- Theo Helino | 31/08/2018 12:36 AM
Ở mỗi mọi thời điểm trong cuộc sống, con người lại chạy theo một trào lưu khác nhau. Chuyện này không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực như thời trang, công nghệ, ẩm thực mà còn có cả trò chơi điện tử nữa. Chỉ cần vài năm trôi qua, các game thủ lại chuyển qua với một trào lưu mới. Dĩ nhiên, các nhà phát triển cũng phải thay đổi và chạy theo xu hướng để phục vụ game thủ, nhưng với việc lạm dụng quá nhiều thì họ cũng khiến cho game trở nên quá nhàm và đáng chán. Dưới đây là một số trào lưu điển hình trong trò chơi điện tử làm cho game thủ cảm thấy đã quá nhàm.
1. Quick Time Event
Quick Time Events, hay còn gọi là QTE, là một tổ hợp các nút hiện ra rất nhanh trên màn hình và yêu cầu người chơi thực hiện một cách chính xác để nhân vật chính thực hiện một hành động đặc biệt nào đó. Nó bắt đầu xuất hiện từ trong dòng game Shenmue và trở nên nổi tiếng cùng dòng game chặt chém kinh điển God of War.
QTE phổ biến đến mức, hầu như bất kỳ tựa game hành động nào phát hành sau GoW đều thêm thắt thứ gia vị này vào game, mặc dù không hẳn là nó đã cần thiết. May mắn là sau này, QTE dần dần làm cho game thủ trở nên phát ngán và biến mất khỏi game.
2. Chế độ Multiplayer
PS3, Xbox360 cùng PC chính là những yếu tố đầu tiên góp phần cho sự bùng nổ của chế độ nhiều người chơi qua mạng Internet. Vào thời điểm những năm 2006 - 2010, hầu như bất kỳ tựa game nào cũng được thêm thắc chế độ chơi mạng với nhiều người chơi vào trong game.
Dĩ nhiên, được chơi cùng bạn bè hay giao lưu với người lạ thì cũng tốt thôi, nhưng không phải tựa game nào cũng cần điều đó cả. Rõ ràng có rất nhiều tựa game chỉ cần chơi 1 mình cũng đã đủ vui để trải nghiệm toàn bộ niềm vui rồi, tự hỏi rằng bạn có nhớ được Fallout, God of War hay Deadspace cần chơi mạng để làm gì không?
3. Zombie
Thực chất, các tựa game Zombie cũng đã tồn tại từ trước đây, nhưng sau khi The Walking Dead nổi lên, đã có vô số tựa game với đề tài "giết cương thi" được cho ra đời. Trong số đó, có khá nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng và được người chơi đánh giá cao như Left for Dead, Dead Rising hay Resident Evil chẳng hạn. Tuy nhiên, đố bạn nhớ được có bao nhiêu tựa game thừa mứa cũng chạy theo chủ đề này, thậm chí là cả game bắn súng cũng ăn theo để kiếm tiền từ zombie đấy?
4. Gắn ứng dụng điện thoại với game
Đây là một trào lưu diễn ra vào khoảng những năm 2013 - 2015. Với sự phát triển của các loại điện thoại thông minh, hiển nhiên các nhà phát triển game cũng có một phần của miếng bánh đầy béo bở và hấp dẫn này. Sản xuất một tựa game chất lượng cho điện thoại trong thời gian ngắn thì nghe chừng hơi khó, nhưng tạo ra một ứng gì đấy liên quan tới game, như bản đồ hay hướng dẫn cùng phần thưởng gì đấy thì khá đơn giản. Rất may là, trào lưu này không được hưởng ứng lắm và nhanh chóng chìm vào quên lãng.
5. Giao dịch trong game
Giao dịch trong game diễn ra theo rất nhiều kiểu khác nhau, từ việc mua vật phẩm hỗ trợ (IAP), cho tới DLC mở rộng cốt truyện và cuối cùng là cả những gói Battle Pass. Chúng xuất hiện ở đủ mọi tựa game, mọi dòng game, không phân biệt là game điện thoại, console hay PC, tất cả chỉ nhằm mục đích kiếm thêm lợi nhuận từ game thủ sau khi đã phát hành. Trào lưu này vẫn đang tiếp tục "hoành hành" ở khắp mọi nơi và không có dấu hiệu gì dừng lại.
6. Thế giới mở
Với sự thành công của dòng game GTA, những tựa game thế giới mở, nơi game thủ có thể làm gì tùy thích ngày càng trở nên phổ biến hơn. Đã có rất nhiều tựa game thành công với chúng, nhưng với việc có quá nhiều thế giới mở "bắt" game thủ khám phá, mọi thứ đã bắt đầu trở thành tiêu cực với game thủ. Không phải lúc nào người chơi cũng cần phải khám phá cả thế giới làm gì, họ chỉ cần có 1 câu chuyện hay để thưởng thức là được rồi.
7. Battle Royale
Sau cơn sốt MOBA, Battle Royale chính là một trào lưu mới khiến cho các nhà phát triển game chạy theo. Nhà nhà, người người, ai cũng muốn có một phần của đấu trường sinh tử dành cho riêng mình, từ những tựa game indie cho tới cả các tượng đài bắn súng như Call of Duty hay Battlefield. Thế nhưng, đến giờ người ta vẫn chưa tìm ra tên tuổi nào lớn hơn được PUBG và Fortnite, tuy nhiên cũng chả ai biết đến bao giờ nó sẽ nguội cả.