"Ai cũng văng tục mà, đâu phải riêng tôi?" - Xót xa người Việt và thói xấu bầy đàn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 19/07/2016 06:00 PM

Cái cảm giác được trashtalk khi chơi game, blame đồng đội, chê bai đối thủ nhiều khi nó khiến người Việt rạo rực

Có thể nói chẳng ai trong chúng ta xa lạ gì với nói tụcchửi bậy. Ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường, cái chúng ta được dạy là không nói tục chửi bậy điều đó nó thể hiện lên một con người có văn hoá. Và khi chơi game cũng vậy, những game thủ như chúng ta ngày nay cũng chưa chắc đã kiểm soát được những câu văn, lời nói mình văng ra trong lúc chơi game.

Việc văng tục, chửi bậy dường như đã trở thành một “nét văn hóa” không mấy đẹp đẽ trong cộng đồng game thủ. Nhiều người để thoải mái trong game đã không tiếc lời, sử dụng những từ ngữ nặng nề nhất để mạt sát đối thủ của mình với một phong cách rất… anh hùng bàn phím.

Bên trong những tựa game, nơi game thủ có thể tương tác với nhau bằng bất kỳ cách nào họ muốn, một trong những vấn nạn mà không chỉ nhà phát hành mà ngay cả những game thủ cũng phải đau đầu chính là câu chuyện văng tục, chửi bậy của một số lượng không nhỏ người chơi game online Việt Nam hiện nay. Thậm chí, tình trạng này còn leo thang và được game thủ nước ta “xuất khẩu” sang cả những server game online nước ngoài.

Cũng đã có không ít lần, game thủ Việt bị cấm cửa ở nhiều tựa game online nước ngoài chỉ vì cách sử dụng từ ngữ của một bộ phận game thủ.

Lấy ví dụ, chỉ sau một thời gian ngắn game thủ Việt chuyển hộ khẩu sang server Cabal Elite, số lượng những game thủ Việt Nam bị khóa account đã lên tới con số đáng báo động. Thậm chí, theo thống kê của quản trị viên server, 90% số lượng account bị khóa đều tới từ Việt Nam (theo IP). Những lý do khiến số lượng tài khoản này bị khóa là sử dụng hack, spam kênh chat thế giới và thậm chí có cả… văng tục với game thủ nước ngoài.

Hay sau đó là Special Force Singapore, rõ ràng ở server Singapore thái độ tham gia game của một bộ phận người Việt phải nói là đáng lên án. Không ít người vốn đã quen cách ăn nói theo phong cách “anh hùng bàn phím” trong nước, đã buông những lời không mấy đẹp đẽ dành cho những game thủ nước ngoài. Từ tiếng Việt tới tiếng Anh “bồi”, những cụm từ với lời lẽ thô thiển đã khiến cộng đồng game thủ Special Force Singapore “nóng mắt” với những game thủ Việt.

Khi nhìn vào nguyên nhân sâu xa, chúng ta không khỏi xót lòng với những lý do khiến cho tình trạng này leo thang. Một game thủ từng lên tiếng, dĩ nhiên là nhờ chúng tôi giấu tên trong bức email chia sẻ về một trong những thực tế khiến người Việt là một trong số những cộng đồng bị ghét bỏ bậc nhất trong thế giới game online nước ngoài:

"Cái cảm giác được trashtalk khi chơi game nhiều khi nó khiến người rạo rực. Biết là không đúng, vẫn biết là phải tôn trọng đối thủ và đồng đội, nhưng chẳng hiểu sao cứ chọc giận được đối thủ là lại có hứng thú chơi tiếp, tiếp tục bón hành cho họ. Hết game, cái cảm giác được gõ gg ez thật sự không gì so sánh nổi. Đấy là lúc đang thắng. Lúc thua thì sao? Có một cụm từ tạm gọi là Blame time, khi kẻ đóng góp ít nhất hoặc gây ra những lỗi trong game bị lôi ra bôi bác, chê bai. Dĩ nhiên điều này cũng chẳng khiến hắn ta chơi giỏi hơn được đâu, nhưng ít ra nó cũng khiến tôi đỡ bực mình."

Nói không xa, đôi lúc, chính thói quen bầy đàn "tay nhanh hơn não" này của một bộ phận người sử dụng internet trong nước đã tạo ra không ít những vụ việc đáng tiếc trên mạng. Quay trở lại với làng game online Việt Nam, câu chuyện “bầy đàn” thường ít khi xảy ra.

Tình trạng này tiếp diễn tới mức, một vài người bạn của tôi khi chơi game ở server nước ngoài đã chẳng dám tự nhận mình là người Việt Nam. Họ sợ rằng, với mức độ khét tiếng mà game thủ nước ngoài đã được nghe nói về game thủ Việt, họ sẽ bị tẩy chay khỏi cộng đồng game mà họ đã và đang cố hết sức mình để có thể hòa nhập.