8 game mobile từng khiến hàng triệu người "mất ăn mất ngủ"

MaxSpeed  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/10/2016 03:24 PM

Dù cho có bao năm trôi qua đi nữa, những tựa game mobile này vẫn mãi là "tượng đài" để các nhà phát triển game khác noi theo.

Ngành công nghiệp game mobile trong những năm gần đây đang có nhiều bước tiến vượt bậc. Ngày nay khi vào kho ứng dụng, bạn không khó để tìm kiếm những tựa game có đồ họa đẹp mê hồn, cốt truyện có chiều sâu và được mọi người giới thiệu nên chơi thử.

Tuy nhiên, để có được những thành công như ngày hôm nay, bạn nên biết rằng chính 8 tựa game dưới đây mới thật sự là nền móng của tất cả, là khởi nguồn của mọi tựa game hiện đại ngày nay. Và đặc biệt là dù cho có bao năm trôi qua đi nữa, những tựa game này vẫn mãi là "tượng đài" để các nhà phát triển khác noi theo.

Snake

Không có gì để chối cãi, "Rắn săn mồi" chính là tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất trong làng game di động từ thuở khai sinh. Được cài sẵn lần đầu vào năm 1997 trên chiếc Nokia 6610 "thần thánh", Snake đã nhanh chóng trở thành cơn sốt trong thời điểm đó.

Mặc dù có cách chơi vô cùng đơn giản và đồ họa cũng chẳng mấy gì đặc biệt, Snake lại bất ngờ khiến nhiều người không rời mắt khỏi màn hình điện thoại bé tí tẹo. Thậm chí nhiều người nghiện trò này đến nỗi tranh thủ chơi mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đang chờ xe buýt hay đang trong lớp học. Kết quả cuối cùng họ muốn chỉ đơn giản là có những giây phút giải trí vui vẻ và gặt được điểm số cao để chia sẻ với bạn bè.

Angry Birds

Còn nhớ những chú chim điên này chứ? Tập đoàn chim điên này nổi tiếng đến mức còn được chuyển thể lên màn ảnh xi-nê nữa cơ đấy!
Còn nhớ những chú chim điên này chứ? Tập đoàn chim điên này nổi tiếng đến mức còn được chuyển thể lên màn ảnh xi-nê nữa cơ đấy!

Được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12/2009 trên nền tảng iOS, trò chơi đã đón nhận được lượng lớn người chơi và nhanh chóng trở thành trào lưu mới trong giới trẻ. Chẳng bao lâu sau, game này bắt đầu được mở rộng sang các nền tảng khác, trong đó có cả máy tính và máy chơi game console (Xbox, Playstation).

Ý tưởng của trò chơi thực ra không phải là mới, bởi nó mang hơi hướng chơi giống với những gì trò Crush the Castle từng làm. Tuy nhiên nhà sản xuất đã khéo léo kết hợp giữa cách chơi hấp dẫn cùng lối dựng nhân vật theo hướng hoạt hình và áp dụng cả chính sách tải về miễn phí (nhưng có thể bỏ tiền để mua thêm vật phẩm, hay còn gọi là game freemium) nên đã nhanh chóng gặt hái được thành công vang dội.

Vào tháng 1/2014, Angry Birds đã vượt mốc 3 tỉ lượt tải về trên tất cả các nền tảng, khiến nó trở thành tựa game freemium có lượt tải cao nhất mọi thời đại.

Fruit Ninja

Vào thời điểm năm 2010, khi cầm trên tay một chiếc smartphone và muốn thử ngay một tựa game nào đó để trải nghiệm chất lượng màn hình cảm ứng, nhiều người dùng sẽ nhớ ngay đến Fruit Ninja.

Thật vậy, Fruit Ninja chính là một trong những tựa game được sinh ra để dành cho điện thoại có màn hình cảm ứng. Bởi lẽ, nếu đưa nó lên những dòng điện thoại không có màn hình cảm ứng, chắc hẳn trò chơi này sẽ chẳng thể nào đem lại cảm giác lướt từng ngón tay để chém hoa quả nữa. Chính vì nắm bắt xu hướng kịp thời khi thị trường smartphone đang dần nở rộ và tận dụng được sức mạnh của màn hình cảm ứng, nhà sản xuất cho tựa game này đã gặt hái được nhiều "quả ngọt" ngay từ thời điểm đầu tiên mới ra mắt.

Temple Run

Dù không phải là tựa game đầu tiên về thể loại endless runner (chạy và chạy) dành cho thiết bị di động nhưng Temple Run lại có công trong việc khai thác và đẩy thể loại game này lên một đỉnh cao mới.

Được ra mắt vào năm 2011 trên iOS, trò chơi này nhanh chóng được đón nhận tích cực từ rất nhiều người dùng và sau đó được chuyển thể sang nền tảng Android và Windows Phone 8. Cách chơi của game được đơn giản hóa và hoàn toàn phù hợp với smartphone, người dùng chỉ việc sử dụng ngón tay để thực hiện các thao tác chạm và vuốt để tương tác với nhân vật trong game. Chính thành công của Temple Run đã mở đường cho một loạt các tựa game endless runner khác được sản sinh như: Minion Rush, Agent Dash, Sonic Dash...

Clash of Clans

Chuyển đến khoảng thời gian gần đây hơn, Clash of Clans là một tựa game đạt được rất nhiều thành công to lớn và cũng là tựa game có doanh thu tốt nhất trên bảng xếp hạng của Apple Store nhiều tháng liền. Chính tựa game này đã khẳng định với nhiều nhà phát triển khác rằng thị trường game di động cũng rất béo bở và là cái mỏ vàng mới để họ có thể khai thác.

Flappy Bird

Đến tận bây giờ, tức là hơn hai năm sau thời điểm Flappy Bird nổi lên như một hiện tượng của làng game di động thế giới và bị "cha đẻ" Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ sau đó ít lâu, Flappy Bird vẫn được nhiều người nhắc tên khi điểm mặt những trò chơi khó xơi và dễ gây khó chịu nhất.

Mặc dù đồ họa lẫn âm thanh và cốt truyện chẳng có gì đặc sắc, trò chơi này lại trở thành niềm cảm hứng của rất nhiều tựa game sau này, thậm chí cả Google cũng sử dụng ý tưởng này để giấu mini game chú robot biết bay trong mục Settings của điện thoại Android.

Pokémon GO

Kể từ khi Pokémon GO được giới thiệu vào ngày 6/7/2016, ứng dụng này đã phát triển nhanh hơn cả Tinder và Twitter. Người dùng chịu bỏ tiền ra cho Pokémon Go nhiều gấp đôi trung bình ngành công nghiệp trò chơi và thậm chí khảo sát còn cho thấy họ "gắn bó" với Pokémon Go mỗi ngày lâu hơn cả với Facebook.

Sở dĩ trò chơi này thu hút được lượng lớn người chơi là vì nó tích hợp công nghệ tương tác thực tế ảo tạo cảm giác mới lạ, bên cạnh đó là khai thác đúng vào nội dung truyện tranh và phim hoạt hình Pokémon nổi tiếng, vốn từng là tuổi thơ của biết bao bạn trẻ. Tuy nhiên, sau 3 tháng "làm mưa làm gió", cuối cùng tựa game này đã bắt đầu bị người chơi bỏ rơi bởi không còn gì đổi mới cũng như quá nhàm chán khi thấy cảnh nhiều người đua nhau hack. Dù sao đi nữa, đây vẫn là tựa game rất thành công của Niantic và nó đưa người chơi trên toàn thế giới biết đến khái niệm thực tế ảo nhiều hơn, hứa hẹn sẽ "mở cửa" cho nhiều nhà sản xuất khác khai thác và ra đời các tựa game thực tế ảo tương tự.

Dead Trigger

Mặc dù không mang nhiều tầm ảnh hưởng đến nền công nghiệp game di động như 7 tựa game trên nhưng Dead Trigger vẫn là một cái tên đáng để nhắc tới khi nói về thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS - first person shooter) trên di động.

Được giới thiệu vào tháng 6/2012 cho Android lẫn iOS, Dead Trigger không phải là tựa game đầu tiên đi theo thể loại FPS này, tuy nhiên đây lại được xem là ứng cử viên hoàn hảo nhất khi đem lại sự kết hợp tuyệt vời giữa đồ họa cực đỉnh cùng giao diện điều khiển trực quan, hiệu quả và đặc biệt là cốt truyện rành mạch.

Nếu nói Doom, Quake, Unreal Tournament hay Counter Strike là tượng đài game FPS cho nền tảng máy tính thì Dead Trigger chính là một đại diện lớn để các nhà sản xuất khác noi gương theo trên nền tảng di động.