Nhân thời điểm Avengers: Endgame đang công phá tất cả các rạp chiếu trên thế giới, hãy cùng nhìn lại một vài mẩu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc đời của Stan Lee.
Stan Lee là một công dân đích thực của thế giới siêu anh hùng
Tham gia cameo (vai diễn khách mời) trong các bộ phim Marvel đã trở thành thói quen của Stan Lee suốt nhiều năm qua. Ngay từ nhỏ ông đã luôn xem bản thân như một nhân vật trong series nổi tiếng Tarzan Movie, chính vì vậy mà dù sau này khi đã già yếu, nhà sáng tác vẫn luôn sẵn sàng gật đầu mỗi khi có lời mời diễn xuất gửi đến.
Stan Lee tham gia Thế chiến II với vai trò lính thông tin
Tháng 11 năm 1942, như bao thanh niên Mỹ khác, Stan Lee tạm rời bỏ công việc yêu thích tại Marvel Comics để gia nhập một Quân đoàn lính Thông tin đóng tại New Jersey phục vụ Thế chiến II. Nhiệm vụ hằng ngày của ông là xâu chuỗi tin tức liên lạc, sửa chữa đường dây kết nối, tuần tra vành đai và theo dõi các tàu hoặc máy bay địch có nguy cơ thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Nhờ khả năng và đức tính chăm chỉ cần mẫn, Stan Lee nhanh chóng chiếm được thiện cảm để rồi một thời gian sau được điều chuyển vào Cơ quan đào tạo công tác làm phim của Quân đội, nơi đã giúp ông trau dồi rất nhiều khả năng viết lách cũng như lên ý tưởng.
Trở thành giáo viên
Sau quá trình học tập tại Cơ quan đào tạo công tác làm phim Quân đội, Stan Lee trở thành một trong những giáo viên tốt nhất thời bấy giờ trong lĩnh vực đào tạo sản xuất phim và viết kịch bản. Ông đóng vai trò quan trọng với chiến lược xây dựng hình ảnh quân đội Mỹ của Nhà Trắng, thậm chí ngay cả trước khi quốc gia này chính thức tham gia Thế Chiến II sau trận Trân Châu Cảng.
Sự khai sinh của các siêu anh hùng
Sau thành công vang dội của bộ truyện "Fantastic", năm 1962 Stan Lee tiếp tục kết hợp cùng một nhà văn khác là Steve Ditko để sáng tạo nên Spider-Man – nhân vật truyện tranh nổi tiếng nhất Marvel cho đến tận ngày nay. Dù gặp phải sự e ngại tới từ giám đốc Marvel Comics khi đó Martin Goodman, nhưng ông cùng những người đồng sự vẫn kiên định và tiếp tục gặt hái thành công với những siêu anh hùng mới như Thor, Iron Man, Hulk, Doctor Strange và X-Men.
Mở rộng thương hiệu Marvel
Để có được một tác phẩm thành công thì quá trình tiếp thị là thứ không thể bỏ qua. Hiểu rõ điều này, Stan Lee đã cải tiến hình thức xuất bản của Marvel bằng cách thêm vào tiểu sử tác giả, những tin đồn về ngành công nghiệp truyện tranh… ở bìa sau mỗi tập truyện. Nhớ những bước đi táo bạo đó, Marvel Comics đã gia tăng lượng ấn phẩm bán ra từ 18 triệu bản năm 1961 lên tới 32 triệu bản chỉ sau bốn năm.
Spider-Man: Một sự biểu cảm của tâm trí con người
Người Nhện không đơn giản chỉ là một biểu tượng của sự thành công, mà nhân vật này còn làm thay đổi cách vận hành của cả ngành công nghiệp truyện tranh. Như Stan Lee đã nói, Spider-Man là một sự biểu cảm của tâm trí con người.
Anh ta tượng trưng cho những hy vọng, giấc mơ, nỗi sợ hãi, sự thất vọng và ám ảnh. Mỗi người đọc đều tìm thấy bản thân mình, ở một góc nào đó trong cuộc đời anh chàng Peter Parker. Thay vì những siêu anh hùng sáo rỗng quá xa vời thực tế, Stan Lee mang đến cho chúng ta một Người Nhện rất đời như thế.
Khát vọng tuổi trẻ
Sự nhạy bén với thị hiếu công chúng của Stan Lee bắt nguồn từ khao khát trở thành một diễn viên ngay khi còn thiếu niên nơi ông. Stan là một người sống nhiệt huyết và vì vậy, ông luôn mong muốn được thể hiện suy nghĩ của mình với đông đảo mọi người. Nhờ thái độ sống tích cực, và cộng hưởng cùng sự khiêm nhường đã làm nên một nhà sáng tác truyện tranh xuất sắc nhiều năm sau này.