7 lí do “Hoa Dạng Niên Hoa” là bộ phim lãng mạn xuất sắc nhất thế kỷ 21 (tới lúc này)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/01/2017 0:00 AM

Qua cách triển khai cốt truyện độc đáo, những cảm xúc thầm kín nhất của các nhân vật được lột tả vô cùng chân thực, chi tiết, đậm chất nghệ thuật, khiến “Hoa Dạng Niên Hoa” trở thành một tuyệt tác.

Trong bài đánh giá “2046” – tác phẩm nối tiếp “Hoa Dạng Niên Hoa” của đạo diễn Vương Gia Vệ, nhà phê bình Roger Ebert đã nhận định rằng: “Luôn luôn là quá sớm hoặc quá trễ cho tình yêu trong phim của Vương Gia Vệ, khiến nhân vật phải trải qua những tháng ngày khát khao và tiếc nuối.”

Nội dung phim xoay quanh ông Chu Mộ Vân và bà Tô Lệ Trân, hai con người ở trong hai cuộc hôn nhân bi đát khi bạn đời của họ đều đang ngoại tình, và từ cảnh ngộ chung đó, giữa họ nảy sinh một thứ tình cảm mãnh liệt. Điều khiến “Hoa Dạng Niên Hoa” khác biệt so với hầu hết các bộ phim lãng mạn khác là nó nói về một mối quan hệ không bao giờ có thể hình thành, nhưng sự đau xót, tiếc nuối vẫn là vô cùng.

Qua cách triển khai cốt truyện độc đáo, những cảm xúc thầm kín nhất của các nhân vật được lột tả vô cùng chân thực, chi tiết, đậm chất nghệ thuật, khiến “Hoa Dạng Niên Hoa” trở thành một tuyệt tác. Dưới đây là 7 lí do để chứng minh vì sao nó lại được đánh giá là bộ phim lãng mạn xuất sắc nhất thế kỷ 21.

1. Một lựa chọn sai lầm và bi kịch mà nó kéo theo

Có lẽ “Romeo và Juliet” đã không trở thành một chuyện tình kinh điển suốt hàng thế kỷ nếu như hai nhân vật chính kết hôn và sống hạnh phúc tới cuối đời ở Verona. Chính bi kịch của họ, khi mà cả hai người đều ra đi với ý nghĩ mình đã mất người kia mãi mãi, khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn với người đọc.

Cũng với công thức ấy, “Hoa Dạng Niên Hoa” mang tới cho chúng ta một bi kịch trong mối quan hệ giữa hai nhân vật chính trong phim. Bộ phim mở đầu bằng lời tựa: “Đó là một giây phút bối rối. Cô ấy cúi đầu thấp xuống, để anh có thể đến gần cô hơn. Nhưng anh ấy đã không thể làm vậy, vì thiếu dũng khí. Và thế là cô quay lưng bước đi.”

Hai nhân vật chính gặp nhau trong một tình cảnh éo le vô cùng, vợ và chồng của họ đều đang ngoại tình. Vì bi kịch ấy mà họ đồng cảm, thấu hiểu cho nỗi niềm của nhau, rồi chợt nhận ra tình cảm của họ dành cho nhau còn vượt qua ranh giới ấy, thực sự là hai tâm hồn đồng điệu. Thế nhưng, họ không thể trở thành một cặp tình nhân thật sự, vì họ coi trọng sự trong sạch và thủy chung, như bà Tô nói: “Chúng ta sẽ không giống như họ.”

Dù cả hai đều khao khát có đủ dũng khí để rời khỏi thành phố ấy cùng nhau, bắt đầu một cuộc sống mới, nhưng sau cùng họ đã không làm như vậy, và lại phải tiếc nuối cả một đời. Trong “2046”, ông Chu nói rằng: “Vài năm trước đây, tôi từng có cơ hội để nắm lấy hạnh phúc của đời mình, nhưng tôi đã để nó tuột mất.”

2. Nó cho chúng ta xem những điều “đã xảy ra tự bao giờ rồi”

Khi Ông Chu và Bà Tô bắt đầu gặp gỡ nhau, một trong hai người họ tiến đến trước. Nhưng chúng ta lại không biết đó là ai, bởi có cả cảnh ông Chu tiến tới trước, và cả cảnh Bà Tô tiến tới trước. Nó cho thấy cách mà những cảm xúc lãng mạn đến với chúng ta, một cách tự nhiên và bất chợt, không nhất thiết phải đưa vào “đúng hoàn cảnh” hay cố hợp lí hóa chúng.

Bộ phim không cố lí giải họ có cảm xúc với nhau từ bao giờ hay vì lý do gì, mà đến một lúc nào đó, cả hai nhân vật lẫn người xem đều nhận ra rằng giữa họ đã nảy sinh một thứ tình cảm vô cùng mãnh liệt. Như trong đoạn đối thoại giữa họ, Bà Tô nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng anh có thể phải lòng tôi được”, và ông Chu đáp lại: “Tôi cũng vậy. Tôi chỉ tò mò xem nó bắt đầu như thế nào. Giờ thì tôi biết rằng, cảm xúc có thể đến với chúng ta bất chợt như thế.”

3. Nghệ thuật phối cảnh và màu sắc sặc sỡ càng làm cảm xúc thêm mãnh liệt

Bộ phim mở ra bằng một tấm màn đỏ rực và kết thúc cũng với màu đỏ ấy, gợi cho người xem một cảm giác đầy rạo rực và say đắm trong hương vị tình yêu. Xuyên suốt bộ phim, khung cảnh và màu sắc luôn luôn được sắp đặt trùng khớp với cảm xúc mà câu truyện đang truyền tải.

Ở phần đầu, mọi thứ đều mang màu trắng, be hoặc xám, chiếc váy mà Bà Tô mặc cũng nhạt màu, có lẽ là để tượng trưng cho cuộc hôn nhân ảm đạm của nhân vật. Tới khi hai nhân vật chính gặp nhau, những tông màu ấm nóng, chủ yếu là đỏ, lại nổi trội trong khung hình, thể hiện những cảm xúc mãnh liệt nhất.

Khi họ phải li biệt, chúng ta lại chỉ còn thấy những màu sắc lạnh lẽo như bầu trời xanh nhạt hay những bộ trang phục xanh lá, khiến sự buồn bã và mất mát càng lan tỏa rộng.

4. Âm nhạc say đắm nắm bắt từng khoảnh khắc

Âm nhạc đi theo từng hành động của hai nhân vật chính, đặc biệt là bài nhạc nền chủ đạo “Yumeji’s theme”, mang theo tâm trạng lãng mạn nhưng u sầu suốt cả bộ phim. Âm nhạc đóng vai trò điều tiết, giữ nhịp độ nhất định cho hành động của các nhân vật và diễn biến câu chuyện. Nhạc nền trong phim sử dụng chủ yếu là nhạc cụ dây, nhấn vào cảm xúc khát khao, tiếc nuối, cộng với âm hưởng lặp đi lặp lại trong những cảnh quay chậm khiến nó cứ ám ảnh mãi trong tâm trí người xem.

5. Khêu gợi một cách tinh tế

Trong “Hoa Dạng Niên Hoa”, sự gợi cảm không được thể hiện qua những hình ảnh “thiếu vải” hay “giường chiếu”, mà theo một cách tinh tế hơn nhiều. Nó được lột tả qua cảnh Bà Tô bước đi và cách mà máy quay di chuyển chậm rãi, để lộ đôi chân bà, rồi lia dần lên phía trên cơ thể. Hay cách Bà Tô tán tỉnh Ông Chu bằng cách dùng những ngón tay chạm nhẹ vào người ông, một cử chỉ nhẹ nhàng nhưng đầy mãnh liệt.

Có lẽ một số người sẽ cảm thấy bộ phim khá lãnh đạm khi so sánh với những tác phẩm lãng mạn phương Tây, và có thể điều đó cũng đúng. Thế nhưng, sự ấm áp và gần gũi lại được đặc tả cực rõ trong một vài cảnh quay quan trọng, như khi hai nhân vật chính nắm lấy tay nhau. Sự lãng mạn, gợi cảm lan tỏa trong suốt bộ phim qua nhiều trung cảnh và cận cảnh.

Vì bản chất của bộ phim cũng như mối quan hệ giữa hai nhân vật chính, đáng tiếc thay, chất tình đó lại luôn đi liền với sự sầu bi và tiếc nuối, không bao giờ là thỏa mãn trọn vẹn.

6. Làm mờ ranh giới giữa “hiện thực” và tưởng tượng

Cảnh phim mà chúng ta đã đề cập tới ở trên, khi mà Ông Chu và Bà Tô đều tiến tới trước, cho thấy rằng một cái đã thực sự xảy ra, và cái còn lại chỉ là ở trong tưởng tưởng. Đạo diễn Vương Gia Vệ đã sử dụng ý tưởng về thực tại song song để tô đậm ý tưởng rằng những cảm xúc lãng mạn xảy đến một cách tự nhiên như đúng bản chất của chúng. Dù là ai tiến tới trước, kết quả cũng sẽ là như vậy.

Yếu tố nghệ thuật này còn được sử dụng nhiều lần nữa trong phim, qua những cảnh “diễn tập” của ông Chu và Bà Tô. Họ tập diễn cảnh Bà Tô chất vấn chồng mình về tình nhân của ông ta, và mặc dù chồng của bà không thực sự có mặt ở đó, nhưng cảm xúc của bà là có thật. Cao trào nhất là khi họ “diễn tập” cảnh chia li của mình, cố gắng làm xoa dịu nó đi, nhưng kết quả là họ đã thất bại, nỗi đau trước sự mất mát ấy là không thể khỏa lấp.

7. Cảnh kết phim

Ở phần cuối của bộ phim, Ông Chu nói với một người bạn của mình rằng: “Ngày xưa ấy, nếu ai đó có một bí mật mà họ không muốn chia sẻ với ai… cậu có biết họ làm gì không? … Họ leo lên một ngọn núi, tìm một thân cây, đào một cái lỗ nhỏ trên đó, và thì thầm bí mật của mình vào đấy. Sau đó, họ lấy bùn lấp nó lại. Và để lại bí mật ở đó vĩnh viễn.”

Trong cảnh cuối cùng của bộ phim, Ông Chu đã làm đúng điều đó, thì tầm bí mật của mình trên ngọn núi, khi một bản nhạc đầy u sầu vang lên, rồi xuất hiện một cảnh toàn (trước đó chưa từng xuất hiện trong phim) của ngọn núi và những đền chùa xung quanh. Đó là vào lúc hoàng hôn và bầu trời mang màu xanh đen, đối lập với sắc đỏ sặc sỡ của một thời lãng mạn trước đó.

Đến “2046”, chúng ta biết được rằng bí mật đó là mong ước cùng Bà Tô rời Hồng Kông, và rồi họ sẽ ở bên nhau. Nó đã ám ảnh Ông Chu suốt những năm về sau, tự hỏi rằng liệu Bà Tô có yêu mình như thế không. Và rồi những dòng chữ cuối cùng hiện lên: “Anh ấy nhớ những năm tháng tàn phai ấy. Như thể nhìn qua một tấm kính bụi bặm, quá khứ là thứ mà anh có thể thấy, nhưng không thể chạm vào. Mọi thứ anh ấy nhìn thấy đều thoáng qua và mờ ảo.”

Theo Tasteofcinema

25 bộ phim Hollywood nổi tiếng sẽ bước sang tuổi thứ 10 trong năm 2017

    betterchoice