Trí Thức Trẻ | 26/07/2019 05:38 PM
Thứ Năm vừa qua, tập đoàn Alibaba Group Holding của Trung Quốc mới giới thiệu bộ vi xử lý tự thiết kế đầu tiên của mình, đặt một dấu ấn quan trọng cho nỗ lực của Trung Quốc để quảng bá cho khả năng tự chủ về chip giữa lúc xung đột với Mỹ về vấn đề công nghệ.
Theo tuyên bố của Alibaba, bộ xử lý mới này có thể được các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc sử dụng để trang bị cho các loa thông minh, xe tự lái và các thiết bị kết nối internet cần thiết cho điện toán hiệu suất cao.
Trong khi Alibaba không có kế hoạch sử dụng bộ xử lý này cho bản thân mình, các nhà sản xuất chip Trung Quốc như SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp) có thể sản xuất con chip này cho các thiết bị khác dưới giấy phép của công ty thương mại điện tử.
Bộ xử lý mới này của Alibaba có thể giúp công ty đi theo hướng đi của hãng ARM Holdings của Anh, khi thiết kế và cấp phép bản quyền chip. Hiện có đến 90% chip smartphone dựa trên các thiết kế chip của hãng ARM. Cũng giống như nhiều công ty Trung Quốc khác, Huawei cũng dựa trên các thiết kế của ARM để tạo nên con chip Kirin của hãng, nhưng lệnh cấm của chính phủ Mỹ áp đặt lên công ty cũng đặt ra dấu hỏi về khả năng hợp tác lâu dài với công ty của Anh này.
Với sự khuyến khích từ chính phủ Trung Quốc, hàng loạt công ty Trung Quốc đang tham gia vào lĩnh vực bán dẫn trong những năm gần đây. Một số cái tên điển hình trong số đó như hãng điện thoại Xiaomi, công ty mạng xã hội Tencent Holdings và nhà sản xuất đồ điện gia dụng Gree Electric Applicances. Thành công nhất cho đến nay là Huawei với con chip Kirin sử dụng trên các điện thoại của hãng.
Bộ xử lý mới của Alibaba có tên XuanTie 910 được phát triển trên kiến trúc tập lệnh mã nguồn mở, miễn phí RISC-V. Nhiều công ty khác của Trung Quốc cũng đang tìm cách tạo ra các thiết kế chip dựa trên RISC-V, vốn có một số ưu thế trên smartwatch và các thiết bị kết nối internet khác.
Một yếu tố quan trọng khác là kiến trúc này không nằm trong phạm vi lệnh cấm của chính phủ Mỹ.
Tổ chức RISC-V Foundation, vốn giám sát sự phát triển của kiến trúc này cũng có sự đóng góp với tư cách thành viên của các công ty như Huawei và Huami (công ty con của Xiaomi). Điều này cho thấy tham vọng của họ trong việc xây dựng các bộ xử lý như của Alibaba.
Tham khảo Nikkei Asian Review