- Theo Helino | 18/12/2018 05:00 PM
Bạn có từng ám ảnh bởi cảnh trong phòng tắm của tác phẩm "Psycho"? Hay những cảnh quay đẫm máu từ phim "Jaws"? Sau đây là 7 bộ phim kinh dị có độ tuổi còn lớn hơn một số người, nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay.
"Jaw" – 1975
Jaws (Hàm cá mập) là tác phẩm kinh điển của đạo diễn người Mỹ lừng danh Steven Spielberg, lúc đó ông mới chỉ 29 tuổi. Bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn sách bán chạy của nhà văn Peter Benchley. Nội dung kể về cuộc tấn công của đàn cá mập trắng khổng lồ ở bãi biển New England (Mỹ).
Đây là một bộ phim kinh dị máu me mang đến nỗi ám ảnh sợ cá mập đầu tiên cho công chúng. Jaws có kinh phí sản xuất chỉ 9 triệu USD, nhưng mang về doanh thu lên đến 100 triệu USD, một con số kỷ lục thời bấy giờ. Jaws được viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ đưa vào danh sách bảo tồn nhờ những ảnh hưởng lớn lao tới điện ảnh và văn hóa đương đại. Nếu bạn xem Jaws, hãy cẩn thận vì nguy cơ mắc thalassophobia (Hội chứng sợ biển và những sinh vật ở biển) là rất cao.
"The Exorcist" - 1973
Là bộ phim kinh dị do Mỹ sản xuất được cho ra mắt vào ngày 26 tháng 12 năm 1973. Dưới sự nhào nặn của đạo diễn thiên tài William Friedkin, tác phẩm này đã mang lại tiếng vang rất lớn trên toàn cầu thời bấy giờ. Tác phẩm được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn William Peter Blatty xuất bản năm 1971 và được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật. Nội dung phim kể về một cô bé bị quỷ ám khi mới chỉ 12 tuổi. Và phải nhờ đến buổi trừ tà kinh điển của 2 mục sư thì gia đình cô bé mới giành lại đứa con của mình từ tay quỷ dữ.
The Exorcist có được những ảnh hưởng mang tính trọng đại trong nền văn hóa đại chúng. Nó cũng được xướng tên trong danh sách những bộ phim ghê rợn nhất mọi thời đại bởi tạp chí Entertainment Weekly và Movies.com. Vào năm 2010, The Exorcist cũng đã được lưu trữ trong "Viện lưu trữ phim quốc gia" của Mỹ.
"Carrie" - 1976
Carrie là phim kinh dị Mỹ năm 1976 của đạo diễn Brian De Palma. Tác phẩm dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Stephen King năm 1974. Đây cũng là quyển sách đầu tay của nhà văn kinh dị huyền thoại này. Bộ phim kể về Carrie White, một cô gái nhút nhát và hay bị mọi người trêu ghẹo. Những ảnh hưởng từ tuổi dậy thì và sự thờ ơ từ những người xung quanh đã khiến tâm lý của cô trở nên cuồng loạn.
Nhiều bộ phim đã đề cập về vấn đề bắt nạt học đường, nhưng Carrie là một trong những tác phẩm đầu tiên tập trung vào những cô gái tuổi teen. Sống với một bà mẹ cuồng tín và ham mê tà giáo, Carrie trở thành một cô gái nhút nhát, khép kín và không có kiến thức tối thiểu về cơ thể mình cũng như cuộc sống xung quanh. Rắc rối xảy ra ở nhà tắm của trường khi cô phát hiện mình bị "chảy máu" lần đầu tiên.
"The Birds" – 1963
The Birds là một bộ phim kinh dị năm 1963 của Mỹ được đạo diễn và sản xuất bởi Alfred Hitchcock, dựa trên câu chuyện cùng tên năm 1952 của Daphne du Maurier. Bộ phim kể về các cuộc tân công của những bầy chim hung hãn ở vịnh Bodega, California. Trong năm 2016, The Birds được coi là "văn hóa, lịch sử" của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, và được chọn để bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Hoa Kỳ.
Ms. Daniels, một cô gái giàu có tình cờ gặp chàng luật sư Mitch Brenner khi anh tìm cặp lovebirds làm quà sinh nhật. Cuốn hút bởi tính cách chững chạc của anh, cô quyết định tạo cho sự bất ngờ bằng cách tạt đến vịnh Bodega nơi anh nghỉ cuối tuần để tặng đôi chim đó. Daniels không ngờ cô phải lưu lại nơi đó lâu hơn dự kiến và sẽ phải gặp điều khủng khiếp nhất trong đời.
"Poltergeist" ― 1982
Poltergeist, hay còn được biết đến với cái tên "Yêu tinh", được đạo diễn bởi Tobe Hooper. Ra mắt công chúng vào ngày 4 tháng 6 năm 1982, tác phẩm cũng đã gây sốt các phòng vé toàn cầu. Với nội dung mới mẻ và đầy ma mị, phim đã được các nhà phê bình đánh giá rất cao khi khuấy đảo các rạp chiếu.
Nội dung phim kể về gia đình Freeling đang sống yên bình tại vùng ngoại ô, bỗng nhiên xuất hiện những con yêu tinh đầy phá phách ghé thăm. Ban đầu, chúng chỉ là đùa giỡn cho vui và tỏ ra khá thân thiện. Nhưng dần dà chúng cũng đã lộ ra bản chất thật sự của mình. Những tên yêu tinh này đã tấn công gia đình Freeling và bắt cóc cô con gái út. Họ đã phải cố gắng thật nhiều để có thể mang cháu bé trở về với cuộc sống bình thường.
"Soylent Green" ― 1973
Đây là một tác phẩm kinh điển thật sự. Soylent Green chính là tác phẩm thứ 101 và cũng là cuối cùng của Eddie Robinson. Chỉ vài ngày sau khi phim được hoàn thành, ông đã qua đời. Phim được đạo diễn bởi Richard Fleischer. Năm 1973, nó đã giành được giải thưởng Nebula Award cho hạng mục "Trình bày kịch hay nhất" và Giải thưởng Saturn cho "Phim khoa học viễn tưởng hay nhất".
Phim lấy bối cảnh vào năm 2022, khi dân số đã tăng lên đến mức ngoài tầm kiểm soát cộng thêm hiệu ứng nhà kính dẫn đến các tác động xấu vào môi trường. Sự ô nhiễm, nghèo đói và tài nguyên lúc đó đã cạn kiện. Để sống sót, loài người buộc phải ăn thịt lẫn nhau. Bộ phim là một viễn cảnh vô cùng ảm đạm và thê lương về tương lai: Lương thực làm từ thịt người. Thế giới của Soylent Green bi đát bao nhiêu, thì thịt các cư dân của nó thơm ngon bấy nhiêu.
"Rosemary's Baby", 1968
Rosemary's Baby là một bộ phim kinh dị tâm lý Mỹ năm 1968 được viết và đạo diễn bởi Roman Polanski. Bộ phim ghi lại câu chuyện về một người phụ nữ mang thai, người nghi ngờ rằng một giáo phái độc ác muốn đưa đứa bé chưa chào đời của mình đi hiến tế trong các nghi lễ của họ.
Rosemary's Baby liên quan đến các chủ đề liên quan đến hoang tưởng, giải phóng phụ nữ, Cơ đốc giáo (Công giáo) và huyền bí. Bộ phim đã giành được sự hoan nghênh gần như toàn cầu từ các nhà phê bình phim và giành được nhiều đề cử và giải thưởng.