng của mình – những con cá bị mắc một căn bệnh gọi là "rối loạn bong bóng" khiến chúng không bơi được.

Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 1.
Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 2.

Bong bóng cá chính là bộ phận kiểm soát độ nổi và giữ thăng bằng cho cá khi bơi. Nếu vì một lý do nào đó (bị nhiễm trùng, ung thư hay đơn giản là táo bón) khiến bong bóng gặp vấn đề, con cá thường sẽ bị chìm xuống đáy bể và không lâu sau sẽ chết ở đó vì không thể đi lại và tìm kiếm thức ăn.

Đây vốn là một căn bệnh gây khó xử cho những người nuôi cá cảnh, bởi một con cá vàng có giá chỉ vài chục ngàn, nhưng chi phí phẫu thuật cho bệnh rối loạn bong bóng cá có thể lên tới vài triệu đồng.

Bỏ đi thì không nỡ nhưng đưa cá đi viện lại quá tốn kém. Nhiều người chơi cá đã nghĩ ra một phương pháp đơn giản với chi phí phải chăng để giúp những con cá khuyết tật này bơi trở lại: Thiết kế cho chúng một chiếc "xe lăn".

Video này được chia sẻ bởi Henry Kim, một nhà thiết kế thời trang người Hàn Quốc. Anh chàng nuôi hơn 20 con cá cảnh trong bể của mình, nhưng chẳng may có một con bị mắc bệnh rối loạn bong bóng.

"Rối loạn bong bóng khi bơi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cho cá ăn quá nhiều hoặc nước bể không sạch. Tôi thường thấy những con cá nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Trung Quốc bị mắc bệnh này", Henry nói.

Để giúp chú cá khuyết tật của mình có thể bơi trở lại, anh đã tạo ra một thiết bị nổi được ghép đơn giản từ những đoạn ống nhựa chứa không khí. Với chiếc "xe lăn" này, chú cá của Henry đã có thể bơi khá bình thường trở lại mà không bị chìm hoặc lật bụng.

Video về chú cá đáng yêu này sau đó đã nhận được hàng triệu lượt xem trên Youtube, kèm theo đó là những bình luận khen cho sự sáng tạo của Henry và độ đáng yêu của chú cá với chiếc "xe lăn" của mình.

Trước đó vào năm 2017, nhiều người dùng mạng xã hội cũng xôn xao thích thú với bức ảnh chụp một chú cá vàng dễ thương phải "đeo nạng". Trên thực tế, đó là một chiếc phao được quấn quanh lưng, cũng với mục đích giúp chú cá bị bệnh bong bóng nổi và bơi được.

Sáng kiến này là của nhân viên làm việc cho một cửa hàng cá cảnh ở Mỹ tên là Derek. Anh cho biết một khách hàng đã đem con cá đến đây để trả lại với lý do nó không bơi được.

Derek đã kiểm tra và phát hiện con cá bị bệnh bong bóng. Nhưng ngay lập tức anh nảy ra một ý tưởng. Derek cuốn lưng con cá bằng gạc y tế và treo phía trên nó một miếng xốp. Để con cá có thể lơ lửng, anh thêm vào dưới bụng nó một số đối trọng.

"Từ từ, tôi gỡ dần các mảnh phía dưới cho đến khi con cá đạt được độ nổi phù hợp và bơi được xung quanh", anh nói. Sau một vài lần cải tiến, con cá của Derek đã có được một phiên bản "nạng bơi" hoàn hảo và hoạt động lại được linh động.

Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 3.

Những ý tưởng về "nạng bơi" và "xe lăn" cho cá kể từ đó đã xuất hiện rất nhiều trên internet. Chẳng hạn như chú cá này được đeo một chiếc nạng rất đơn giản, trên thực tế đó là một chiếc nút chai rượu vang.

Giống với phiên bản "chiếc xe lăn" cho cá của Henry, dưới đây cũng là một chú cá vàng mắc bệnh bong bóng nhưng đã bơi được trở lại nhờ đeo quanh mình những chiếc ống nhựa chứa không khí.

Leighton, một công nhân người Anh, đã dành ra 3 tiếng đồng hồ để tạo ra và tinh chỉnh "chiếc xe lăn" cho phù hợp với chú cá của mình. "Con cá này của tôi đã bị ốm được 2 năm. Nhưng một ngày mới đây, nó mới chìm xuống đáy và không bơi lên được nữa. Đó là một cảnh tượng rất thương tâm. Trái tim tôi đã tan nát khi thấy nó bất lực như vậy", Leighton nói.

"Tôi muốn chế tạo một thứ gì đó giúp chú cá của mình bơi trở lại, nhưng đồng thời nó vẫn phải cảm thấy thoải mái. Mọi người cứ nói tôi bị điên, nhưng với tôi cá cũng là một thành viên trong gia đình và tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp chúng".

Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 4.

Catherine McClave, một bác sĩ thú y, nhà sinh vật biển tại The Fish Doctor cho biết ý tưởng làm ra những chiếc nạng hay xe lăn dành cho cá khá sáng tạo. Mặc dù vậy, những người nuôi cá cần phải cẩn thận trong quá trình này để tránh không làm bong vảy hoặc da cá.

"Da hay vảy là tuyến phòng thủ đầu tiên của cá. Nếu có thứ gì đó tác động lên da và khiến nó bị hở, cá rất dễ bị nhiễm trùng từ nước. Và sau đó, nó có thể chết vì nhiễm trùng toàn thân", bác sĩ McClave nói.

Đối với những con cá bị bệnh bong bóng, cô cho biết chúng vẫn nên được đem tới phòng khám thú y để được điều trị. Tùy theo từng nguyên nhân, chi phí có thể sẽ không quá đắt đỏ. Chẳng hạn, những con cá bị táo bón đơn thuần là cần chuyển sang loại thức ăn chứa nhiều chất xơ hơn thay cho thức ăn viên.

Nếu bị nhiễm trùng, cá có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Và sau đó, người nuôi cá chỉ cần vệ sinh lại toàn bộ bể của mình để đảm bảo nguồn nước sạch và giữ cho hệ miễn dịch của cá khỏe mạnh.

Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 5.
Bạn đã thấy cá chống nạng hay phải ngồi xe lăn bao giờ chưa, nếu chưa thì đây chính là chúng - Ảnh 6.

Trong trường hợp xấu nhất, khi cá của bạn bị mắc một khối u, bác sĩ McClave cho biết nó vẫn có thể được phẫu thuật nếu bạn chấp nhận một khoản chi phí tương đối. "Nhiều người vẫn sẵn sàng chi một khoản tiền không thể tin nổi cho một con cá có giá chỉ 2 đô la", cô nói.

"Nhưng bù lại thú y dành cho cá bây giờ đã đạt được nhiều bước tiến dài so với 2 thập kỷ trước. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã có thể chẩn đoán và chữa trị cho cá giống như cho chó mèo".

Cuối cùng, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, bác sĩ McClave khuyên những người nuôi cá nên cảnh giác với bệnh rối loạn bong bóng khi bơi. Họ có thể nên cho cá ăn nhiều chất xơ hơn và thường xuyên vệ sinh bể, lọc và thay nước thường xuyên. "Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo lũ cá được ngâm mình trong một môi trường sạch sẽ và lành mạnh", bác sĩ McClave nói.

Tham khảo Nerdist , Smithsonianmag , Earthporm\