Asus TUF Z370 Pro Gaming - Bo mạch chủ đã mạnh mẽ, bền, lại còn rẻ, ai nói nâng cấp Coffee Lake là tốn tiền nữa?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 14/12/2017 07:32 PM

Với giá chỉ chưa đầy 5 triệu Đồng, dám khẳng định nếu những game thủ có hầu bao eo hẹp nhưng vẫn muốn trải nghiệm sức mạnh Coffee Lake, bo mạch chủ Z370 Tuf Pro Gaming của Asus là một cái tên phải thử qua.

Hồi tháng 09 vừa qua tại Kuala Lumpur, Malaysia, Asus đã chính thức giới thiệu tới cộng đồng game thủ loạt sản phẩm bo mạch chủ cao cấp dành cho chip CPU Intel thế hệ thứ 8, Coffee Lake của Intel. Và đáng chú ý đối với thị trường phần cứng giá rẻ và bình dân chính là sự hiện diện của dòng sản phẩm Asus TUF Gaming.

Nếu như dòng sản phẩm Maximus hay ROG Strix được tạo ra hướng tới thị trường game thủ cao cấp và tầm trung, hay những game thủ eSports cần một chiếc bo mạch chủ bền bỉ để chơi game và streaming, thì những lựa chọn tầm thấp như Prime Z370A hay dòng TUF được làm mới với cái tên TUF Gaming hướng tới game thủ bình dân lại là những lựa chọn nếu bạn muốn sở hữu những sản phẩm cao cấp mà giá mềm, chưa kể sở hữu những tính năng bền bỉ bảo vệ cả mainboard, CPU lẫn phần cứng máy tính.

Đập hộp

Phong cách mới mẻ, ngầu, bền và độc đáo

Một đặc điểm rất đáng quan tâm của TUF Gaming phiên bản mới, đó là thay vì chỉ là những chiếc bo mạch chủ được thiết kế hết sức bền bỉ để chịu đựng nhu cầu overclock của một số người sử dụng, giờ đây TUF Gaming còn mang dáng vẻ hiện đại, hầm hố nhưng không vì thế mà đòi hỏi game thủ phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn để sở hữu những bo mạch chủ high end như dòng Maximus, hay ROG Strix dành cho game thủ chuyên nghiệp, nhưng vẫn có được khả năng hoạt động hoàn hảo của một bộ khung xương kết hợp những phần cứng mạnh nhất mà game thủ sở hữu, như VGA GTX 1070, CPU Core i5 8600K hay 32GB RAM bus 4000 MHz tối đa...

Bên cạnh việc rẻ và bền bỉ, thì những chiếc bo mạch chủ này vẫn có vẻ ngoài không hề tệ dành cho game thủ, khá xứng đáng với cái tên Z370 TUF Gaming. Thay vì thiết kế hiền lành của Z270 hay X299 đầu năm nay, TUF Gaming có những đường viền thiết kế màu trắng và vàng, tạo ra cảm giác của một chiếc phản lực chiến đấu. Thậm chí ngay cả bề mặt bo mạch cũng được "vát" ở một số vị trí, vừa làm đẹp, vừa khiến việc đi dây cáp kết nối bên trong thùng máy nhẹ nhàng tiện lợi hơn.

Xét về độ bền, giờ đây TUF Gaming được trang bị những tính năng phục vụ cho phần cứng, dễ thấy nhất là lớp "giáp" kim loại bảo vệ cho card đồ họa của bạn ở slot PCIe 16x hay sử dụng nhất. Những tụ điện cao cấp, MOSFET hay tính năng LANguard cũng hiện diện để chiếc máy tính của bạn hoạt động hoàn hảo nhất trong trường hợp sụt điện hay sự cố.

Rẻ mà chất

Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có hai phiên bản Z370 TUF Gaming được giới thiệu, đó là TUF Gaming Pro và TUF Gaming Plus. Khác biệt gần như duy nhất giữa hai phiên bản này đơn thuần chỉ là việc phiên bản Plus sở hữu đèn LED nền Aura Sync 16,8 triệu màu, tạo ra thùng máy đẹp mắt hơn đối với những game thủ thích đèn đóm lập lòe. Trong khi đó, phiên bản Pro, nhờ vào việc cắt bỏ tính năng đèn LED tích hợp, sẽ có mức giá dễ chịu hơn hẳn. Và quả thật như vậy, ở thời điểm hiện tại TUF Z370 Pro Gaming của Asus đang được bán với giá chỉ 4,6 triệu Đồng. Điều này có nghĩa là nếu sắm cả đôi bo mạch chủ mới lẫn CPU Core i5 8400, bạn sẽ chỉ tốn có 9,3 triệu Đồng để nâng cấp máy tính lên nền tảng Coffee Lake mới nhất mà thôi.

Bên cạnh đó, công nghệ âm thanh DTS cũng hiện diện trên sản phẩm dù là ở tầm giá bình dân này. Với công nghệ âm thanh cao cấp và phần mềm driver đi kèm, bạn sẽ có thể thay đổi 3 chế độ âm thanh Aerial, Landscape và Tactical, phù hợp với những thể loại game chiến thuật, nhập vai hay bắn súng. Chúng hoạt động hoàn hảo với tai nghe cũng như loa kết nối thông qua cổng audio 3.5 hoặc USB trên mainboard.

Đánh giá hiệu năng chơi game

Để thử nghiệm game và các phần mềm đánh giá khả năng hoạt động của CPU cũng như những phần cứng khác kết nối với chiếc bo mạch chủ này, chúng tôi sử dụng cấu hình máy tính như sau:

CPU: Intel Core i5 8600K 6 nhân, ép xung lên 5.0 GHz

Mainboard: Asus Z370 TUF Pro Gaming

RAM: 32GB G.Skill Trident Z 3600 MHz

Card đồ họa: Nvidia GTX 1080 8GB

Nguồn: Corsair CX650M

Tản nhiệt CPU: Corsair H115i

SSD: WD Black M.2 NVMe PCIe 256 GB

SSD cài game: HyperX UV400 480GB

Chúng tôi sử dụng con chip CPU tầm giá cao hơn i5 8400, đó là i5 8600K. Với mức giá 6,4 triệu Đồng, nó chỉ rẻ hơn so với Core i7 8700 và 8700K mà thôi. Tuy nhiên điều tốt là, với chứ "K" ở cái tên, bạn có thể ép xung chiếc CPU này một cách thoải mái chứ không bị gò bó với con số 4.3 GHz turbo boost mặc định nữa. Và đó chính xác là những gì chúng tôi làm trong bài thử nghiệm lần này.

Với nền tảng Coffee Lake, con chip CPU tưởng bị "dìm" xuống tầm trung hóa ra lại có khả năng chơi game hoàn hảo mà thế hệ trước khó lòng có thể sánh được bằng. Bản thân UEFI BIOS của chiếc mainboard cũng cho phép người dùng ép xung một cách rất đơn giản, hoặc sử dụng Profile XMP đồng bộ hóa cả RAM lẫn xung nhịp CPU, hoặc tự điều chỉnh xung nhịp, Vcore để CPU chạy ổn định nhất. Trong thử nghiệm chơi game, chúng tôi đặt i5 8600K ở mức xung nhịp 5.0 GHz, Vcore Adaptive.

Đầu tiên, dĩ nhiên là PUBG. Trong thời gian gần đây, tựa game online bắn súng sinh tồn cực hot PUBG gần như đã trở thành một chuẩn mực mới trong cộng đồng game thủ thế giới cũng như tại Việt Nam bởi độ phổ biến siêu nhanh siêu rộng đáng nể của nó. Kéo theo đó thì cấu hình máy tính để chiến được trò chơi cũng vô tình trở thành 'tiêu chuẩn' thấp nhất để lắp đặt bộ máy tính chơi game. Dưới đây là setting trong game của chúng tôi, vừa loại bỏ được hầu hết hiệu ứng rườm rà không cần thiết, vừa cân bằng được giữa khả năng nhìn tầm xa của nhân vật, vừa đảm bảo hình ảnh trong game không quá tệ hại:

Kết quả là, kể từ khi nhảy dù cho đến khi chạm đất, FPS luôn dừng ở ngưỡng từ 110 đến 144 FPS, không bao giờ xuống dưới khoảng này. Thậm chí có những khu vực nhà cửa rất đông như Polyana hay Lipovka, tốc độ khung hình vẫn ở mức 120 FPS. Chơi game vô cùng mượt mà, không có hiện tượng sụt khung hình ngay cả khi đứng ở những khu vực đông người nhiều nhà cửa.

Trong khi đó những tựa game dưới đây đều được thử nghiệm dành cho các fan của game offline, với màn hình độ phân giải 2K 2560×1440, màn hình 144Hz:

Đầu tiên là Battlefield 1 setting Ultra, game đạt tốc độ khung hình trung bình 78 FPS. Thật sự là một con số đáng nể vì đây là i5, không phải i7. Ở tầm giá như thế này bạn có thể chơi mượt gần như mọi game có trên thị trường với xung nhịp 5.0 GHz.

Tiếp tục với DOOM, chạy trên nền Vulkan API. Vẫn biết rằng nền tảng đồ họa này chiều chuộng card đồ họa AMD hơn, thế nhưng với i5 8600K, tốc độ khung hình trung bình đạt được gần 90 FPS với thiết lập đồ họa Ultra.

GTA V, tựa game người Việt nào cũng quan tâm, mua máy về phải chơi mượt GTA V và… Liên Minh Huyền Thoại. Với CPU 8600K và GTX 1080, GTA V Ultra độ phân giải 2K đạt 83 đến 95 FPS. Nếu sử dụng màn Full HD, tốc độ khung hình còn cao hơn nữa!

Rise of the Tomb Raider, công cụ đo đạc chuẩn mực của mọi hệ thống chơi game với đồ họa đẹp không cưỡng lại được. Ngay cả ở chế độ đồ họa cao nhất, với những tùy chọn siêu nặng như Dynamic Foliage, PureHair, Sun Soft Shadows và bokeh DOF độ phân giải 2K, game vẫn chạy mượt với tốc độ khung hình dao động từ 60 đến 70 FPS tùy cảnh.

Những công cụ khác như 3Dmark Time Spy hay 3DMark FireStrike của i5 8600K trên nền mainboard Z370 TUF Pro Gaming cũng hết sức ấn tượng, qua mặt hoàn toàn thế hệ CPU cũ:


3Dmark Time Spy

3Dmark Time Spy


3DMark FireStrike

3DMark FireStrike

Kết luận

Rẻ, bền, chất lượng phần cứng tốt, chưa kể còn có phong cách thiết kế khá khác so với những chiếc bo mạch chủ dòng ROG Maximus, TUF Gaming của Asus cũng có được một bộ phận fan hâm mộ không hề ít ỏi. Với giá chỉ chưa đầy 5 triệu Đồng, và "chơi đẹp" với cả i5 8600K lẫn i7 8700K, ép xung dễ như bỡn, thì dám khẳng định nếu những game thủ có hầu bao eo hẹp nhưng vẫn muốn trải nghiệm sức mạnh Coffee Lake, Z370 Tuf Pro Gaming của Asus là một cái tên phải thử qua.