Một cuộc điều tra mới đây của tờ The New York Times cho thấy Facebook đã và đang chia sẻ nhiều thông tin hơn những gì được biết đến với các đối tác bên ngoài như Amazon và Spotify, theo những thỏa thuận đặc biệt. Một số công ty được tiếp cận tới các tin nhắn riêng tư và tên của bạn bè. Tiết lộ này nằm trong luồng thông tin về việc Facebook đã không tuân thủ quy định về sử dụng dữ liệu người dùng và mối quan ngại ngày càng lớn về khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Xóa tài khoản có lẽ chỉ làm bạn thiệt thòi hơn so với ảnh hưởng tới Facebook, và thật không công bằng khi bạn tự trừng phạt mình thay vì đòi mạng xã hội này chịu trách nhiệm. Nhiều người trong số chúng ta đã dành hàng thập niên để xây dựng mạng lưới trên Facebook - các liên hệ và cộng đồng trải dài trên khắp địa cầu mà không dễ tái tạo ở nơi khác. Rời bỏ Facebook đồng nghĩa với rời bỏ hệ thống trợ giúp, cộng đồng xung quanh, quan hệ nghề nghiệp và cả bạn bè. Chắc bạn có thể hỏi lại địa chỉ email của đồng nghiệp cũ, nhưng mấy khi bạn gọi hay nhắn tin cho họ.
Ở một số quốc gia, Facebook còn trợ cấp cho cả dịch vụ di động hay Internet thì thật khó để cắt đứt quan hệ với nó. Khi mà Facebook đã trở thành hình thức liên lạc phù hợp hơn cả điện thoại hay email, con người càng khó khăn hơn khi từ bỏ tài khoản của họ nhằm phản đối các sai phạm về quyền riêng tư. Và quan trọng là, bạn rời bỏ mạng Facebook không có nghĩa là bạn cắt đứt quan hệ với công ty Facebook, việc sẽ bao gồm xóa bỏ toàn bộ các sản phẩm của nó như Instagram, Whatsapp và Messenger. Có thể việc không nhìn thấy những chú chó đáng yêu mà bạn đang theo dõi trên Instagram còn khó khăn hơn nhiều việc không phải nhìn thấy những thứ vô nghĩa trên dòng thời gian Facebook của bạn.
(Nguồn: Internet)
Facebook đã thu thập thông tin về bạn trong nhiều năm qua, kể từ khi bạn bắt đầu đăng ký sử dụng nó. Có khả năng lớn là một số dữ liệu về bạn đã được Facebook chia sẻ với nhiều đối tác khác rồi. Mà đâu chỉ mình Facebook làm chuyện này, các ứng dụng trên di động, các trang web bạn ghé thăm và công ty quảng cáo đã liên tục tích lũy thông tin về nơi bạn đến và sở thích của bạn. Xóa bỏ Facebook sẽ không khiến thông tin quay lại với bạn, mà ở lại mãi mãi trong cơ sở dữ liệu, có chăng chỉ làm giảm những gì họ thu thập tiếp theo mà thôi.
Nếu bạn muốn xóa tài khoản để gửi thông điệp tới Facebook, hãy nhớ rằng: có hơn 2,3 tỷ người dùng trên thế giới. Trong năm 2018, bất chấp với phong trào #deletefacebook, số người đăng ký vẫn tăng lên nên khi hàng trăm hay hàng nghìn tài khoản bị xóa thì Facebook không bị ảnh hưởng gì nhiều. Đặc biệt là nếu như những người xóa bỏ tài khoản của họ vẫn tiếp tục dùng Instagram. Có chăng thu nhập từ quảng cáo của Facebook giảm xuống. "Sự thật là người dùng cá nhân hoàn toàn không có uy lực hay ảnh hưởng gì tới Facebook. Nếu bạn và 100 người quen cùng rời bỏ, Facebook sẽ chẳng quan tâm đâu nếu có thêm 1.000 người dùng mới ở Brazil", giáo sư Siva Vaidhyanathan của Đại học Virginia (Mỹ) cho biết.
Làn sóng tẩy chay có thể không đẩy Mark Zukerberg đưa ra thay đổi đáng kể với công ty, nhưng ảnh hưởng từ chính phủ có thể. Giáo sư Siva Vaidhyanathan cho rằng sẽ hiệu quả hơn khi các nhà làm luật đưa ra can thiệp về chính sách và quy định nhằm giải quyết việc lạm dụng dữ liệu cá nhân cho tất cả các công ty công nghệ. Facebook đã phải đối mặt với áp lực và cả án phạt từ nhà chức trách EU trong khi tại Mỹ, vụ bê bối Cambridge Analytica đang bị điều tra và đặt Facebook dưới quyền định đoạt của Thẩm phán liên bang.
Tất nhiên là vẫn có nhiều lý do để bạn xóa tài khoản Facebook của mình, như giảm thiểu khả năng bị tấn công hay xao nhãng bởi lướt dòng thời gian ngắm ảnh. Trước khi xóa hoàn toàn, bạn có thể thử ngưng hoạt động bằng tính năng Deactivate một vài ngày. Khi không còn cảm thấy hối hận hay vấn đề nảy sinh sau khi deactivate, bạn có thể xóa tài khoản của mình rồi đó. Hãy lưu lại mọi dữ liệu của mình và đợi 90 ngày để Facebook xóa hoàn toàn dấu vết của bạn trên mạng xã hội.