- Theo Nhịp Sống Việt | 08/03/2020 03:30 PM
Mới đây một anh chàng người Canada đã trở lại sau khi xem Doctor Strange (2016) ở tốc độ x0.25. Lần này anh đã phát hiện ra nhiều easter egg và ẩn dụ trong phim, hơn là các chi tiết chớp nhoáng mà chúng ta thường thấy.
Hôm nay chúng ta hãy cùng điểm lại những chi tiết thú vị này nhé. Chắc chắn những điều sau đây sẽ phần nào giúp bạn được mở mang đầu óc đấy.
1. Ngày giờ Dr. Strange gặp vụ tai nạn xe hơi định mệnh được lưu lại trên chiếc đồng hồ anh mang ngày hôm đó, nó đã ngưng hoạt động vào 17h16 ngày thứ 3, mùng 2 tháng 2 năm 2016. Ngày 2/2 gọi là ngày Chuột chũi (Groundhog Day) và đây là easter egg liên quan đến bộ phim Groundhog Day (1993) của đạo diễn Bill Murray. Trong đó nhân vật chính đã rơi vào một vòng lặp thời gian trong ngày Chuột chũi. Chiếc đồng hồ của Strange dừng lại ở một khoảnh khắc, báo trước diễn biến của bộ phim là anh ấy cũng chịu chịu chung số phận với nhân vật trong Groundhog Day.
2. Stephen Strange ở thời kỳ giàu sang có hẳn một bộ sưu tập đồng hồ, thậm chí trông còn có phần đại gia hơn cả bộ của Tony Stark xuất hiện trong Iron Man 2. Cảnh quay dài 5s cận cạnh bộ sưu tập này báo trước "Thời gian" sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phim.
3. Bác sĩ Strange đã nhận được một giải thưởng về phẫu thuật cột sống, cụ thể hơn là phẫu thuật nối đốt sống (Spinal Fusion Surgery).
Trong cuộc nói chuyện với Christine Palmer ở đầu phim anh ấy dùng một loạt thuật ngữ chuyên môn để mô tả việc mình đã làm. Strange là bác sĩ hàng đầu trong ngành này, và rồi chính một bệnh nhân cột sống đã chỉ đường cho anh đến Kamar Taj. Cuộc sống trùng hợp thật.
4. Chiếc mũ trùm đầu của Ancient One ở cảnh truy đuổi Kaecilius, cảnh hành động đầu tiên của phim rõ ràng là một chi tiết spoiler lớn. Ancient One nhốt cả đám người phản trắc này vào Không gian Gương và dùng năng lượng từ chiều Không gian Tối để đánh chúng.
Chắc chắn rồi, khi đó trên trán bà ấy sẽ hiện ra biểu tượng giống như trên trán Kaecilius và trán chính bà ở cuối phim, nên Ancient One trùm gần như kín mặt suốt đoạn phim đó. Kaecilius gọi bà là đồ "Đạo đức giả" là vì cớ đó.
5. Có thể các bạn đã biết rồi, nhưng xin nhắc lại: người lồng tiếng cho Dormammu chính là Benedict Cumberbatch. Đừng ngạc nhiên, Benedict thực sự có tài về giọng nói, rồng Smaug trong phim Hobbit cũng anh ấy lồng tiếng .
6. Strange thực hành "Cấm thuật" thời gian trên "Trái Cấm". Là quả táo ấy các bạn (thứ quả khiến Adam và Eva bị đuổi khởi vườn Eden).
7. Doctor Strange đã ở trong vòng lặp thời gian cùng Dormammu trong một "khoảng thời gian" cực kỳ dài. Làm sao mươi, mười lăm lần giết Strange mà chúng ta thấy trên phim đủ khiến Chúa tể của chiều Không gian Tối phải nổi khùng lên rồi sau đó thống thiết van xin được chứ? Đó chắc hẳn phải là nhiều năm trời, và dù với tất cả mọi người, Doctor Strange vào và ra khỏi Không gian Tối chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, anh ấy đã có lượng lớn thời gian để luyện tập tất cả những thần chú mà anh biết trước Dormammu, và thực sự đã nhảy vọt về trình độ để trở thành Pháp sư Tối thượng.
8. Strange chạm vào một con bướm trước khi bắt đầu chuyến hành trình tham quan Đa Vũ trụ. Hiệu ứng Cánh bướm thì chắc các bạn nghe nói rồi, một quyết định nhỏ tưởng như vô hại nhưng gây ra biến cố cực kỳ lớn về sau.
Strange "chạm" vào con bướm chính là "chạm" vào và chấp nhận thế giới rộng lớn đang hiện hữu mà anh không hề hay biết, để rồi cuối cùng trở thành người bảo vệ Trái Đất khỏi những hiểm họa từ chúng.
Còn một chi tiết nữa. Ancient One chạm vào trán Strange và nói: "Open your eye!" (Hãy mở mắt ra!) để mở ra chuyến du ngoạn cho anh. Bà ấy nói "eye" chứ không phải "eyes", là đang nói đến con mắt thứ 3 - Tuệ Nhãn, luân xa thứ 6 nằm ở giữa trán chúng ta, cửa ngõ kết nối với thế giới tâm linh siêu nhiên.
Trong comic, con mắt này của Doctor Strange giúp anh nhìn thấy "chúng vô hình", những sinh vật ở thế giới của chúng ta hoặc từ các chiều không gian khác đến mà mắt thường không thể thấy được.
9. Chi tiết này chắc nhiều bạn biết: Tháp Avengers xuất hiện khi Kaecilius bắt đầu bẻ cong không gian để truy bắt Strange và Mordo. Lần gần nhất chúng ta thấy tòa nhà này là trong Spider-Man: Far From Home nhưng tiếc rằng không còn chữ "A" màu xanh quen thuộc nữa rồi.
10. Ancient One đã đơn giản hóa "thần chú" giống như những "chương trình", chạy các mã lệnh của vũ trụ hay Đa Vũ trụ, nhằm giải thích và thuyết phục Strange từ bỏ cái tôi và tiếp thu những thứ vĩ đại hơn chính anh rất nhiều. Cách diễn đạt này giúp chúng ta thấy rõ tầm cỡ trí tuệ của bà.
11. Ngay trước đoạn after-credit có một dòng cảnh báo xuất hiện: "Lái xe không tập trung hết sức nguy hiểm cho chính bạn và những người cùng tham gia giao thông. Xin hãy lái xe có trách nhiệm". Cảnh báo đến sau khi mọi thứ đã rồi, cũng chính là câu nói của Strange khiến Wong bật cười lần duy nhất trong phim. Cảnh báo này mà đến từ đầu thì chúng ta đã không có phim để xem.
12. Nói luôn đến thứ khiến Strange phân tâm ở trên, cuộc gọi từ người đồng nghiệp tên Billy, miêu tả một đại tá Không quân bị tai nạn giập phần lưng dưới. Nhớ ngày ấy chúng ta đã khẳng định đó không phải là Rhodey, nhưng lại quên mất "anh thanh niên" xấu số thử bộ giáp của H.A.M.M.E.R. ở phần đầu Iron Man 2.
13. Hai chi tiết liên quan đến ban nhạc Pink Floyd (nhạc trailer New Mutants): ca khúc Strange nghe trên ô tô trước khi gặp tai nạn là "Interstellar Overdrive" của Pink Floyd; và chiếc áo phông anh ấy mặc khi cãi nhau với Palmer in hình Syd Barrett (thành viên sáng lập ban nhạc).
Có thể coi đây là một lời cảm ơn, vì Pink Floyd từng mô phỏng nét họa của truyện Doctor Strange cho bìa album "A Saucerful of Secrets" (1968) của họ.
14. Không liên quan đến Doctor Strange (2016), mà là Doctor Strange in the Multiverse of Madness, khi có thông tin đạo diễn Sam Raimi có khả năng trở thành đạo diễn phim, người ta đã "nghiên cứu" lại Spider-Man 2 (2004), bộ phim được coi là hay nhất trong bộ ba Spider-Man và phát hiện ra Doctor Strange đã được nhắc tên.
Khi tòa báo Daily Bugle muốn đặt một cái tên thật kêu cho Doctor Octopus, anh nhân viên đã đưa ra phương án "Doctor Strange" và được JJJ khen hay, nhưng rồi bảo: "có người khác lấy tên đó rồi". Spider-Man 3 của Sam Raimi thất bại, nhưng lí do có lẽ nằm ở việc Sony không nghe theo ý tưởng của ông, mình tin rằng nếu Raimi đạo diễn Doctor Strange 2 thì bộ phim sẽ thắng lợi.
Theo: 8ternal