9 bộ phim điện ảnh gặt hái thành công khổng lồ ngoài dự đoán

SmiLe  - Theo Helino | 09/03/2018 06:13 PM

“Iron Man”, “Mad Max: Fury Road”, “The LEGO Movie”, “Jumanji 2”… từng bị dự đoán là sẽ thất bại trước giờ ra mắt, nhưng rốt cuộc đã lật ngược thế cờ đầy ngoạn mục.

1. Jumanji: Welcome to the Jungle (2017):

Bộ phim Jumanji ra đời từ năm 1995, và việc thực hiện phần tiếp theo khi nâng cấp một trò cờ bàn (board game) thành trò chơi điện tử (video game) xem ra là ý tưởng tệ hại.

Tuy nhiên, sự ăn ý giữa bộ tứ Dwayne “The Rock” Johnson, Kevin Hart, Karen Gillan và Jack Black đã biến Jumanji: Welcome to the Jungle trở thành bất ngờ thú vị nhất tại phòng vé trong thời gian qua. Dù phải đối đầu với Star Wars: The Last Jedi (2017), bộ phim rốt cuộc đã mang về cho Sony tới 930 triệu USD.

2. Annabelle: Creation (2017):

Sau thành công của The Conjuring (2013), các nhà làm phim mang tới phần ngoại truyện Annabelle (2014) về con búp bê ma cùng tên. Tuy ăn khách, nhưng đó là tác phẩm đạt chất lượng kém, và bị coi là một nỗ lực “moi tiền” thảm hại.

Song, hãng New Line quyết tâm làm tiếp Annabelle: Creation (2017) - tập tiền truyện dành cho Annabelle. Với 15 triệu USD, đạo diễn David F. Sandberg đã giúp nhà sản xuất mang về hơn 300 triệu USD. Quan trọng hơn, Annabelle: Creation được giới phê bình đánh giá cao bởi phần nội dung vừa đáng sợ, vừa cảm động, và đồng thời giúp nội dung của Annabelle trở nên dầy dặn hơn đôi chút.

3. Ouija: Origin of Evil (2016):

Một tác phẩm kinh dị tiền truyện khác cũng làm tốt hơn phần đầu tiên là Ouija: Origin of Evil. Bộ phim Ouija (2014) bị giới phê bình căm ghét với điểm số 6% trên Rotten Tomatoes.

Nhưng Ouija: Origin of Evil thì đạt tận điểm 82%. Thành công đến từ việc đạo diễn Mike Flanagan khéo léo áp dụng những chiêu thức gây sợ hãi của dòng phim kinh dị thập niên 1970, cũng như phần diễn xuất nhập tâm của tài năng trẻ Lulu Wilson. Phim thu hơn 80 triệu USD, so với kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 9 triệu USD.

4. Mad Max: Fury Road (2015):

Phần bốn loạt Mad Max của đạo diễn George Miller giống như “dự án bị nguyền rủa” khi phải trì hoãn hết năm này qua năm khác. Dự kiến khởi quay từ 2003, nhưng Mad Max: Fury Road rốt cuộc chỉ có thể bắt đầu bấm máy từ 2012. Sau này, khán giả biết thêm rằng mối quan hệ giữa hai ngôi sao Charlize Theron - Tom Hardy trên trường quay không hề suôn sẻ, và dự án tiếp tục dội chi phí vì vấn đề thời tiết.

Thành tích 378 triệu USD so với kinh phí 150 triệu USD không phải quá tốt. Nhưng Mad Max: Fury Road nay là biểu tượng của dòng phim bom tấn nhờ hàng loạt pha hành động ấn tượng, bạo liệt, sáng tạo. Tác phẩm nhận tới 10 đề cử Oscar, trong đó có Phim truyện xuất sắc, và ra về với 6 tượng vàng sau khi lễ trao giải thưởng năm 2016 khép lại.

5. The LEGO Movie (2014):

Một bộ phim dựa trên LEGO ban đầu bị nghi ngờ là “tác phẩm quảng cáo dài hai tiếng” dành cho thương hiệu đồ chơi đến từ đất nước Đan Mạch. Tuy nhiên, bộ đôi đạo diễn Chris Miller - Phil Lord cuối cùng đã tạo ra một trong những tác phẩm hài hước nhất năm 2014, với nhiều tiếng cười mỉa mai vô cùng duyên dáng trên nền là phần hình ảnh sặc sỡ của những khối gạch LEGO.

The LEGO Movie sau đó nhận đề cử Oscar hạng mục Ca khúc chủ đề xuất sắc, và rất nhiều người đã tỏ ra thất vọng khi Viện hàn lâm không trao cơ hội tranh giải Phim hoạt hình xuất sắc cho bộ phim.

6. 21 Jump Street (2012):

21 Jump Street bắt nguồn từ series truyền hình cùng tên hồi thập niên 1980 có chất lượng trồi sụt. Tham gia loạt phim khi còn rất trẻ, Johnny Depp sau này có lần thú nhận anh cảm thấy “xấu hổ” về trải nghiệm đóng phim khi đó.

Với phiên bản điện ảnh, hãng Sony chọn Channing Tatum - người mới để lại ấn tượng xấu bởi G.I. Joe: Rise of Cobra (2011), và cây hài Jonah Hill khi ấy còn ít danh tiếng. Thật khó tin khi Tatum lại có thể diễn hài duyên dáng đến thế, và sự ăn ý giữa hai ngôi sao giúp 21 Jump Street thu về tới hơn 200 triệu USD. Sony sau đó làm tiếp 22 Jump Street (2014) và gặt hái thành công tương tự.

7. Iron Man (2008):

Người Sắt không phải là siêu anh hùng hạng A trong thế giới truyện tranh, cũng như không thực sự được khán giả đại chúng biết tới cách đây 10 năm. Nhưng Marvel Studios quyết định chọn nhân vật làm gương mặt tiên phong cho vũ trụ điện ảnh mà hãng phim đang ấp ủ.

Giao vai Iron Man cho Robert Downey Jr. cũng là nước cờ mạo hiểm bởi bê bối đời tư trước đó của tài tử, và đạo diễn Jon Favreau đã phải mất không ít thời gian để thuyết phục hãng Marvel đồng ý với mình. Rốt cuộc, bộ phim Iron Man thu tới hơn 585 triệu USD, và mở ra kỷ nguyên mới cho dòng phim siêu anh hùng nói riêng, và toàn bộ Hollywood nói chung. Đây hiện cũng là nhân vật được yêu mến bậc nhất của MCU.

8. American Psycho (2000):

Nguyên tác văn học American Psycho của Bret Easton Ellis được đánh giá là rất khó để chuyển thể lên màn ảnh, bởi thành phẩm cuối cùng có thể quá bạo lực, hoặc quá nhàm chán vì nhân vật chính phải tự thoại quá nhiều. Nhiều người trong nghề tiên đoán về một thất bại dành cho nữ đạo diễn Mary Harron, còn tài tử Christian Bale nhận không ít tin nhắn khuyên rằng anh không nên nhận lời tham gia dự án.

Nhưng điều đó vô tình càng khiến Harron - Bale cảm thấy kích thích, và cả hai đã tìm ra cách tiếp cận hợp lý cho American Psycho, qua đó đem tới một tác phẩm mỉa mai sâu cay xã hội Mỹ đương đại. Phim chỉ thu hơn 30 triệu USD, nhưng con số đó là quá thành công nếu biết kinh phí dự án chỉ là 7 triệu USD.

9. Titanic (1997):

Dự án bom tấn của đạo diễn James Cameron trải qua quá trình thực hiện không hề suôn sẻ. Với bối cảnh liên quan nhiều tới nước, ông đã tiêu tốn tới 200 triệu USD, và hãng Fox e ngại bộ phim chưa chắc đã có thể hòa vốn. Thế rồi, Titanic trở thành một trong những tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh với 2,18 tỷ USD, cũng như nhận 11 tượng vàng Oscar - trong đó có giải Phim truyện xuất sắc.

Giữa công nghệ kỹ xảo phức tạp để tái hiện con tàu bi kịch Titanic, James Cameron đặt vào đó một câu chuyện tình lãng mạn, éo le, phù hợp với mọi đối tượng khán giả. Và đây chính là yếu tố tiên quyết tạo nên thành công vang dội cho Titanic.