Bạch Kê Tinh: Loài đại yêu quái đại chiến rùa thần và truyền thuyết xây thành Cổ Loa

DS  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/05/2020 07:59 PM

Những câu chuyện bi hùng, kỳ lạ đã tạo nên sự thần bí cho vùng đất này. Câu chuyện về loài yêu quái Bạch Kê Tinh đại chiến Sứ Thanh Giang cũng là một trong số các truyền thuyết nổi tiếng nhất về Cổ Loa.

Cổ Loa là địa danh đã rất quen thuộc với người Việt. Nơi này gắn liền với nhiều sự tích, huyền thoại kể về công cuộc dựng nước và giữ nước thời Âu Lạc. Những câu chuyện bi hùng, kỳ lạ đã tạo nên sự thần bí cho vùng đất này. Câu chuyện về loài yêu quái Bạch Kê Tinh đại chiến Sứ Thanh Giang cũng là một trong số các truyền thuyết nổi tiếng nhất về Cổ Loa.

Truyền thuyết Bạch Kê Tinh phá thành Cổ Loa

An Dương Vương Thục Phán diệt nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc, ông quyết định xây thành Cổ Loa. Để trợ giúp cho nhà vua, hàng đêm các tiên nữ trên trời đều hạ phàm gánh đất đắp thành. Tuy nhiên, thành xây lên bị yêu ma quấy nhiễu, chúng thường giả tiếng gà gánh sáng để lừa các tiên nữ về trời, thành quách đắp đến đâu cũng đều lở sụp đến đó.

Bạch Kê Tinh: Loài đại yêu quái đại chiến rùa thần và truyền thuyết xây thành Cổ Loa - Ảnh 1.

An Dương Vương lấy làm lo lắng khi mãi không thể xây xong thành, ông bèn lập đàn cầu đảo bách thần, xin cho việc xây thành được suôn sẻ. Ít lâu sau, có một cụ già từ phương đông đến trước cửa thành than rằng ‘Xây thành thế này thì bao giờ mà xong được!’. Nhà vua biết cụ là cao nhân bèn cho gọi vào trong điện, hỏi han cẩn thận. Ông cụ nói thêm ‘Sẽ có sứ Thanh Giang tới phò trợ nhà vua, việc xây thành mới thành công.’ Nói xong cụ từ biệt ra về.

Bạch Kê Tinh: Loài đại yêu quái đại chiến rùa thần và truyền thuyết xây thành Cổ Loa - Ảnh 2.

Đúng như lời cụ già, hôm sau từ cửa thành đông xuất hiện một con rùa vàng, tự xưng là sứ Thanh Giang. Nhà vua mừng rỡ bèn cho rước sứ vào để tìm hiểu xem vì đâu thành xây mãi không xong. Sứ Thanh Giang bèn đáp ở núi Thất Diệu có chôn các vua thời trước cũng các nhạc công, vốn có thù oán với An Dương Vương. Lâu dần những oan hồn thành âm hồn bất tán. Vùng đó cũng lại có một con gà trống trắng, sống lâu năm thành tinh. Đến đêm nó hay dẫn các oan hồn đến dùng phép phá đổ tường thành. Chỉ có trừ được con kê tinh này, giải thoát các vong hồn thì mới xây được thành.

Trận chiến giữa Bạch Kê Tinh và sứ Thanh Giang

Bấy giờ trong vùng có một quán trọ, người chủ quán có một cô con gái và một con gà trống trắng. Quán trọ này ở dưới chân núi, nhưng chẳng rõ vì đâu mà khách vãng lai đi qua đó nhiều người đã mất mạng không rõ nguyên nhân. Người chủ không cũng không biết nguyên do vì đâu.

Bạch Kê Tinh: Loài đại yêu quái đại chiến rùa thần và truyền thuyết xây thành Cổ Loa - Ảnh 3.

Một ngày nọ, nhà vua theo lời sứ Thanh Giang cùng binh lính của mình giả trang làm khách đi đường, tìm đến quán trọ xin nghỉ chân. Đêm đến, yêu quái vốn trú ngụ trong lốt con gà trắng của ông chủ quán trọ lại thoát ra để đi phá thành, còn bí mật cưới con gái ông chủ. Khi nhà vua trọ lại quán, ông đặt rùa vàng lên khung cửa canh chừng. Bạch Kê Tinh toan xông vào phòng làm hại khách nghỉ trọ thì rùa vàng tức thì thi triển phép chặn nó lại.

Qủy tinh tức giận biến hóa thành trăm hình vạn trang, dùng đủ bùa phép nhưng vẫn không phá giải được phép của rùa vàng. Biết gặp phải thánh nhân, trời vừa tảng sáng nó tẩu tán lên núi. Nhà vua cho quân lính đuổi theo, bắn nỏ tứ phía để trừ bỏ yêu khí. Hôm sau chỗ con yêu tinh trốn, người ta đào được nhiều hài cốt và nhạc khí cổ bị chôn dưới đất, đem đi đốt ra tro rồi rải xuống sông thì âm khí mới tan.

Bạch Kê Tinh: Loài đại yêu quái đại chiến rùa thần và truyền thuyết xây thành Cổ Loa - Ảnh 4.

Trở lại nhà trọ, nhà vua bảo ông chủ hãy làm thịt con gà trống trắng đang nuôi để cảm tạ trời đất. Người chủ nghe theo, lập tức đứa con gái của ông ta lăn đùng ra chết. Lúc này con Bạch Kê Tinh không còn chỗ trú, bèn hóa thành con cú sáu chân bay lên núi chạy trốn. Rùa vàng lại hóa thành con chuột, chạy lên cây cắn vào chân cú, khiến nó mất mạng. Sau khi Bạch Kê Tinh bị dẹp yên thì thành được xây nửa tháng là xong.

Tương truyền, trước khi chết Bạch Kê Tinh đã nhập một phần hồn phách vào phiến đá ở núi Thất Diệu. Sau này có người tiều phu tưởng nhầm đá quý nên mang về nhà, hồn phách còn sót lại của Bạch Kê Tinh nhập vào đứa con mới sinh của tiều phu. Đứa trẻ lớn lên được gọi là Bạch Soái, tài trí hơn người, được An Dương Vương tin dùng, nhưng sau này lại giúp sức cho Trọng Thủy gây loạn lạc.

Ngày nay, người dân huyện Đông Anh, Hà Nội hàng năm vẫn có lễ hội mô phỏng lại truyền thuyết sứ Thanh Giang diệt Bạch Kê Tinh tại đền Sái.