- Theo Trí Thức Trẻ | 14/07/2020 08:47 PM
Quân đội Mông Cổ từng là nỗi khiếp sợ của cả thế giới với những cuộc chinh phạt trải dài từ Á sang Âu. Ngoài những yếu tố nổi tiếng như kỵ binh, ngựa, kỹ thuật bắn cung, bản tính hung bạo hiếu chiến,…thì đội quân của Thành Cát Tư Hãn còn cần đến cả những chiến thuật độc nhất vô nhị để đánh bại các đối thủ. Vậy các chiến thuật phía sau huyền thoại vó ngựa Mông Cổ là gì?
Một sự thật mà rất ít người để ý đến đó là đội quân thiện chiến từng tung hoành khắp thế giới của người Mông Cổ lại không phải chỉ toàn người Mông Cổ. Phần lớn các kỵ sĩ du mục chiếm đa số lại là dân Turk, ngay trong thời của Thành Cát Tư Hãn thì kỵ sĩ gốc Mông Cổ cũng chỉ khoảng 23.000 người.
Ở thời kỳ sơ khai của mình, quân đội Mông Cổ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp sắt để rèn vũ khí. Khó khăn này bắt nguồn từ chính sách hạn chế xuất khẩu sắt cho các bộ tộc du mục của các triều đại Trung Hoa để làm suy yếu những bộ lạc này. Thế nên ở thời kỳ đầu, bàn đạp sắt hay đao Mông Cổ chủ yếu chỉ dành cho giới quý tộc, còn lại vũ khí chủ yếu của quân đội vẫn là cung và giáo – những loại vũ khí đòi hỏi ít sắt hơn.
Mông Cổ kế thừa kỹ thuật chế tạo cung của người Ba Tư và Trung Hoa, sau đó đã phát triển thành công nghệ sản xuất cung riêng của mình. Vào khoảng thế kỷ 13, cung Mông Cổ đạt tầm bắn 250m và hiệu quả gấp đôi trường cung của người Anh.
Trong các cuộc chiến với trọng kỵ của Châu Âu nói chung, lớp áo giáp hiệp sĩ có thể vô hiệu hóa cung tên, thế nên điểm yếu duy nhất có thể tấn công là ngựa cưỡi. Các hiệp sĩ và quân thiết kỵ vốn bị hạn chế hoạt động vì lớp áo giáp nặng rất khó để bỏ chạy một khi ngựa của họ bị hạ. Thế nên, với lớp áo giáp da thuộc thì khinh kỵ Mông Cổ vừa được che chắn tốt, vừa hoạt động linh hoạt và nhẹ nhàng hơn.
Vì thế mạnh của quân Mông Cổ chủ yếu phát huy trên chiến trường mở. Vì thế ngoài việc học hỏi cách sử dụng pháo và kỹ thuật công thành từ người Trung Hoa, quân đội Mông Cổ thường áp dụng chiến thuật bao vây, cô lập các thành trì. Qúa trình này sẽ bao gồm cả việc tàn sát các cư dân xung quanh để chặn tiếp tế, bỏ đói thành đồng thời gây áp lực nên quân thủ thành. Tất nhiên, nếu thành trì nào mất kiên nhẫn mà đưa quân ra ứng cứu thì sẽ ngay lập tức phải đối đầu với quân Mông Cổ trên chiến trường.
Do tính chất linh động nên quân đội Mông Cổ rất ít khi giữ tù binh. Các thành trì bị đánh chiếm thường có hai sự lựa chọn, hoặc đầu hàng ngay thì sẽ được tha còn chống lại thì kết cục là tàn sát cả thành. Chính sách này vừa phục vụ cho mục đích cướp bóc, vừa tránh phải tốn lương thực không cần thiết. Hơn thế nữa, nó còn giúp đảm bảo sự an toàn cho các thương gia Mông Cổ, nhờ vậy sự giao lưu văn hóa và công nghệ với các khu vực khác cũng dễ dàng hơn. Bởi bất kỳ thành trì nào giết thương gia Mông Cổ đều bị tàn sát trả đũa.